Nguy cơ nhóm khủng bố Boko Haram "lũng loạn” chính trị Nigeria

Thứ Ba, 03/02/2015, 09:00
Cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tới của Nigeria sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 2/2015 tới đây. Nhiều người lo ngại về nguy cơ bùng phát bạo lực vốn vẫn thường diễn ra vào thời điểm bầu cử ở nước này. Bên cạnh đó, hoạt động của nhóm khủng bố Boko Haram cũng đang dấy lên e ngại về sự lũng đoạn của tổ chức này với nền chính trị của Nigeria.

Boko Haram kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Nigeria

Theo nhận định của Tờ GlobalPost thì hiện Boko Haram kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Nigeria (khoảng 52.000km2). Ba tiểu bang ở phía đông bắc của Nigeria vẫn đặt trong "tình trạng khẩn cấp", hạn chế đi lại vì cuộc chiến giữa chính phủ và nhóm chiến binh. Điều này cho thấy, bạo lực giữa các phe phái có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Nigeria vào thời gian tới. Boko Haram đang đẩy mạnh các cuộc tấn công trong những tuần gần đây như là nỗ lực để tiếp tục làm giảm số lượng người dân có thể tham gia bỏ phiếu bầu cử.

Cuộc tấn công của Boko Haram vào bang Borno biến khu vực này thành biển máu vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều người dân Nigeria. Các nhân chứng cho hay, Boko Haram đã giết hại ít nhất 2.000 người, trong khi chính quyền Nigeria chỉ đưa ra con số 150 người. Tổ chức Ân xá Quốc tế đánh giá, cuộc tấn công của nhóm Boko Haram vào Borno là cuộc tấn công đẫm máu, tàn bạo, thảm khốc nhất mà nhóm này thực hiện kể từ năm 2009. Mới đây nhất, Boko Haram đã tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào một căn cứ quân sự ở Baga và san bằng hai thị trấn gần đó, giết chết hàng trăm người dân vô tội. Trong đó, nhóm Boko Haram đã giết chết một phụ nữ đang lâm bồn.

Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan hy vọng sẽ tiếp tục tái cử trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới.

"Một nửa thân hình cậu bé sơ sinh đã ra được bên ngoài và người phụ nữ đã chết", một nhân chứng giấu tên kể lại. Gần đây, Boko Haram  còn dùng những em nhỏ làm bom tự sát để thực hiện những vụ tấn công. Tuần trước, hai em nhỏ cho nổ tung khối thuốc nổ mang theo người khiến 3 người chết, 46 người bị thương tại một thị trấn phía đông bắc Nigeria. Trước đó, một bé gái 10 tuổi cũng đã trở thành "quả bom sống" khiến ít nhất 16 người chết.

Thành lập từ năm 2001, nổi lên từ năm 2009, Boko Haram đặt mục tiêu lật đổ Chính phủ hiện nay và thành lập nhà nước Hồi giáo ở miền Bắc Nigeria. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2014, Boko Haram đã giết hại hơn 10 nghìn người, khiến 1 triệu người Nigeria phải rời bỏ nhà cửa.

Cơ quan phụ trách tổ chức bầu cử ở Nigeria thừa nhận rằng, người dân ở khu vực mà Boko Haram kiểm soát là Borno, Yobe và Adamawa sẽ không thể tham gia bầu cử. Đó là chưa kể đến hơn một triệu người dân phải di dời khỏi khu vực bạo lực cũng rất khó có thể đi bỏ phiếu. Ủy ban Bầu cử quốc gia cho biết sẽ tính toán, sắp xếp để những người dân này có điều kiện đi bỏ phiếu.

Nguy cơ bùng phát bạo lực

"Chào mừng bạn đến cuộc bầu cử ở Nigeria - một mùa bầu cử của bạo lực, lộn xộn", một tờ báo ở Thủ đô Abuja đã "giật" tít lớn. Nigeria là quốc gia đông dân nhất, một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Phi. Các cuộc bầu cử luôn diễn ra nhiều vụ xô xát đẫm máu. Một cuộc thăm dò diễn ra năm 2011 cho thấy, từ năm 1999, gần 1.000 người chết trong những vụ bạo lực liên quan đến bầu cử. Các nhà phân tích chính trị nhận định rằng, sự trỗi dậy của Boko Haram làm mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo ngày càng sâu sắc, kết hợp với môi trường chính trị "ngày càng bạo lực" thì nguy cơ bạo lực trong cuộc bầu cử lần này là "rất nghiêm trọng".

Tổng thống Goodluck Jonathan, 57 tuổi, đại diện đảng lãnh đạo cầm quyền Dân chủ nhân dân (PDP) đang nỗ lực giành chiến thắng ở nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử tới đây. Tổng thống Goodluck Jonathan cam kết sẽ đánh bại phiến quân Boko Haram đang "làm mưa, làm gió" tại nước này. Tuyên bố tranh cử của ông Goodluck Jonathan được đưa ra ngày 11/11/2014, một ngày sau khi Boko Haram tiến hành vụ đánh bom kinh hoàng vào bang Yobe làm ít nhất 48 học sinh thiệt mạng.

Ứng cử viên đối lập là ông Muhammadu Buhari, 72 tuổi, một người Hồi giáo đến từ bang Katsina. Trước tình hình trên, ông Kofi Annan, cựu Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã lên tiếng kêu gọi hòa bình và cảnh báo rằng, bạo lực sẽ là một trở ngại cho châu lục này. "Những gì xảy ra ở Nigeria sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, không chỉ ở Tây Phi mà là toàn bộ châu Phi. Nếu cuộc bầu cử ở Nigeria diễn ra suôn sẻ sẽ ảnh hưởng tích cực đến các khu vực khác và ngược lại", ông  Annan nói.

P.T. (tổng hợp)
.
.
.