Người di cư sẽ đi về đâu?

Thứ Bảy, 10/12/2016, 17:58
Giới truyền thông địa phương Đức vừa dẫn thông báo (2-12), số người tị nạn tới Đức trong mấy tháng qua tuy không tăng cao, nhưng dòng người di cư vẫn đang kéo đến nền kinh tế lớn nhất châu Âu và tình hình này còn kéo dài.


Theo số liệu thống kê mới nhất do tờ Die Welt công bố hôm 2-12, chỉ tính riêng trong tháng 11, khoảng 17.500 người đã đăng ký xin quy chế tị nạn tại Đức. Và từ đầu năm đến nay, Đức đã cung cấp nơi ở cho khoảng 305.000 người tìm kiếm quy chế tị nạn.

Theo tờ Bild của Đức, tính theo mức giá cuối tháng 11, chi phí cho mỗi người tị nạn ở Đức lên tới 11.800 euro/năm. Và chi phí cho người tị nạn sẽ tăng hơn nhiều nếu tính những khoản bổ sung dành cho quá trình hội nhập vào xã hội sở tại và học nghề hay nâng cao trình độ.

Trước đó, bà Ulrike Demmer, người phát ngôn của Thủ tướng Đức khẳng định, những đe dọa "không giúp ích" cho thỏa thuận về vấn đề người di cư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời nhấn mạnh, EU sẵn sàng thực hiện cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ, và khi xuất hiện bất đồng, hai bên cần phối hợp giải quyết.

Người di cư sống vạ vật tại biên giới Macedonia và Hy Lạp.

Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đe dọa sẽ mở cửa biên giới cho người di cư trở lại châu Âu, nhằm trả đũa Nghị viện châu Âu (EP) vừa thông qua nghị quyết ủng hộ việc ngừng các cuộc đàm phán kết nạp Ankara làm thành viên EU. 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cũng cảnh báo, nếu không có sự giúp đỡ của Ankara, làn sóng người di cư có thể sẽ tràn vào châu Âu.

Tuy có tới 438 phiếu ủng hộ (194 phiếu chống và 7 phiếu trắng), và EP đã thông qua ngân sách năm 2017 của EU với tổng trị giá lên tới 167,82 tỷ USD, nhưng EU vẫn chia rẽ về nguồn kinh phí cho người di cư.

Được biết, EP quyết định chi gần 7 tỷ USD (cao hơn 11,3% so với năm 2016) để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư được coi là lớn nhất kể từ Thế chiến II. Chủ tịch EP Martin Schulz cho biết, để bù đắp các khoản chi phí cao hơn dành cho người di cư và việc làm, EU đã đồng ý cắt giảm các khoản chi tiêu khác.

Theo con số của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), tính từ đầu năm đến ngày 30-11, có 172.897 người nhập cư trái phép đã đến Italia bằng đường biển. Là cửa ngõ vào châu Âu, nên Italia đã "tiếp nhận" hơn 155.000 người di cư. Ngày 28-11, lực lượng bảo vệ bờ biển Italia đã cứu khoảng 1.400 người di cư ở ngoài khơi bờ biển Libya.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế và Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, gần 4.700 người di cư được xác định đã thiệt mạng hoặc mất tích trên Địa Trung Hải trong năm nay.

Theo giới truyền thông Slovenia, ngày 2-12, lực lượng cảnh sát và an ninh đã bắt 30 người di cư trái phép (chủ yếu là người Afghanistan và người Pakistan) tại một ngôi làng ở phía Tây Nam nước này.

Theo cảnh sát, những người này bị bắt sau khi cố tình vượt biên giới trái phép từ Croatia tới Slovenia. Bộ Nội vụ Slovenia cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2016, cảnh sát nước này đã bắt 792 người nhập cư trái phép, tăng 89,5% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Trước đó (24-11), khoảng 1.500 người nhập cư đã gây sự tại trại tị nạn lớn nhất ở Bulgaria, khiến 14 cảnh sát bị thương và ít nhất 200 người nhập cư bị bắt. 

Những người nhập cư (chủ yếu đến từ Afghanistan), đã đốt lốp xe và ném đá vào 250 nhân viên cảnh sát, hiến binh và cứu hỏa tại trung tâm tiếp nhận Harmanli (hiện tiếp nhận hơn 3.000 người nhập cư) gần biên giới giữa Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối lệnh cấm người nhập cư không được phép rời khỏi trại trong thời gian chờ kiểm tra y tế. Và tại trại này cũng từng xảy ra biểu tình của hàng trăm người nhập cư Afghanistan đòi được tiếp tục hành trình tới Tây Âu.

Nhiệm Bình
.
.
.