Người tị nạn thuộc "thế giới thứ ba" bị tấn công ở Tây Ban Nha

Thứ Hai, 15/05/2017, 17:49
Tờ DW (Đức) số ra mới đây đưa tin, người di cư thuộc giới tính thứ ba đang trở thành nạn nhân của tình trạng tấn công bạo lực trong những trung tâm tị nạn ở Ceuta, Tây Ban Nha.


Các nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi Chính phủ Tây Ban Nha cần có giải pháp quyết liệt để bảo vệ người tị nạn, trong đó có những người thuộc giới tính thứ ba.

Câu chuyện của Ahmed

Bản báo cáo công bố vào cuối tháng 4 vừa qua được xây dựng dựa trên kết quả điều tra và lời khai của những người đàn ông đồng tính trong Trung tâm di dân ở Ceuta.

Theo đó, những người di cư đồng tính phải đối mặt với sự tấn công bạo lực từ những người tị nạn khác trong Trung tâm. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại làm ngơ trước tình trạng này.

Những người di cư đến Tây Ban Nha.

Một người tị nạn Morocco tên là Ahmed (không phải tên thật của nhân vật) đã kể lại những khó khăn mà mình đã phải trải qua trong hành trình di cư đến miền đất hứa.

Ahmed cho biết, vì khuynh hướng tình dục bị cho là khác thường của mình, anh đã phải chạy trốn khỏi đất nước Morocco để tránh sự đe dọa từ gia đình, người thân, hàng xóm láng giềng và cảnh sát.

Hiện nay, Ahmed sống tại Trung tâm Cư trú tạm thời ở Ceuta (Centro de Estancia Temporal de Immigrantes, CETI). Tuy nhiên, đến vùng đất mới, cuộc sống của Ahmed cũng không có nhiều đổi khác. Ngoài những khó khăn mà một người di cư phải đối mặt, Ahmed còn phải trải qua khó khăn của một người mang giới tính "khác thường".

"Họ (những cư dân khác của CETI) nói với tôi rằng, nếu nhìn thấy tôi bên ngoài Trung tâm, họ sẽ đánh tôi. Khi họ đến gần, tôi đã bỏ chạy để đảm bảo an toàn cho mình. Họ đã đánh tôi hai lần, vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái", Ahmed nói.

Anh đã sống ở Trung tâm CETI kể từ giữa tháng 10/2016 với hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng thực tế đã khiến Ahmed vô cùng thất vọng.

"Tôi muốn tồn tại và có được tương lai tốt đẹp nhưng điều đó là ước mơ quá xa xỉ. Tôi không muốn bị đánh đập. Tôi không thể ở Morocco và cũng không thể ở đây. Ceuta cũng giống như Morocco. Tất cả đều không có chỗ cho những người như chúng tôi", Ahmed nói.

Judith Sunderland, Giám đốc Tổ chức Giám sát nhân quyền khu vực châu Âu và Trung Á cho biết, "những người tị nạn thuộc cộng đồng thế giới thứ ba (LGBT- đồng tính nữ (lesbian), đồng tính nam (gay), song tính (bisexul), chuyển giới (transgender)) đã phải trốn chạy sự kỳ thị ở quê nhà lại một lần nữa phải đối mặt với tình trạng ngược đãi tương tự ở Ceuta, các trung tâm nhập cư và trên đường phố".

Cần bảo vệ người tị nạn thuộc cộng đồng LGBT

Ceuta được coi là cửa ngõ vào châu Âu. Phần lớn người di cư từ khắp châu Phi đã đến Ceuta bằng cách vượt qua hàng rào cao 6 mét ngăn cách giữa Tây Ban Nha và Morocco.

Trong khi đó, có những người di cư đến Ceuta bằng đường biển. Chính phủ Tây Ban Nha từng bị chỉ trích nặng nề khi để cảnh sát nước này dùng súng cao su và bình xịt tấn công người di cư đến Ceuta qua bức tường rào ngăn cách.

Tất cả người nhập cư đến Ceuta đều được đưa vào Trung tâm CETI. CETI có sức chứa tối đa 512 người. Hiện có khoảng 80 người tị nạn ở Trung tâm, ít nhất 10 người trong số đó phản ánh bị phân biệt đối xử vì là người thuộc thế giới thứ ba.

Thực tế cho thấy, người di cư không xin tị nạn có thể ở lại Trung tâm trong bốn đến năm tháng, sau đó được đưa đến các thành phố khác của Tây Ban Nha. Tại đây, người di cư có thể bị đưa vào Trung tâm giam giữ để chờ trục xuất hoặc được chăm sóc tại các nhà tạm trú của tổ chức phi chính phủ.

Người xin tị nạn như Ahmed, không được phép chuyển từ trung tâm CETI sang các thành phố khác của Tây Ban Nha. Anh phải đợi đơn xin tị nạn của mình được chấp nhận hoặc từ chối và khoảng thời gian chờ câu trả lời có khi mất hơn một năm.

Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, Chính phủ Tây Ban Nha, cũng như các trung tâm tiếp nhận người di cư ở Ceuta cần phải quyết liệt hơn trong việc bảo vệ người tị nạn như cung cấp phòng đơn, chuyển họ đến các trung tâm nhỏ hơn, tăng cường đào tạo nhân viên và tạo điều kiện tiếp cho các tổ chức nhân đạo tiếp cận và bảo vệ những người thuộc cộng đồng LGBT.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.