Người phụ nữ Anh 6 năm truy tìm thủ phạm giết người thân ở Nam Phi

Chủ Nhật, 06/12/2020, 15:08
Khi biết rằng không chờ tới sự giúp đỡ của chính quyền và cảnh sát Nam Phi trong việc truy bắt hung thủ đã giết bà cô ruột, Lehanne Sergison, một phụ nữ 49 tuổi người Anh kiên trì dành 6 năm theo dõi, "rắc thính" và tìm ra địa chỉ của nghi phạm…


Cái chết bất ngờ của bà cô

Một ngày cuối tháng 7-2014, khi Lehanne Sergison đang gặp bạn trong một hiệu bánh pizza thì điện thoại di động reo và biết có người gọi từ Nam Phi, nơi có người cô Christine Robinson, 59 tuổi, chủ một nhà nghỉ nho nhỏ cách thành phố Johannesburg hai giờ xe chạy.

Hồi trẻ Robinson là giáo viên tiếng Anh dạy trẻ con ở khắp thế giới, từ Nga, Đức, Trung Quốc và Cận Đông. Đến Kuwait, cô gặp và cưới người chồng cũng làm việc tại đây. Cùng mang tính phiêu lưu, hai vợ chồng chuyển sang Nam Phi mở một nhà nghỉ ở cạnh công viên quốc gia Marakele lắm voi, tê giác, sư tử và không lúc nào vắng du khách. Sau khi chồng chết vì ung thư, bà định trở về Anh nhưng đã hai năm chưa thể bỏ nhà nghỉ.

Lehanne Sergison đã đến trụ sở Chính phủ Anh kêu cứu, nhưng vô vọng…

Khi Lehanne nhận cuộc gọi, ở đầu dây bên kia không phải bà cô mà là viên quản lý nhà nghỉ, ông ta thông báo rằng Christine Robinson bị giết, làm cô đánh rơi đĩa pizza xuống sàn. Bà Christine Robinson bị giết vào tối 30-7-2014 nhưng sáng hôm sau, khi nhân viên nhà nghỉ đến làm mới phát hiện ra. Hung thủ quấn chăn, bỏ bà trong vũng máu trên giường ngủ. Khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát nhận định kẻ tấn công có thể đã cưỡng hiếp bà, sau đó mới đâm mấy nhát dao, có thể bà đã chết vì vết thương ở cổ. Trước khi bỏ đi, hung thủ còn lấy một số tiền mà bà vừa rút từ nhà băng, đến mấy nghìn bảng để trả lương cho nhân viên.

Nghi can chính là một nhân viên của nhà nghỉ - Andrew Ndlovu, 24 tuổi, nhân viên làm vườn ở nhà nghỉ của bà Robinson đã hơn chục năm. Ngay sau cái chết của chủ nhà, y bất ngờ biến mất. Theo camera, lúc 6 giờ sáng thủ phạm lên ôtô của một người quen và không trở lại nữa. Cảnh sát ngạc nhiên thấy Ndlovu có trả lời điện thoại và nói rằng quyết định về quê ở Zimbabwe - đất nước có chung bên giới phía Bắc với Nam Phi, cách công viên quốc gia Marakele 350km. Y khẳng định mình không có tội gì và hứa sẽ đến gặp cơ quan điều tra, nhưng ngày hôm sau, chờ ở biên giới mà y không xuất hiện, cảnh sát nghi y đã đến Zimbabwe và thay tên đổi họ. Một nhà điều tra còn nhận định vụ án có thể có vài thủ phạm... 

Nhận tin báo, do sức khỏe yếu nên Lehanne không thể ngồi máy bay tới 6.000 dặm. Vì thế chỉ có em trai của nạn nhân là John McCarthy sang Nam Phi giải quyết công việc. Đại tá Sakkie Lawrence lãnh đạo cuộc điều tra đã mấy lần gặp và trả lời tất cả các câu hỏi của McCarthy, nhưng kết quả vẫn không tiến triển. Vụ việc được chuyển tiếp cho Interpol tại Zimbabwe, nhưng đã cả năm mà Ndlovu không bắt liên lạc, trong thời gian đó có thể xảy ra bất cứ chuyện gì, nếu như y đã rời khỏi Zimbabwe thì hy vọng vào Interpol là vô ích. Cảnh sát Nam Phi cũng không gây cản trở, thậm chí còn tài trợ cho cuộc điều tra.

Tự mình truy tìm hung thủ

Lehanne đã gõ cửa một thượng nghị sĩ ở vùng mình, nhưng vị này chỉ gửi cô đến Foreign Office (Bộ Ngoại giao Anh) và cô đã đến đó, nhưng bị thoái thác. Tháng 9-2014, Lehanne đích thân đến trụ sở Chính phủ Anh ở Downing Street, chuyển hàng trăm bức thư kêu cứu của bạn bè thân thích và nhận được thư của Thủ tướng hứa hẹn, vậy mà vụ việc vẫn không rời khỏi điểm chết.

…vì bà cô Christine (bên người chồng) bị ám sát thảm thương ở Nam Phi

Không nhờ được chính quyền, Lehanne được giúp bởi Quỹ từ thiện Murdered Abroad liên kết những người thân của nạn nhân bị chết ở nước ngoài, họ nối liên lạc với AfriForum, một tổ chức Nam Phi đòi quyền lợi cho con cháu những người thực dân da trắng. Ông Ian Cameron đại diện AfriForum đã đến hiện trường vụ án hồi tháng 8-2014, sau đó, năm nào vào ngày nạn nhân bị chết cũng gọi cho Lehanne.

Thông báo cuối cùng về Ndlovu xuất hiện trên báo chí Nam Phi vào tháng 5-2019, lúc đó Đại tá  Sakkie Lawrence, người phụ trách điều tra vụ án từ đầu, đã nghỉ hưu. Nhà điều tra mới cũng không loại trừ rằng trong những năm qua nghi can đã kịp trở lại Nam Phi, nên kêu gọi y ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng. Nếu tìm thấy y, lấy lời khai và xét nghiệm ADN thì mới xác định rõ thủ phạm. 

Sau cái chết của bà cô, Lehanne thề quyết tìm ra sự thật bằng bất cứ giá nào. Họ hàng nghĩ là cô điên, nhưng nỗi đau về bà cô bị giết luôn ám ảnh. Năm 2018, người quản lý cũ của bà cô nối lại liên lạc và kể rằng người làm vườn nọ đã trở về Nam Phi, y lại xuất hiện trên Facebook. Lehanne kiểm tra và phát hiện rằng đúng là Ndlovu có trang trên mạng xã hội, ở site làm quen, y đưa ảnh mình và mấy câu trích từ Kinh thánh. Dò tìm, cô thấy y - mang một nickname khác, nhưng bạn bè và hình ảnh vẫn thế - có đưa vài nội dung về cuộc trốn chạy.

Lehanne viết thư gửi quản trị mạng làm quen và đề nghị giúp cảnh sát tìm kiếm Ndlovu, nhưng họ chẳng trả lời. Cô hiểu, phải tự mình tìm bắt thủ phạm thôi. Cô lập trang Facebook với tên giả - ghép từ tên hai con chó cưng thành ra Missy Falkao, làm tiếp viên Hãng Hàng không Nam Phi, ra đời tại Ghana, 28 tuổi, hiện sống gần sân bay Johannesburg và đưa lên hình một cô gái da đen xinh đẹp.

Missy Falkao được rất nhiều người kết bạn và buôn dưa trên Facebook, đầu tiên chủ yếu là những người cũng ảo như cô, nhưng dần dà, trong danh sách bạn bè cũng xuất hiện những nickname quen thuộc của Ndlovu. Với tên là Missy, Lehanne trò chuyện với họ, khen ảnh họ đẹp và chúc mừng họ vào những dịp cần thiết. Không ai lại nghĩ rằng trên thực tế, những nội dung ấy lại do người phụ nữ Anh 47 tuổi viết ra.

Sau hai tháng thư đi thư lại giữa Missy và Ndlovu có đến hàng trăm lần. Để cho giống hệt như thật, Lehanne đã phải theo sát thời tiết và tất cả những sự kiện diễn ra ở Johannesburg khiến Ndlovu không nghi ngờ gì. "Thật không chịu nổi khi phải trò chuyện và rắc thính tán tỉnh cái người đã giết chết cô mình. Nhưng muốn kẻ giết người phải bị trừng phạt", Lehanne nói.

Vào một ngày đẹp trời, Ndlovu đề nghị nói chuyện bằng điện thoại. Lehanne phải nghĩ cách thoái thác, y tỏ ý muốn gặp cô trực tiếp. "Người tôi nổi da gà, cảm giác dường như là tôi đã phản bội cô Christine, nhưng đó lại là cơ hội để tìm ra thủ phạm".

Lehanne nghiên cứu kỹ bản đồ thành phố Johannesburg và đề xuất địa điểm, thời gian, sau đó thông báo cho cảnh sát Nam Phi biết. Đầu tiên họ hứa sẽ sẽ bắt giữ y, nhưng đến thời điểm cuối cùng thì chiến dịch đổ bể, phải mấy lần chủ động đề nghị Lehanne chuyển cuộc gặp gỡ. Cô làm theo yêu cầu của cảnh sát khiến cho Ndlovu tưởng rằng cô đã phản bội. Cuối cùng, khi bẫy đã giăng sẵn thì nghi can không chịu đến, hắn không trả lời Missy trên Facebook, mà cảnh sát cũng kể là điện thoại di động của y cũng mất tăm trên mạng. Lehanne nghĩ rằng như thế là hết, là chịu thất bại.

Nhưng tháng 2-2020, Ndlovu lại đăng ảnh selfie lên Facebook. Căn cứ vào tòa nhà sau lưng y thì y vẫn sống tại Johannesburg như cũ. Lehanne  chuyển bức ảnh đó cho cảnh sát Nam Phi và Foreign Office rồi chờ đợi. 

Được vài tháng sau, đúng 6 năm kể từ ngày cô Christine chết, Lehanne nằm trên giường và chợt nghĩ mình đã chẳng còn gì để mất, bèn đưa ảnh Ndlovu lên Facebook và viết: "Sáu năm trước, người này đã hiếp và giết chết bà cô của tôi là Christine Robinson. Đến tận bây giờ hắn vẫn nhởn nhơ tự do sau khi cướp đi mạng sống của cô tôi".

Andrew Ndlovu bị bắt.

Ian Cameron, khi đó đã rời AfriForum, bèn huyển tiếp nội dung đó ngay lập tức, bức ảnh trong chớp mắt lan truyền đến người sử dụng Facebook ở khắp Nam Phi. Ít giờ sau, ông nhận được bình luận từ một phụ nữ biết người trong ảnh. 

Lehanne bèn gọi điện thoại ngay và người phụ nữ ấy kể rằng bốn năm trước, Ndlovu có làm tại chỗ bố cô ta ở Johannesburg. Cô gửi ngay ảnh của y cho người bố và được ông xác nhận Ndlovu đúng là nhân viên của mình kèm theo địa chỉ của nghi can. Nhận được thông tin, Ian Cameron gửi ngay cho đại tá về hưu Sakkie Lawrence, người đã có thời điều tra vụ ám sát Robinson. Với sự giúp đỡ của đại tá, Ndlovu bị bắt ngay trong tối đó.

Ian Cameron có mặt khi bắt giữ và nhìn thấy Ndlovu. Ông kể: "Y bình tĩnh đến rợn người, nhìn về đâu đó xa xăm". Sau khi bắt Ndlovu, cảnh sát chuyển y về thành phố Thabazimbi, cách chỗ xảy ra vụ án không xa. Hắn vẫn khăng khăng khẳng định rằng mình vô tội và cho rằng mình bị bắt nhầm. Nhưng cảnh sát đã tìm được bằng chứng từ hiện trường, vì vậy Ndlowu đã bị giam giữ.

"Đấy là một niềm vui cay đắng, tôi chưa bao giờ coi mình là thám tử nhưng lại không thể buông xuôi vì cô Christine. Tôi biết, nếu có chuyện gì xảy ra với tôi thì cô Christine cũng hành động như thế", Lehanne tâm sự.

Đăng Bẩy (Theo Lenta.ru)
.
.
.