Hậu thảm sát kinh hoàng tại nhà thờ Hồi giáo:

Người dân New Zealand tự nguyện giao nộp súng

Thứ Sáu, 22/03/2019, 13:28
Sự kinh hoàng và độ man rợ của cuộc tấn công khủng bố vào hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch (New Zealand) và ý nghĩ về những gì có thể xảy ra nếu khẩu súng rơi vào tay kẻ xấu đã khiến John Hart tự nguyện giao nộp súng của mình cho nhà chức trách.


Hãng tin CNN ngày 19-3 đăng tải một bài viết gây xôn xao dư luận. Đó là chuyện một nông dân ở New Zealand đã tự đóng gói khẩu súng trường AR-15 của mình và giao nộp cho cảnh sát địa phương hôm 18-3. Người nông dân đó là John Hart, 46 tuổi, sinh sống ở phía Nam New Zealand.

"Tôi đã có khẩu súng này từ hơn 20 năm trước. Tôi rất vui vì nó chưa bao giờ làm hại một người", John Hart nói với CNN: "Bây giờ tôi càng có thể yên tâm là nó không thể hại được ai. Điều này làm tôi thật sự hài lòng". Hiện John Hart đang sở hữu một trang trại rộng 50 mẫu tại Masterton, New Zealand, nơi ông nuôi cừu và bò. John Hart tâm sự rằng ông đã suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra quyết định của mình và cuối cùng ông cảm thấy "một chút nhẹ nhõm".

Ông John Hart - người đã tự nguyện giao nộp súng cho cảnh sát.

Theo lời của John Hart, ông đã mua khẩu AR-15 (loại súng mà nghi phạm Brenton Tarrant đã sử dụng để bắn vào những người đang cầu nguyện tại nhà thờ) nhằm mục đích giết dê và lợn rừng và hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh trong trang trại. Ngoài khẩu súng trường tự động nói trên, John Hart vẫn còn một số khẩu súng khác trong trang trại để "làm việc vặt và săn bắn động vật.

"Đối với tôi, lý do chính là các loại vũ khí này thuận tiện cho một số loại nhiệm vụ, nhưng chúng không phải là cách duy nhất để thực hiện các nhiệm vụ đó", ông nói: "Theo suy nghĩ của tôi, sự đánh đổi để có được sự tiện lợi của vũ khí so với việc sử dụng sai mục đích là không thoả đáng. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên có những thứ này ở đất nước của chúng ta sau những gì đã xảy ra".

Cũng theo lời kể của John Hart, việc giao nộp súng cho nhà chức trách khá đơn giản. Ông chỉ việc điền vào mẫu đơn giao nộp vũ khí và thông báo cho cảnh sát rằng sẽ mang súng tới đồn. "Ở miền Nam New Zealand, bạn có thể từ bỏ vũ khí mà không có câu hỏi nào được đặt ra", John Hart nói. "Với cuộc tấn công khủng bố, chúng tôi đang nâng cao nhận thức, vì vậy tôi thực sự không muốn đi bộ đến đồn cảnh sát với một khẩu súng kèm một cảnh sát có vũ trang để bảo vệ".

Đáng chú ý là John Hart không hề đơn độc trong việc tự nguyện giao nộp vũ khí. Một số chủ sở hữu súng ở New Zealand đã gửi tới các phương tiện truyền thông xã hội để thông tin về lý do tại sao họ từ bỏ súng của mình và kêu gọi mọi người cùng hành động. Một người dùng Twitter với nickname là Blackstone đã chia sẻ việc không muốn sở hữu súng của mình nữa.

"Kể từ lần đầu tiên tôi nghe về vụ tấn công tàn bạo vào chiều thứ 6 (15-3), tôi đã quyết định điều này và thực hiện nó trong sáng thứ 2 (18-3). Đây là một trong những quyết định dễ dàng nhất mà tôi từng đưa ra. Tôi đã sở hữu súng trường tự động được 31 năm", Blackstone viết trên Twitter.

Một phụ nữ tên Fey Hag cũng đăng trên Twitter về việc giao nộp súng và kể với phóng viên hãng CNN: "Khi chồng tôi chết, súng của anh ấy đã được trao cho gia đình và tôi đang giữ giấy phép của nó. Là con gái trong một gia đình cha mẹ hành nghề săn bắn, tôi đã biết sử dụng súng từ năm 9 tuổi. Nhưng hôm nay, tôi đã yêu cầu những khẩu súng này phải được tiêu hủy"…

John Hart tâm sự rằng, ông đã bị "choáng ngợp" bởi những phản hồi nhận được trên mạng sau khi đăng bài về việc giao nộp vũ khí của mình. "Tôi khá tự tin rằng chúng tôi sẽ có kết quả tích cực từ việc này", John Hart nói: "Chính phủ New Zealand nói rằng họ sẽ cải cách luật. Thủ tướng Jacinda Ardern đã cam kết thay đổi Luật sở hữu súng và chúng tôi cần xem điều đó diễn ra như thế nào".

Ghi nhận của phóng viên hãng CNN cho hay, cho đến chiều tối 19-3, rất nhiều người dân trên mọi miền của New Zealand đã tự nguyện mang súng đến đồn cảnh sát để giao nộp. Chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số súng được giao nộp nhưng cảnh sát New Zealand cũng đã phát đi khuyến cáo rằng trong bối cảnh an ninh đang được thắt chặt và tình hình hiện tại, người dân nên gọi cho cảnh sát trước khi giao nộp vũ khí.

Luật sở hữu súng đạn ở New Zealand được ban hành từ năm 1984 của New Zealand. Theo đó, mọi công dân New Zealand trên 16 tuổi đều có thể xin giấy phép sở hữu súng. Sau khi vượt qua các bước kiểm tra tiền sử phạm tội, bạo lực, sử dụng ma túy, cồn, có quan hệ với thành phần nguy hiểm không…, người xin cấp phép sẽ trải qua một khóa học sử dụng súng an toàn kéo dài vài tháng, sau đó được cấp phép. Giấy phép được gia hạn sau mỗi 10 năm.

Những nỗ lực thay đổi luật sở hữu súng đã được các quan chức New Zealand đưa ra vào các năm 2005, 2012 và 2017 song đều thất bại. Do luật này không bắt buộc tất cả các loại súng phải được đăng ký sử dụng nên chính phủ New Zealand cũng không biết chính xác có bao nhiêu khẩu súng đang lưu hành hợp pháp và bất hợp pháp. Cảnh sát New Zealand ước tính có tổng cộng khoảng 1,2 triệu khẩu súng ở nước này, đồng nghĩa với việc cứ ba người dân lại có một khẩu súng.

Phương Linh (Theo CNN)
.
.
.