Người điệp viên tình báo làm đảo lộn lịch sử vũ khí hạt nhân

Thứ Hai, 14/10/2013, 10:35

Klaus Fuchs được coi là điệp viên có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất trong lịch sử tình báo hạt nhân khi giúp cho Liên Xô có được những tài liệu khoa học vô cùng quan trọng về quá trình sản xuất bom nguyên tử từ phía Mỹ.

Hơn bốn năm sau ngày Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima, Liên Xô cũng thử thành công loại vũ khí huỷ diệt này. Một cú sốc đối với chính phủ Mỹ, đối thủ của họ đã nhanh chóng bắt kịp nước này trong cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Liệu có phải các nhà khoa học Nga đã nỗ lực và thành công sớm hơn so với dự đoán? Hay đã có sự rò rỉ thông tin?

Chỉ vài tháng sau, một nhà vật lý người Anh từng làm việc cho dự án bom nguyên tử tại Mỹ và lúc đó đang là trợ lý giám đốc cho chương trình bom nguyên tử của Anh đã khai nhận về việc chuyển giao tài liệu mật cho phía Liên Xô. Đó chính là Klaus Emil Fuchs.

Tuổi trẻ chìm nổi

Ngay từ khi còn là sinh viên tại Đức, quê hương ông, Fuchs đã tham gia vào những phong trào chính trị chống lại đảng cầm quyền đương thời là Đức Quốc xã. Ông là thành viên Đảng Cộng sản Đức, đảng phái duy nhất tích cực chống lại Đức Quốc xã vào thời bấy giờ. Vào đầu năm 1933, khi Hitler mạnh tay đàn áp các đảng đối lập trong nước, Fuchs ngay lập tức phải trốn sang nước ngoài, từ Thụỵ Sỹ sang Pháp rồi cuối cùng đặt chân tới nước Anh.

Tại Anh, Fuchs lấy được bằng tiến sỹ và có được một công việc nghiên cứu ổn định. Tuy nhiên, chiến tranh Thế giới thứ 2 xảy ra, và vì là người Đức, ông bị chính phủ Anh liệt vào danh sách những thành phần nguy hiểm. Ông bị đày tới một trại tập trung tại Canada và phải ở đây trong nhiều tháng trời.

Tuy nhiên, Fuchs là một nhà khoa học tài năng, đặc biệt là trong lĩnh vực vật lý, và điều này đặc biệt có ích đối với nước Anh trong việc sản xuất vũ khí chiến tranh. Chính vì vậy Fuchs đã được thả sau chín tháng ở trại tập trung và tiếp tục công việc nghiên cứu tại đại học. Tới tháng năm năm 1941, Fuchs và nhiều giáo sư đồng nghiệp được đề xuất làm việc cho một dự án có tên gọi Tube Alloys, thực chất là dự án bom nguyên tử của Anh.

Cuộc sống hai mặt

Công việc của Fuchs tại dự án Tube Alloys tiến triển tốt đẹp. Ông được cộng tác với những nhà khoa học giỏi đồng thời cũng là những người bạn thân thiết, và công trình nghiên cứu bom nguyên tử đang là một đề tài hấp dẫn hàng đầu đối với giới khoa học. Tuy nhiên, Fuchs không hiểu được tại sao Mỹ, Canada và Anh trao đổi thông tin thường xuyên với nhau về quá trình nghiên cứu loại vũ khí này, nhưng lại bỏ qua một đồng minh khác lúc đó là Liên Xô. Là thành viên Đảng Cộng sản Đức, Fuchs hiểu được lý tưởng của Liên Xô và cảm thấy cần phải giúp đỡ nước này.

Một buổi sáng, Fuchs tới Đại sứ quán Nga tại London và yêu cầu gặp tuỳ viên quân sự. Jurgen Kuczynski, người tuỳ viên quân sự lúc đó, chính là điều phối viên của hoạt động gián điệp tại Anh, và là thành viên của Ban điều hành tình báo quân sự của Nga. Fuchs đã tìm đúng người cần gặp.

Từ giữa năm 1942, Fuchs bắt đầu giao tài liệu nghiên cứu vũ khí nguyên tử  cho một nữ điệp viên dưới quyền của Kuczynski. Ban đầu, Fuchs chỉ đưa những nghiên cứu của chính mình, vốn không được ban bố rộng rãi, cho phía Nga. Công việc của Fuchs tại dự án ngày một tốt đẹp, và ông được cho phép tiếp cận những thông tin mật quan trọng hơn. Nhờ sự bảo lãnh của các bạn đồng nghiệp, Fuchs cũng được nhập quốc tịch Anh, mỉa mai thay, cũng đúng vào lúc ông bắt đầu sự nghiệp tình báo của mình.

Gián điệp trên đất Mỹ

Công trình nghiên cứu bom nguyên tử lúc đó đã bước vào giai đoạn quyết định. Mỹ và Anh ngày một đẩy mạnh hợp tác, và Fuchs được chọn vào nhóm những nhà khoa học Anh được cử sang Mỹ để làm việc. Đây là một cơ hội tuyệt vời cho phía Nga lấy được những thông tin từ dự án vũ khí nguyên tử của Mỹ. Fuchs được chỉ thị tìm một người liên lạc trên đất Mỹ tên là Raymond. Raymond tên thật là Harry Gold. Khác với khi ở Anh, Fuchs được yêu cầu lấy những tài liệu cụ thể. Gold cũng yêu cầu Fuchs trả lời một số câu hỏi được gửi từ các nhà khoa học Nga và các nhân viên tình báo KGB.

Klaus Fuchs. Nhân viên phản gián Anh William Skardon. Harry Gold khi bị bắt.

Tháng Tám năm 1945, Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Sức tàn phá của chúng còn khủng khiếp hơn cả những gì các nhà khoa học chế tạo ra đã từng dự đoán. Fuchs cảm thấy mình đã quyết định đúng khi làm gián điệp cho Nga. Ông tin tưởng rằng thứ vũ khí này quá nguy hiểm để nằm trong tay một nước duy nhất. Bom nguyên tử chỉ có thể tồn tại ở thế mà không một nước nào dám sử dụng nó một lần nữa.

Đoàn phái viên khoa học người Anh bắt đầu rời nước Mỹ, và lúc này, Fuchs được phía Anh yêu cầu thu thập thông tin để thành lập một viện nghiên cứu bom nguyên tử tương tự tại Anh. Fuchs không thấy có lý do gì phải từ chối đề nghị này.

Bắt đầu bị nghi ngờ

Ba năm sau đó Fuchs sống một cuộc sống đầy yên bình. Ông tiếp tục công việc nghiên cứu của mình và cung cấp thông tin đều đặn cho phía Nga. Nhưng những thông tin này ngày càng trở nên không cần thiết, bởi những bí mật về bom nguyên tử đã dần dần được khám phá. Vào cuối năm 1947, Fuchs đã cắt đứt liên lạc với phía Nga, trong khi đó nước này cũng không giữ Fuchs trong danh sách những điệp viên của mình nữa.

Tuy nhiên vào năm 1949, Cục tình báo Anh bắt đầu để ý tới Fuchs. Phía quân đội Mỹ và Cục Điều tra Liên bang Mỹ sau một thời gian dài đã giải mã được các thông điệp được các điệp viên Nga gửi về cho bộ chỉ huy KGB từ năm 1943 đến năm 1945, trong đó có đề cập tới một nhà khoa học nguyên tử người Anh đã gửi các tài liệu mật về cho chính phủ Nga. Phía Mỹ đã thông báo tới cơ quan phản gián của Anh về vấn đề này.

Trong lúc này, Fuchs có một mối lo ngại khác. Cha của ông, là một nhà thần học, vừa mới vào làm giáo sư tại Đông Đức. Fuchs sợ rằng điều này có thể khiến chính phủ Anh nghi ngờ mức độ trung thành củaông trong công việc tại dự án nghiên cứu nguyên tử. Fuchs bày tỏ quan ngại với giám đốc an ninh trung tâm nơi ông làm việc. Fuchs không hề nghi ngờ gì khi viên giám đốc này khuyên ông nên gặp William Skardon, một nhân viên của Cục tình báo Quân sự Anh, để xin ý kiến.

Thú nhận và bản án

Khi Fuchs trình bày về mối lo ngại khi cha ông làm việc cho Đông Đức, Skardon nói điều này không có gì đáng lo, bởi còn có một vấn đề quan trọng hơn, đó là những thông tin về vũ khí nguyên tử mà Fuchs đã cung cấp cho phía Nga khi còn ở Mỹ. Skardon doạ Fuchs rằng đã có những bằng chứng cho thấy Fuchs đã làm gián điệp cho Liên Xô. Tuy nhiên sau hơn một giờ, Fuchs vẫn không hề khai nhận, Skardon ngừng thẩm vấn và cho phép Fuchs ra về.

Hai tuần sau, Klaus Fuchs yêu cầu gặp lại Skardon và chấp nhận thú tội. Trong ba giờ liền, Fuchs đã kể lại tất cả những chi tiết về quá trình làm gián điệp của mình. Điều khiến Skardon ngạc nhiên là Fuchs hoàn toàn không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề. Người đàn ông đã làm gián điệp cho Nga bảy năm trời, cung cấp những thông tin tuyệt mật về loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt có thể làm thay đổi cả cục diện của một cuộc chiến tranh, nhưng không hề thấy được mức độ nghiêm trọng của hành động của mình.

May mắn cho Fuchs, Chính phủ Anh không muốn làm to chuyện. Việc phía Anh đang nghiên cứu để làm bom nguyên tử cho riêng mình mà không cần đến Mỹ phải được giữ kín. Fuchs như vậy chỉ bị xử với số thông tin mật bị tiết lộ tối thiểu. FBI vô cùng tức giận nhưng không làm được gì ngoài việc được cử một nhân viên đến chứng kiến vụ xử án. Từ bản khai của Fuchs, Harry Gold cũng bị bắt giữ. Đầu năm 1950, Fuchs bị kết tội gián điệp, nhẹ hơn so với tội phản quốc, vì Liên Xô vẫn được coi là đồng minh của Anh vào thời điểm đó, nhận mức án tù tối đa là 14 năm và bị tước quốc tịch Anh.

Năm 1959, sau chín năm thụ án, Klaus Fuchs được thả tự do và ngay lập tức bay sang Đông Đức. Hai ngày sau, ông chính thức trở thành công dân nước này. Chỉ trong vòng một tháng, ông được cử làm trợ lý giám đốc cho Viện Nghiên cứu Vật lý nguyên tử và lấy vợ là một người bạn gái cũ từ những năm tháng ở Pháp. Fuchs sống một cuộc sống bình lặng cho tới hết đời. Ông mất vào năm 1988, vào tuổi 76, đúng 38 năm và một ngày kể từ khi ông thú nhận tội gián điệp với William Skardon

Thu Cúc
.
.
.