Nguy cơ leo thang đối đầu giữa Mỹ và Iran tại Iraq

Thứ Bảy, 04/01/2020, 15:31
Sau cuộc oanh tạc của không quân Mỹ vào một nhóm vũ trang thân Iran tại Iraq ngày 31-12-2019, hàng ngàn người biểu tình đã tấn công vào Đại sứ quán Mỹ tại Bagdad.

Iran và Mỹ có vẻ như đang phân tích tình hình và cân nhắc các bước tiếp theo. Trong mọi trường hợp, một sự leo thang của cuộc đối đầu giữa hai đối thủ này đều rất nguy hiểm cho “thùng thuốc súng” Trung Đông.

Lằn ranh đỏ bị  vượt qua  

Mỹ mong muốn bẻ gãy sức mạnh của Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng như tất cả các chư hầu của họ ở Trung Đông. Nhưng trong cùng thời gian đó, Tổng thống Mỹ lại tận dụng mọi diễn đàn để tuyên bố rằng ông không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi lâu hơn nữa và muốn nhanh chóng rút quân ra khỏi một vùng đất chẳng đem lại lợi lộc gì cho nước Mỹ.

Còn Iran thì đang cảm thấy rất tự tin với hàng loạt diễn biến đã diễn ra trong vùng trong quãng thời gian vài năm trở lại đây. Nhưng cái cảm giác bị kẻ thù bao vây cũng luôn ám ảnh đất nước này, cảm giác này giờ đây càng nặng nề hơn khi chứng kiến hàng loạt cuộc nổi dậy ở Lebanon, Iraq và trên chính đất nước Iran.

Sau cuộc ném bom của quân đội Mỹ vào một nhóm dân quân thân Iran, ngày 31-12-2019, hàng nghìn người Iraq đã tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Bagdad.

Từ một vài tuần nay cả hai phía đã tìm cách đi đến một thỏa hiệp mà không phải nhượng bộ quá nhiều các đòi hỏi của nhau. Trong khi chờ đợi, cả hai vẫn tiếp tục theo đuổi những chính sách vẫn được áp dụng lâu nay. Với Mỹ đó là việc gây sức ép tối đa để bắt Iran phải "quỳ gối".

Trong khi đó Iran lại chủ động nâng mức độ căng thẳng lên một cách có tính toán, được kiềm chế ở một mức độ hợp lý với hy vọng sau một thời gian người Mỹ sẽ đối đầu với một đối thủ khác và rời khỏi Trung Đông. 

Hai nhân vật chính của cuộc chơi, cho đến lúc này vẫn luôn né tránh đối đầu quân sự trực tiếp, đặc biệt là ở trên lãnh thổ Iraq, nơi mà sự hợp tác, dù là ở mức độ rất thấp, vẫn luôn là điều cần thiết. Thế nhưng giờ đây một nguy cơ leo thang xung đột và đối đầu quân sự trực tiếp tại Iraq đang cận kề.

Nguyên nhân xuất phát từ cuộc tấn công trả đũa của không quân Mỹ nhắm vào nhóm vũ trang thân Iran Kata'ib Hezbollah. Cuộc tấn công đã tiêu diệt ít nhất 25 chiến binh của nhóm này. Không còn mang tính tượng trưng nữa, đây là một chiến dịch quân sự đầu tiên do đích thân người Mỹ tiến hành nhắm trực tiếp vào một nhóm vũ trang là cánh tay nối dài của Iran.

Sau cuộc tấn công các cơ sở lọc dầu của Aramco tại Arab Saudi ngày 14-9-2019 (phiến quân Houthis đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng Iran bị kết tội là thủ phạm chính), trước lập trường không trả đũa của Mỹ, Iran và các đồng minh của họ dường như đã tin rằng Mỹ sẽ không sử dụng đến các biện pháp quân sự để chống lại Iran.

Chính quyền của ông Trump cũng tin rằng chính sách "tạo áp lực tối đa" đang phát huy hiệu quả nên đã phát ra những tín hiệu cho thấy họ sẽ không sử dụng vũ khí gì khác ngoài thứ vũ khí của một cuộc chiến tranh thương mại.

Nhưng Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo cũng đã vạch ra một lằn ranh đỏ: Những quyền lợi của Mỹ không thể bị tấn công.Vì thế người Mỹ đã quyết định trả đũa lại cuộc tấn công của nhóm Kata'ib Hezbollah vào một căn cứ Mỹ  đêm 27-12. Hậu quả của sự leo đối đầu này chắc chắn là rất nhiều.

Sự chống đối Mỹ dâng cao

Trước hết trên bình diện chính trị, sự kiện này sẽ khuyến khích các nhóm dân quân Shia thân Iran đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch nhằm hất cẳng quân đội Mỹ ra khỏi Iraq. Cuộc tấn công vừa qua của Mỹ không chỉ bị Iran và các đồng minh của họ lên án, người phát ngôn về lĩnh vực quân sự của Adel Abdel Mahdi, vị thủ tướng mới từ chức cũng đã lên tiếng tố cáo "hành động vi phạm lãnh thổ Iraq".

Ngày thứ hai liên tiếp, những người biểu tình vẫn tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Bagdad.

Hàng chục nghị sĩ đã cùng ký chung một lá đơn yêu cầu xem xét lại thỏa thuận đã ký trước đây giữa Mỹ và Iraq, thỏa thuận cho phép 5.200 lính Mỹ hiện diện tại Iraq.

Moqtada, nhà lãnh đạo dân túy Shia của Iraq, người đã từng chỉ huy một lực lượng dân quân chống lại cuộc xâm lược của Mỹ vào năm 2003 tuyên bố rằng ông sẵn sàng hợp tác với lực lượng dân quân thân Iran, những đối thủ bấy lâu nay của ông ta, để có thể chấm dứt sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Iraq.

Đầu tiên sẽ là những biện pháp chính trị và pháp lý. Nếu điều đó không có hiệu quả, cùng với các đồng minh ông sẽ "dùng đến những biện pháp khác"  để trục xuất quân đội Mỹ ra khỏi Iraq. Mấy ngày vừa qua ngay cả các đảng đối lập, được xem là thân cận với Washington, cũng đã lên tiếng phản đối cuộc tấn công của quân đội Mỹ.

Nhiều tháng nay, các đảng thân Iran liên tục gây sức ép với chính quyền yêu cầu họ rời xa Washington. Một dự luật cũng đã được đệ trình lên Quốc hội nhằm áp đặt một lịch trình rút quân đội Mỹ. 

Tháng 4-2019, trong một cuộc hội đàm với Thủ tướng Irac Adel Abdel Mahdi, lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei đã kêu gọi Bagdad yêu cầu quân Mỹ rời đi. Ở Iraq, thái độ chống Mỹ ngày càng dâng cao, không chỉ trong lực lượng dân quân thân Iran mà cả trong đại đa số người dân Iraq. Các thành phố ở phía Nam của đất nước là nơi thường xuyên nổ ra các cuộc biểu tình chống Mỹ.

Những người biểu tình la ó lăng mạ nước Mỹ, đốt hoặc xé cờ Mỹ. Mỹ đáp trả bằng những lời tố cáo chính quyền Iraq đã làm ngơ không áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho phía Mỹ và rằng phía Mỹ đã nhiều lần gửi lời cảnh báo tới phía Iraq. Lần này chắc chắn Iran sẽ tận dụng tối đa cuộc tấn công vừa rồi của quân đội Mỹ để định hướng dư luận và nhất là thúc đẩy những quyết định chính trị chống lại Mỹ.

Vòng xoáy của bạo lực

Theo Randa Slim, nhà nghiên cứu về Iraq tại Viện Trung Đông thì những người đứng đầu lực lượng an ninh và quân đội Iraq đều hiểu rằng họ cần tới sự hiện diện của quân đội Mỹ để ngăn cản tàn quân IS tập hợp trở lại.

Lính Mỹ canh gác trên tầng thượng của Đại sứ quán Mỹ.

Tuy nhiên "tại một thời điểm nào đó, dưới áp lực mạnh mẽ của dân chúng đang xuống đường biểu tình đòi người Mỹ rút đi, khi bỏ phiếu tại Quốc hội, rất có thể những người muốn Mỹ rút sẽ chiến thắng, Trong trường hợp đó chính quyền Trump sẽ rất hoan hỷ rút quân đội ra khỏi Iraq". 

Trên bình diện quân sự, sau cuộc tấn công của quân đội Mỹ này, có rất nhiều phương án chọn lựa được đưa ra.

Thứ nhất, lực lượng dân quân Shia có thể chọn cách đối đầu và đáp trả trực tiếp với quân Mỹ, việc này hiển nhiên sẽ đẩy xung đột lên một nấc thang mới trên lãnh thổ Iraq.

"Chính phủ Iraq phải làm mọi cách để tránh biến Iraq thành bãi chiến trường, nơi mà Mỹ và Iran thanh toán nợ nần với nhau", bản thông điệp phát đi vào ngày 30-12 từ văn phòng đại giáo chủ Ali Sítani, người lãnh đạo tinh thần và là người đỡ đầu của nền chính trị Iraq đã nhấn mạnh như vậy.

Phương án hai, người Iran tiến hành một cuộc tấn công vào những quyền lợi của Mỹ ở bên ngoài lãnh thổ Iraq. "Mỹ và lực lượng dân quân thân Iran đã bị lôi vào một vòng xoáy bạo lực mà mỗi bước leo thang sẽ gây ra những tổn thất không nhỏ cho cả hai phía", Randa Slim nhận định.

Về phía Mỹ, cuộc tấn công vừa rồi vào nhóm dân quân Kata'ib Hezbollah chỉ là một phát súng đơn độc mang tính chất cảnh cáo hay là bước khởi động của một chiến lược  vừa chuyển hướng để chống lại Iran và các đồng minh của họ ở trong vùng? Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Schenker cho rằng  phản ứng này là "tương xứng" và có mục đích để "xuống thang".

Nhiều nhà quan sát đều chung nhận định rằng cho đến nay người Mỹ không thay đổi về cơ bản đối sách của họ với các nhóm bán quân sự Shia, nhưng họ cũng sẵn sàng phản ứng lại mạnh mẽ nếu các nhóm này tấn công trực diện vào họ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố rằng trong trường hợp cần thiết 750 binh sĩ Mỹ sẽ có mặt ngay lập tức ở trong vùng còn những đơn vị bổ sung sẽ lên đường trong những ngày tiếp sau đó. Ông khẳng định rằng  "quân đội Mỹ luôn luôn đứng ra bảo vệ các công dân Mỹ và các quyền lợi của Mỹ ở bất cứ nơi nào trên thế giới".

Về phần mình, ngay trong ngày 31-12, Tổng thống Trump cũng đã lên tiếng cáo buộc "Iran phải chịu hoàn toàn trách nhiệm" về cuộc tấn công của những người biểu tình đang nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Bagdad, cuộc tấn công này theo ông được đạo diễn bởi Tehran.

"Đây không phải là lời nói suông (của Tổng thống Mỹ), hãy xem đây như một lời đe dọa thực sự, chúc mừng năm mới". Những lời lẽ trên đây của Trump, viết trên Twitter vào ngày cuối cùng của năm 2019 gửi tới Tehran có lẽ cũng là những lời lẽ hiếu chiến nhất mà ông đã sử dụng trong năm 2019 này.

Dương Đăng Hưng (Tổng hợp)
.
.
.