Hậu đảo chính tại Burundi:

Nguy cơ bất ổn gia tăng

Thứ Tư, 27/05/2015, 10:00
Cái chết của lãnh đạo Liên đoàn Hòa bình và Phát triển (UPD) đối lập tại Burundi Zedi Feruzi đang khiến cho tình hình chính trị nước này càng thêm căng thẳng, phức tạp. Bởi ông Zedi Feruzi cùng cận vệ của mình bị ám sát khi đang trên đường về nhà ở thủ đô Bujumbura, đúng thời điểm các lãnh đạo phe đối lập thông báo tuân thủ lệnh tạm ngừng biểu tình có hiệu lực kể từ ngày 23/5. 

Theo lời một nhân chứng, hàng loạt tiếng súng đã vang lên và một ôtô bỏ chạy trước khi người ta phát hiện thi thể của ông Zedi Feruzi và người cận vệ. Tính đến nay đã có gần 30 người thiệt mạng kể từ khi nổ ra đụng độ cuối tháng 4 giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình phản đối Tổng thống Pierre Nkurunziza ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3.

Theo giới truyền thông, trước khi lệnh tạm ngừng biểu tình có hiệu lực kể từ ngày 23/5, hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ đã đụng độ với cảnh sát tại thủ đô Bujumbura, khiến ít nhất 3 người chết và 10 người bị thương trong 3 vụ tấn công tại trung tâm Bujumbura. An ninh tại Burundi tiếp tục xấu đi sau khi bùng phát các cuộc biểu tình phản đối cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 26/6.

Người biểu tình phản đối Tổng thống Pierre Nkurunziza tranh cử nhiệm kỳ thứ 3.

Ngày 20/5, Tổng thống Pierre Nkurunziza thông báo lùi thời điểm bầu cử quốc hội đến ngày 5/6 và việc này diễn ra khi lực lượng an ninh tại thủ đô Bujumbura phải dùng súng và khí gas để chống lại người biểu tình. Cố vấn thông tin cấp cao của Tổng thống, ông Willy Nyamitwe cho biết, cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 26/5 đã được lùi lại 10 ngày theo đề xuất của ủy ban bầu cử, nhưng hiện chưa có quyết định về việc có hoãn cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 26/6 hay không.

Cũng trong thông điệp đưa ra hôm 20/5, ông Pierre Nkurunziza đã kêu gọi tăng tốc điều tra vụ tấn công các đài phát thanh tại Burundi trong âm mưu đảo chính bất thành trước đó. Ông Pierre Nkurunziza cho biết, công tác điều tra đang được tiến hành để làm rõ thủ phạm tấn công các đài phát thanh, đồng thời nhấn mạnh những phần tử này sẽ phải chịu "các biện pháp trừng phạt cứng rắn". Bởi lực lượng quân đội âm mưu lật đổ Tổng thống Pierre Nkurunziza đã phá hủy Đài Phát thanh Rema FM thân chính phủ và tấn công 4 đài ủng hộ phe đối lập; đồng thời tìm cách chiếm Đài Phát thanh và Truyền hình Burundi (RTNB), song bất thành.

Tổng thống Burundi cũng khẳng định, an ninh đã được lập lại tại hầu hết các đơn vị hành chính trong cả nước, ngoại trừ 4 khu vực của thủ đô Bujumbura, nơi có một nhóm nhỏ người biểu tình vẫn đang hoạt động. Tuy hầu hết các tướng lĩnh tham gia đảo chính đều bị bắt giữ, nhưng người đứng đầu âm mưu này, Thiếu tướng Godefroid Niyombare vẫn chưa bị bắt và hiện người ta không biết ông đang lẩn trốn tại đâu. Bộ Ngoại giao Burundi tuyên bố, những người biểu tình phản đối Tổng thống Pierre Nkurunziza sẽ bị coi là tòng phạm với những tướng lĩnh tiến hành cuộc đảo chính bất thành trước đó.

Được biết, Tổng thống Pierre Nkurunziza đã triệu tập Quốc hội họp bất thường (2 ngày 20 và 21/5) để thông báo quyết định thay thế 3 bộ trưởng quan trọng, đó là Bộ trưởng Quốc phòng Pontien Gaciyubwenge, Ngoại trưởng Laurent Kavakure, và Bộ trưởng Thương mại Virginia Ciza. Điều này đồng nghĩa với việc, ông Emmanuel Ntahomvukiye đảm trách cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, thay thế người tiền nhiệm Pontien Gaciyubwenge; và là Bộ trưởng Quốc phòng dân sự đầu tiên ở Burundi trong vòng 50 năm qua. Cuộc cải tổ kể trên diễn ra ngay sau khi cuộc đảo chính bất thành.

Ngày 20/5, cảnh sát đã bắn chết một binh sỹ trong các vụ đụng độ với người biểu tình trên đường phố ở thủ đô Bujumbura đúng lúc căng thẳng gia tăng giữa 2 lực lượng kể trên tại quốc gia Đông Phi này. Nhưng người phát ngôn quân đội Burundi, Đại tá Gaspard Baratuza đã bác bỏ những đồn đoán về sự rạn nứt trong quân đội, sau khi giới truyền thông cho rằng, tiến trình bổ nhiệm và nhậm chức của tân Bộ trưởng Quốc phòng gặp trở ngại.

Có tin nói rằng, một số binh sỹ phản đối quyết định cách chức Bộ trưởng Quốc phòng, Thiếu tướng Pontien Gaciyubwenge. Người ta quan ngại Thiếu tướng Pontien Gaciyubwenge cũng sẽ hành xử giống như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Cyrille Ndayirukiye (đã bị bắt giữ) vì nghe theo "lời hiệu triệu" của Thiếu tướng Godefroid Niyombare, người vừa tiến hành cuộc đảo chính bất thành sau khi mất ghế Giám đốc cơ quan tình báo (tháng 2/2015).

Trong khi đó, các nước Đông Phi đã quyết định tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng tại Burundi. Và Bộ trưởng các nước thuộc Cộng đồng Đông Phi (EAC) đã nhất trí để những nhà lãnh đạo trong EAC và Thị trường chung Đông - Nam Phi (COMESA) tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Burundi. Bởi kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Burundi, đã có hơn 105.000 người dân nước này rời bỏ đất nước, trong đó 70.000 người đã chạy sang Tanzania và khoảng 26.300 người sang Rwanda.

Thiện Lân
.
.
.