Nguy cơ khủng bố bằng vật liệu phóng xạ

Thứ Bảy, 06/01/2018, 11:10
Các cơ quan chức năng Malaysia đang quan ngại về nguy cơ các phần tử IS và những người ủng hộ chúng có thể tìm cách chế tạo bom bẩn từ các vật liệu phóng xạ. Và mối quan ngại này có cơ sở khi cảnh sát ghi nhận không dưới 20 vụ mất cắp vật liệu phóng xạ và hạt nhân trong mấy năm qua, và nhiều vụ cho đến nay vẫn chưa tìm ra hung thủ.


Tổng Giám đốc Cơ quan cấp phép năng lượng nguyên tử (AELB) Malaysia Hamrah Mohd Ali cảnh báo, nhà chức trách không được đánh giá thấp trình độ và khả năng của các phần tử khủng bố sử dụng vật liệu phóng xạ để chế tạo bom bẩn.

Theo ông Hamrah Mohd Ali, AELB quan ngại vấn đề này sau nhiều lần phát hiện các vật liệu phóng xạ bị bỏ rơi có nguồn gốc và mục đích không rõ ràng. Để ngăn chặn vật liệu phóng xạ có thể xâm nhập vào Malaysia, AELB đã trang bị cho các cảng, cửa khẩu và sân bay quốc tế nhiều máy dò phóng xạ.

Cảnh sát Malaysia bắt đối tượng khủng bố.

Về phần mình, lực lượng đặc biệt chống khủng bố của cảnh sát Malaysia đang tích cực phối hợp với cảnh sát điều tra để truy tìm số vật liệu phóng xạ bị mất kể trên. Được biết, lực lượng chức năng Indonesia từng chặn đứng âm mưu của các phần tử khủng bố chế tạo bom bẩn phóng xạ.

Các phần tử kể trên âm mưu chuyển đổi Thorium 232 hàm lượng thấp thành Urani 233 để chế tạo một bom hạt nhân, nhưng chúng đã bị chặn vào phút cuối.

Tờ The Star vừa đăng một đoạn băng hình (dài hơn 8 phút) mới xuất hiện cho thấy, một phiến quân thuộc IS người Malaysia cùng 2 phần tử khác đang kích động khủng bố trước khi hành quyết 3 nạn nhân bị bắt. Và phiến quân người Malaysia được xác định là Muhammad Aqif Heusen Rahizat, 25 tuổi, kẻ vừa kêu gọi "Các bạn còn lý do gì mà không nổi dậy? Chúng tôi sẽ không bao giờ dừng lại cho đến khi quét sạch vùng đất từ Đông Á tới Tây Phi".

Theo giới truyền thông, đoạn băng hình kể trên được phát đầu tiên trên Khayr Wilayah, một cơ quan truyền thông chính thức của IS hôm 29-12-2017 bằng tiếng Arab và tiếng Anh. Và lời kêu gọi khủng bố trong đoạn băng hình kể trên là mối đe dọa lớn đối với an ninh Malaysia bởi nó có thể tác động những kẻ ủng hộ IS tại quốc gia Đông Nam Á này phát động các cuộc tấn công mới.

Theo ông Ayob Khan Mydin Pitchay, người đứng đầu lực lượng chống khủng bố của cảnh sát Malaysia, IS vẫn là mối đe dọa khủng bố lớn nhất đối với nước này trong năm 2018 vì ý thức hệ của IS vẫn thu hút được không ít kẻ theo.

Đồng thời thừa nhận, hiện vẫn có người Malaysia được IS tuyển mộ. "Lý do chính là chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ của IS. Ý nghĩ được chiến đấu cho một Vương quốc Hồi giáo, được cho là làm đúng theo giáo điều của đạo Hồi đang thu hút sự chú ý của người Hồi giáo trên thế giới để hỗ trợ cho IS", ông Ayob Khan Mydin Pitchay nhấn mạnh.

Theo ông Ayob Khan Mydin Pitchay, số nghi phạm khủng bố bị cảnh sát bắt trong năm 2017 đã giảm từ 119 (năm 2016) xuống 105 người, trong đó 41 đối tượng đã bị xét xử. Và trong số 105 nghi phạm khủng bố kể trên, có 52 người là công dân Malaysia. Và cũng trong năm 2017, Malaysia đã phá 5 âm mưu khủng bố, nâng tổng số âm mưu khủng bố bị phá trong giai đoạn 2012-2017 lên con số 19.

"Sở dĩ số nghi phạm khủng bố bị bắt giảm bởi các nhân vật đầu sỏ người Malaysia chịu trách nhiệm tuyển mộ chiến binh như Muhammad Wanndy và Zainuri Kamaruddin đã bị tiêu diệt", ông Ayob Khan Mydin Pitchay cho biết.

Tên Muhammad Aqif Heusen Rahizat.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein vừa khuyến cáo, các nhóm khủng bố trong khu vực Đông Nam Á như Abu Sayyaf, Jemaah Islamiyah và Mujahideen đã công khai thề trung thành với IS và đang có ý định thành lập một vương quốc Hồi giáo có tên gọi Wilayah Đông Á.

Và nhà nước tự xưng này sẽ trải rộng khắp Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, miền Nam Thái Lan và Myanmar. Theo nhận định của chuyên gia Natalia Rogozhina, IS đã lựa chọn Libya - quốc gia Bắc Phi đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn và Đông Nam Á - nơi có hơn 300 triệu tín đồ Hồi giáo và nhiều tổ chức khủng bố theo tinh thần thánh chiến hoạt động.

Tư lệnh cảnh sát quốc gia Indonesia Tito Karnavian vừa cho biết, đơn vị cảnh sát chống khủng bố của nước này (Đội 88 - Densus 88) sẽ có thêm 600 nhân sự trong năm 2018. Và việc bổ sung 600 cảnh sát nhằm tăng khả năng kiểm soát mạng lưới khủng bố IS và đối phó với những vụ tấn công kiểu "sói đơn độc".

Được biết, Đội 88 (được thành lập năm 2003) hiện có 500 nhân viên, và trong số 600 nhân sự mới có nhiều người làm điều tra viên và giám sát viên. Theo ông, Tito Karnavian, mấy năm qua, Indonesia phải đối mặt với tình trạng nhiều phiến quân được truyền cảm hứng bởi IS đang nổi lên. Và Indonesia cũng đang lo lắng trước việc về nước của các tay súng từng tham chiến tại Iraq và Syria.

Quốc Dũng
.
.
.