Người mẹ già bạc phước chết dưới lưỡi dao oan nghiệt của đứa con tâm thần

Thứ Ba, 26/02/2013, 15:31

Câu chuyện về những kẻ phạm tội có dấu hiệu tâm thần dường như đã trở nên quen thuộc đối với người dân Thái Nguyên trong thời gian gần đây. Mỗi vụ án lại là một bài học đau lòng khi cái giá phải trả của bài học ấy là mạng sống con người. Và bài học ấy dĩ nhiên được dành cho những gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần cần phải chữa trị, theo dõi nghiêm ngặt. Bởi lẽ hiện tại, vẫn còn nhiều người chủ quan trong việc điều trị cho người mắc bệnh và gây ra hậu quả đáng tiếc.

Cũng giống như vụ án của Nguyễn Văn Đoàn, kẻ đã xuống tay hạ sát mẹ đẻ của mình một cách dã man…

Người mẹ già khốn khổ

Người phụ nữ xấu số, nạn nhân của chính đứa con trai mình dứt ruột đẻ ra đó là bà Phùng Thị Thu (SN 1937, trú tại xóm Cầu, xã Lương Sơn, Thái Nguyên). Chồng bà Thu tham gia kháng chiến và hy sinh để lại cho bà gánh nặng nuôi 9 đứa con cùng biết bao lo toan của gia đình hai bên.

Cuộc sống ban đầu với gánh nặng trên vai quả thật vô cùng khó khăn vất vả, mồ hôi và nước mắt đã đổ rất nhiều nhưng bà Thu vẫn cố bươn chải với cuộc sống để kiếm kế sinh nhai nuôi các con khôn lớn mà không một lời than vãn.

Thế nhưng, những gánh nặng, nỗi khổ của việc nuôi 9 đứa con chưa được ai sẻ chia thì bà Thu lại chịu thêm một nỗi đau nữa khi đứa con thứ 8 là Nguyễn Văn Đoàn có dấu hiệu kém thông minh so với các anh chị. Không chỉ vậy, Đoàn còn tỏ ra ngờ nghệch và hay mắc bệnh tật so với bạn bè cùng trang lứa. Thương con chịu cảnh thiệt thòi, bà Thu chỉ biết than thân trách phận mà cố gắng bù đắp cho Đoàn được nhiều tình yêu thương hơn để Đoàn có thể bằng bạn bằng bè.

Sau này, khi đã lo chu toàn cho chuyện vợ con của Đoàn, bà Thu chuyển về ở cùng với vợ chồng đứa con để tiện lo toan chăm sóc. Đến năm 2009, khi Nguyễn Văn Đoàn có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bà Thu đã phải đưa con đi khám và điều trị bằng thuốc.

Thế nhưng, những lo toan chăm sóc cho đứa con trai thiệt thòi của bà Thu chưa nhận được sự đền đáp thì vụ án đau lòng ấy xảy ra. Hung thủ lại chính là đứa con trai mà bà hết mực yêu thương, chăm sóc.

Theo cáo trạng của Viện KSND và kết luận điều tra của Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh Thái Nguyên, vào khoảng 17h ngày 4/11/2011, Nguyễn Văn Đoàn sau khi đi làm phụ xây về đến nhà, thấy mẹ đẻ là bà Phùng Thị Thu đang ngồi trước hiên nhà. Thay vì hỏi han nói chuyện với mẹ, Đoàn chỉ ngồi trên xe máy nhìn mẹ cười ngu ngơ. Thế nhưng, biết con trai có vấn đề về tâm thần nên bà Thu cũng không để ý và để kệ Đoàn ngồi đó.

Đúng lúc này, con trai lớn của bà Thu là Nguyễn Văn Chính, nhà ở gần đó sang chơi với mẹ. Ngồi ở hiên nhà, bà Thu và Chính nói chuyện về việc vừa đi ăn đám cưới của một người họ hàng sống cùng xã.

Trong lúc nói chuyện, bà Thu có nói với Chính là đã mừng đám cưới 150.000 đồng khi đi đám cưới. Nghe thấy vậy, bỗng dưng Đoàn nổi xung lên và mở miệng cằn nhằn và nhảy xuống xe trợn trừng mắt hỏi bà Tâm: “Tại sao mẹ đi ăn cưới lại không bàn gì với con?”.

Theo như lời khai của Đoàn với cơ quan điều tra, lúc ấy hắn bị mất bình tĩnh vì chính Đoàn cũng vừa đi dự đám cưới về. Tưởng gia đình không còn ai đi nên Đoàn đã thay mặt gửi 150.000 đồng tiền mừng đám cưới.

Biết con nổi nóng, bà Tâm cũng chẳng nói gì và chỉ phân trần với Đoàn. Nhưng lúc đó, dường như máu nóng đã dồn lên đầu, cơn cuồng dại của Đoàn bắt đầu nổi lên. Không nghe những gì mẹ nói, Nguyễn Văn Đoàn chạy thẳng vào bếp lấy con dao thái rau rồi lao đến chỗ bà Tâm chém một nhát vào cổ làm bà Tâm ngã gục xuống đất.

Ảnh minh họa.

Thấy Đoàn lên cơn điên bất ngờ, người anh Nguyễn Văn Chính vô cùng sợ hãi và chỉ kịp bỏ chạy trước khi lưỡi dao sắc lẹm vung tới. Bà Tâm sau khi bị Đoàn chém gục xuống chỉ kịp kêu cứu cậu con trai nhưng lúc này Chính lo thân mình còn chưa xong, thần chết đang đuổi theo phía sau thì sao có thể nghe ai.

Nhưng ác thay, khi nghe thấy tiếng mẹ kêu cứu, Nguyễn Văn Đoàn không những không dịu tính lại mà còn hung ác hơn gấp bội. Để anh trai bỏ chạy, Đoàn quay trở lại chỗ bà Tâm nằm và dùng dao bồi thêm 3-4 nhát nữa vào cổ. Sau đó, thấy bà Tâm máu chảy nhiều, nghĩ là đã chết, Đoàn thản nhiên cầm dao đứng giữa sân để “canh” không cho ai vào cứu.

Nói về phần Chính, sau khi thoát chết, anh chạy vội đi kêu cứu bà con hàng xóm để khuyên can Đoàn bỏ dao xuống để đưa bà Tâm đi cấp cứu. Thế nhưng, tay lăm lăm con dao sắc còn vương máu, Đoàn chửi bới và giơ dao lên trời cảnh cáo rằng bất cứ ai có ý định cứu bà Tâm sẽ bị hắn chém chết.

Phút bừng tỉnh

Được người dân cấp báo, Công an xã đã ngay lập tức huy động cán bộ chiến sĩ đến hiện trường. Nhưng khi Công an có mặt tại nhà bà Tâm cũng là lúc hàng xóm thuyết phục được Đoàn bỏ dao xuống khi cơn điên của hắn đã dịu lại. Bà con trong xóm cấp tốc sơ cứu tại chỗ rồi đưa bà Tâm đi cấp cứu. Nhưng do vết thương quá nặng nên bà Tâm đã tắt thở trước khi được đưa đến Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên. Nguyễn Văn Đoàn đã bị cơ quan chức năng bắt giữ ngay sau đó.

Nhận được tin báo về vụ giết người thương tâm này, Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã có mặt để thụ lí vụ án và khám nghiệm hiện trường. Theo đó, bà Tâm bị thương ở nhiều bộ phận như vùng mặt, cổ và tử vong do mất máu. Trong quá trình lấy lời khai Nguyễn Văn Đoàn, đối tượng có dấu hiệu hạn chế hành vi nhận thức. Hồ sơ cho thấy Nguyễn Văn Đoàn có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt thể Paranoide.

Với tình trạng hạn chế hành vi nhận thức của Nguyễn Văn Đoàn, hắn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Dù rằng trong cơn cuồng nộ, Đoàn đã dùng dao chấm dứt mạng sống của mẹ đẻ mình nhưng hành vi tội ác ấy là không thể chối bỏ. Hành vi ấy của Đoàn đã đủ cấu thành tội giết người, phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tuyên xử Nguyễn Văn Đoàn 13 năm tù giam. Nhưng đối với những người dự phiên tòa ấy, án tù 13 năm của Đoàn chắc chắn không để lại chấn động bằng việc hắn đã khóc rống lên khi nhắc đến mẹ mình. Khóc như chưa bao giờ được khóc, có lẽ đó là phút giây tỉnh táo nhất của Đoàn kể từ khi gây án. Dường như tội ác của hắn chỉ là một cơn ác mộng mà trong đó, hắn là kẻ thủ ác còn mẹ hắn lại chính là nạn nhân.

Có lẽ, nếu như chỉ tỉnh táo một chút nữa vào cái ngày định mệnh ấy, Đoàn có lẽ không bị mất đi người mẹ hằng chăm lo cho hắn và không phải chịu cảnh tù đày. Giọt nước mắt trong phiên tòa ấy phải chăng quá muộn màng khi lương tri con người của hắn thức tỉnh quá muộn màng.

Giờ đây, trong bốn bức tường trại giam, Đoàn sẽ không còn khả năng làm hại ai được nữa, nhưng những gì Đoàn gây ra liệu có thể sửa chữa. Dĩ nhiên mẹ của hắn cũng sẽ không trách hắn vì nếu trách đứa con tâm thần này thì bà đã không dành cho Đoàn nhiều tình cảm đến thế. 13 năm là khoảng thời gian khá dài nhưng liệu có đủ để Đoàn khỏi bệnh và dám đối mặt với những người thân trong gia đình.

Vụ án của Nguyễn Văn Đoàn cũng là một trong những vụ điển hình về việc quản lý người thân trong gia đình có dấu hiệu tâm thần. Chỉ trong một vài phút bột phát, một người bị hạn chế điều khiển hành vi đã trở thành một sát nhân máu lạnh. Điều này cho thấy cần có sự quản lý chặt chẽ hơn của chính quyền địa phương và người thân trong gia đình để tránh xảy ra thêm một vụ án thương tâm như vậy nữa.

Bệnh tâm thần phân liệt (dạng Schizophrenia) là một bệnh loạn thần nặng, căn nguyên chưa rõ, có khuynh hướng tiến triển mạn tính, hay tái phát. Đây là bệnh khá phổ biến, theo Tổ chức Y tế Thế giới tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần phân liệt trên thế giới là 0,6-1,5% dân số, ở nước ta tỷ lệ này là 0,7%, trong đó thể Paranoide chiếm đến 65% tổng số bệnh nhân tâm thần phân liệt. Bệnh chủ yếu khởi phát ở lứa tuổi trẻ từ 15-25 tuổi, là lứa tuổi học tập và lao động. Về miễn dịch học lâm sàng trong bệnh tâm thần phân liệt, người ta đã có nhiều công trình nghiên cứu và lần lượt công bố cho những kết quả nhất định nhằm tìm hiểu sự xuất hiện, sự biến đổi tự kháng thể và mối liên quan giữa sự biến đổi đó với diễn biến lâm sàng và từ đó có thể đưa ra các nhận xét, đánh giá về lâm sàng, tiến triển của bệnh.

Trung Dũng
.
.
.