Nguy cơ đụng độ Trung Quốc - Nhật Bản trên biển Hoa Đông

Thứ Sáu, 26/06/2020, 07:08
Một dự luật thay đổi tình trạng của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả Nhật Bản và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền đang tạo ra một sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Nguy cơ đụng độ giữa hai quốc gia này đang tới gần nhất là khi Trung Quốc phái các tàu hải cảnh tới khu vực tranh chấp này.


Từ quyết định của thành phố Ishigaki

Hôm 22-6, trong một động thái khá bất ngờ, Hội đồng thành phố Ishigaki ở quận Okinawa của Nhật Bản đã phê chuẩn Luật Thay đổi địa vị hành chính của nhóm đảo không có người ở được gọi là Senkakus/Điếu Ngư. Theo đó, thành phố Ishigaki đổi tên khu vực nằm ở miền Nam Nhật Bản, thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, từ "Tonoshiro" thành "Tonoshiro Senkaku” và quyết định này có hiệu lực từ ngày 1-10.

Thị trưởng thành phố Ishigaka Yoshitaka Nakayama lý giải rằng đây là một việc rất bình thường, giúp chính quyền thành phố giải quyết sự lộn xộn về mặt hành chính đồng thời củng cố chủ quyền của Nhật Bản đối với nhóm đảo này.

Nguy cơ đụng độ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Ông Ishigaka Yoshitaka cũng cho biết thêm rằng, Hội đồng thành phố đệ trình dự luật đổi tên nói trên sau khi các tàu cá của Nhật Bản bị các tàu tuần tra Trung Quốc đuổi bắt trên vùng lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku hồi đầu tháng 5.

Trong khi đó, tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản nhận định, dự luật “một lần nữa khẳng định các đảo trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần của lãnh thổ Nhật Bản nhất là khi tên “Tonoshiro” được lồng ghép thêm thành “Tonoshiro Senkaku”.

“Việc phê chuẩn trường hợp này không xem xét đến ảnh hưởng của các quốc gia khác, nhưng được xem xét để cải thiện hiệu quả của thủ tục hành chính”, tờ Asahi Shimbun trích dẫn lời một thành viên Hội đồng thành phố Ishigaki. Cho đến nay, Chính phủ Nhật Bản chưa đưa ra lời bình luận nào nhưng tại một cuộc họp báo hồi trung tuần tháng 6, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từng khẳng định, chính quyền Tokyo kiên quyết bảo vệ lãnh thổ.

“Trong bất cứ tình huống nào, chúng tôi cũng sẽ bảo vệ vùng biển, vùng đất và vùng trời của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản sẽ làm hết sức để giữ bình tĩnh và giám sát tình hình tại khu vực quần đảo Senkaku. Chúng tôi sẽ phản ứng kiên quyết song bình tĩnh với phía Trung Quốc”, ông Yoshihide Suga nhấn mạnh.

Đến động thái của Trung Quốc

Đương nhiên là Bắc Kinh không bao giờ “ngồi im” trước hành động này của chính quyền Tokyo. Ngay trong ngày 22-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ có phản đối mạnh mẽ với Nhật Bản. "Đảo Điếu Ngư và các đảo liên kết là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi.

Một máy bay quân sự Nhật Bản bay qua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Cái gọi là tái chỉ định hành chính này là một sự khiêu khích nghiêm trọng đối với chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói. Ông Triệu Lập Kiên còn gọi dự luật đổi tên liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là hành vi "phi pháp", "vô giá trị" và rằng Trung Quốc "kiên quyết phản đối" cũng như sẽ có "giao thiệp nghiêm khắc" với Tokyo qua con đường ngoại giao…

Chưa hết, một tuyên bố được đưa ra sau đó của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đoạn viết: "Chúng tôi yêu cầu Nhật Bản tuân thủ tinh thần đồng thuận 4 nguyên tắc, tránh tạo ra các sự cố mới về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và có những hành động thiết thực để duy trì sự ổn định của tình hình biển Hoa Đông”. Đồng thời, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc cho biết một "hạm đội" tàu của họ đang ở vùng biển xung quanh các đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc thì cảnh báo về hậu quả của bất kỳ thay đổi nào đối với tình trạng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. "Thay đổi chỉ định hành chính tại thời điểm này chỉ có thể làm cho tranh chấp trở nên phức tạp hơn và mang lại nhiều rủi ro khủng hoảng hơn", Li Haidong, Giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế của Đại học Ngoại giao Trung Quốc nói với tờ Thời báo Hoàn cầu.

Nguy cơ xảy ra xung đột

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một nhóm gồm các đảo không người ở trên biển Hoa Đông, do Nhật Bản kiểm soát. Từ khi Mỹ trao quyền quản lý các đảo cho Nhật Bản năm 1971, quyền sở hữu các đảo bị tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã phát hiện và kiểm soát các đảo từ thế kỷ 14. Nhưng lịch sử ghi nhận rằng, Nhật Bản đã kiểm soát các đảo từ năm 1895 cho đến khi đầu hàng kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2.

Mỹ đã quản lý quần đảo như là một phần của chính quyền dân sự Mỹ tại quần đảo Ryukyu từ năm 1945 đến năm 1972 và sau đó trao lại cho Nhật Bản theo Hiệp ước trao trả Okinawa giữa Mỹ và Nhật Bản. Đến nay, Senkaku/Điếu Ngư vẫn đang trở thành một vấn đề lớn trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc nhất là khi quần đảo này được đánh giá là có lượng dự trữ dầu mỏ lớn.

Từ tháng 4, tàu hải cảnh của Trung Quốc được phát hiện đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ghi nhận của tờ Japanese Times cho hay, “cuộc khủng hoảng” trong quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc gần đây liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư xảy ra vào năm 2012 khi chính quyền Tokto quốc hữu hóa các hòn đảo thuộc sở hữu tư nhân để tránh việc mua đi bán lại. Kế hoạch này đã gây ra các cuộc biểu tình lớn trên đường phố trên khắp Trung Quốc.

Biểu tình trở nên dữ dội khi những người biểu tình ném các mảnh vỡ tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, lục soát các cửa hàng và nhà hàng Nhật Bản và lật đổ xe hơi Nhật Bản. Thậm chí, một người đàn ông Trung Quốc đã bị đánh đập đến hôn mê chỉ vì anh ta lái chiếc Toyota Corolla…

Sau 8 năm, từ tháng 4, căng thẳng Trung - Nhật về Senkaku/ Điếu Ngư lại được “xới tung lên” khi lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông báo rằng các tàu hải cảnh của Trung Quốc bị phát hiện ở vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư trong 70 ngày liên tiếp.

William Choong, một thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cảnh báo rằng tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư có thể sẽ gia tăng và trở thành một điểm nóng mới của khu vực Đông Á.

"So với các điểm nóng khác trong khu vực như Biển Đông và Bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông có sự pha trộn của các yếu tố riêng biệt và dễ bùng cháy liên quan đến lịch sử, danh dự và lãnh thổ. Câu hỏi lúc này không phải là liệu Trung Quốc có muốn thách thức Nhật Bản trên các đảo hay không mà là khi nào và bằng cách nào? Đây mới là điều khiến các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản lo lắng", William Choong phân tích.

Riêng tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thì vẽ ra một kịch bản mà trong đó một vụ việc đơn giản có thể biến thành 1 sự cố quốc tế nghiêm trọng, chẳng hạn như thủy thủ đoàn của một con tàu bị hỏng phải neo đậu tại một trong số các đảo hoặc 1 máy bay hạ cánh ở đây.

“Nếu các thủy thủ của tàu đánh cá, binh sỹ thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc thành viên của quân đội Trung Quốc hiện diện trên đảo Senkaku/Điếu Ngư, thì cảnh sát biển Nhật Bản sẽ khiến họ phải rời đi bằng hành động thực thi pháp luật. Nhưng do Trung Quốc không công nhận tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản, Bắc Kinh sẽ nhìn nhận đây là hành động gây leo thang căng thẳng và có thể phản ứng bằng hành động quân sự”, AMTI cho biết.

Tuy nhiên, một chuyên gia Trung Quốc lại cho rằng, mặc dù hai nước còn tồn tại các tranh chấp về lãnh thổ, nhưng hai bên đều ý thức được việc "kiểm soát bất đồng" và có thể "duy trì hiện trạng", nhằm tạo điều kiện cho hai nước giải quyết mang tính xây dựng các tranh chấp trong tương lai.

Khánh Chi (tổng hợp)
.
.
.