Người tị nạn Somalia ở Kenya "tố" phải "lót tay" quan chức để được trở lại quê hương

Thứ Tư, 03/07/2019, 10:47
Sau một cuộc tấn công của nhóm al-Shabaab, Chính phủ Kenya thông báo sẽ đóng cửa các trại tị nạn vì lý do an ninh. Quyết định này khiến Asha và những người tị nạn như cô phải tìm nơi trú ẩn mới.


Bốn năm trước, Asha (không phải tên thật của nhân vật) đã đưa ra quyết định rất khó khăn là trở về quê hương Somalia từ Kenya. Dẫu biết hành trình từ trại tị nạn Dadaab, Kennya về Somalia rất mạo hiểm nhưng cô không còn sự lựa chọn nào khác. 

Sau một cuộc tấn công của nhóm al-Shabaab, Chính phủ Kenya thông báo sẽ đóng cửa các trại tị nạn vì lý do an ninh. Quyết định này khiến Asha và những người tị nạn như cô phải tìm nơi trú ẩn mới.

"Nếu trả tiền, tên bạn sẽ được đưa lên đầu danh sách hồi hương"

"Tôi không muốn con gái của mình bị quân đội cưỡng hiếp, sàm sỡ ngay cả khi di chuyển trên xe buýt và tôi cũng muốn bảo vệ chính mình. Chúng tôi phải tìm một lối thoát vào thời điểm đó", Asha nhớ lại. 

Ở Dadaab, cuộc sống của những người tị nạn rất khó khăn. Đó là một nơi trú ẩn tạm thời trên bãi cát rộng nằm trong một khu vực dường như bị cô lập, có rất ít cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài. 

Theo kế hoạch hồi hương tự nguyện đang diễn ra, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cung cấp cho những người hồi hương khoản chi phí 80 USD/người. Đối với Asha, đó là điều quá may mắn.

"Tuy nhiên, mọi thứ không dễ dàng như vậy", Asha nói. "Tôi đã được yêu cầu hối lộ một khoản tiền để có thể đưa gia đình trở lại Somalia mặc dù UNHCR nói rằng, tất cả các dịch vụ đều miễn phí", Asha nói tiếp. Cụ thể, Asha đã phải trả tiền hai lần: lần thứ nhất đưa tiền tại một văn phòng của UNHCR và phần còn lại đưa cho một thông dịch viên làm việc với UNHCR.

Nhiều người tị nạn Somali nói rằng, họ phải "lót tay" cho các cơ quan chức năng để có thể được trở về quê hương.

Những gì mà Asha trải qua cũng là câu chuyện của nhiều người tị nạn đề nghị cung cấp thông tin với điều kiện giấu tên. Họ nói rằng, tham nhũng là "đặc hữu" ở các trại tị nạn Đông Phi và ám chỉ cả nhân viên UNHCR và nhân viên của các tổ chức đối tác khác đều có liên quan. Những người tị nạn chạy trốn chiến tranh hoặc chế độ độc tài để tìm kiếm an ninh nhưng tất cả mọi thứ, từ việc xin tị nạn, nhận lương thực, xin tái định cư ở một quốc gia khác hoặc thậm chí là hồi hương cũng phải có "phí bôi trơn".

Trong các cuộc phỏng vấn của phóng viên tờ Guardian (Anh) vào tháng 10/2018, 11 người tị nạn cáo buộc rằng, nhân viên UNHCR và những người làm việc với họ đã yêu cầu hối lộ để hồi hương 20 USD/người, 200 USD cho một gia đình lớn. "Nếu trả tiền, tên bạn sẽ được đưa lên đầu danh sách hồi hương", Asha nói.

Một bà mẹ khác nói rằng, những người tị nạn thậm chí còn giao tiền cho các nhân viên ngay trước khi lên máy bay về Somalia. Một người trung gian sẽ giả vờ hộ tống, giúp họ vận chuyển hành lý và nhận tiền mặt. 

Nếu không trả tiền, người trung gian sẽ tạo ra sự hỗn loạn, nói rằng "có vấn đề" và người tị nạn chưa thể lên máy bay. Một số người tị nạn cho biết, họ e ngại khi phản ánh vấn đề này với các cơ quan chức năng vì sợ sẽ gặp thêm rắc rối và đối mặt với nguy cơ không được trở về quê hương.

Việc Kenya quyết định đóng cửa trại tị nạn buộc nhiều người tị nạn phải xem xét hồi hương về Somalia - nơi xung đột vẫn đang tiếp diễn.

UNHCR sẽ tiến hành điều tra nghiêm túc khi có khiếu nại

Từ năm 2014 đến tháng 1/2019, gần 80.000 người tị nạn đã trở về Somalia từ Dadaab. Các khoản trợ cấp tiền mặt cho người hồi hương đã tăng từ 150 USD đến 230 USD cho mỗi thành viên gia đình. Tiền trợ cấp được đưa một phần khi người tị nạn khởi hành trở về quê hương, phần còn lại được đưa sau khi đến Somalia. 

Vào tháng 3-2019, Chính phủ Kenya một lần nữa tuyên bố sẽ đóng cửa Dadaab và cho UNHCR thời hạn sáu tháng để di dời người tị nạn. Người tị nạn Somalia nói rằng, chắc chắn thông tin này sẽ dẫn đến sự gia tăng việc khai thác những người di cư quyết định hồi hương.

Trước cáo buộc trên, trong một tuyên bố, UNHCR cho biết, đại đa số 16.000 nhân viên của cơ quan này là những chuyên gia tận tâm, nhiều người đang làm việc trong môi trường khó khăn, đôi khi mạo hiểm với sự an toàn của chính họ. Mặc dù vậy, không tránh khỏi sai phạm của một vài cá nhân riêng lẻ.

Khi được hỏi về những cáo buộc hối lộ trong chương trình hồi hương, Woja Apuuli, một nhân viên chuyên theo dõi người tị nạn hồi hương của UNHCR ở Dadaab nói rằng, ông chưa từng nghe thấy điều này và khằng định tất cả các dịch vụ tại UNHCR đều miễn phí. 

Khi gặp trường hợp tương tự, người tị nạn có thể khiếu nại qua email, điền vào một webform, gửi phản ánh đến các hộp khiếu nại có sẵn tại tất cả các văn phòng UNHCR hoặc gọi đến đường dây trợ giúp miễn phí. UNHCR sẽ tiến hành điều tra nghiêm túc. 

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.