Nguy cơ "nội chiến" tại châu Âu

Thứ Tư, 20/04/2016, 09:05
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Áo Hans Peter Doskozil và Tổng thống Italia Sergio Mattarella cùng Thủ tướng Italia Matteo Renzi đang tạo nên bầu không khí căng thẳng xung quanh "vấn nạn người di cư". 


Bộ trưởng Quốc phòng Hans Peter Doskozil tuyên bố, Áo đã sẵn sàng đóng cửa biên giới với Italia trong trường hợp cần thiết. Đồng thời chỉ trích Italia đã để cho người di cư dễ dàng đi qua lãnh thổ, và Áo không thể biến khu vực Tirol (giáp biên giới với Italia) trở thành "phòng chờ" cho người di cư.

Theo ông Sergio Mattarella, việc dựng hàng rào ngăn dòng người di cư mà Áo đang áp dụng là vô ích, chỉ gây chia rẽ châu Âu. Ông Matteo Renzi kêu gọi Áo phải tôn trọng các quy định của Liên minh châu Âu (EU), không gây ảnh hưởng xấu đến Hiệp ước Schengen về tự do đi lại. Còn Bộ trưởng Nội vụ Italia Angelino Alfano gọi hành động của Áo là "không thể giải thích được". Nhưng Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leinter coi phản ứng của Italia là "không thể hiểu được", và Thủ tướng Werner Faymann bảo vệ quyết định của chính phủ Áo khi cho rằng, việc đặt trạm kiểm soát và dựng hàng rào ở biên giới với Italia là "đúng đắn và cần thiết".

Người di cư ở biên giới Hy Lạp-Macedonia.

Áo cũng đã quyết định điều hơn 1.000 lính quân đội để hỗ trợ lực lượng biên phòng. Cảnh sát Áo cho biết, việc xây dựng các công trình nhằm tăng cường kiểm soát biên giới bắt đầu từ 12-4, đặc biệt là tuyến đường cao tốc phía Bắc trên đèo Brenner thuộc dãy Alps.

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Natasha Bertaud khẳng định, nếu Áo áp dụng các biện pháp kiểm soát đường biên giới với Italia do lo ngại làn sóng người di cư mới, EC sẽ phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.

Việc Áo và trước đó là Pháp tăng cường kiểm soát biên giới có khả năng sẽ đẩy Italia vào tình trạng bị cô lập với EU và gia tăng các vấn đề nghiêm trọng nội tại, khi số người di cư tới Italia không thể di chuyển tới các nước Bắc Âu để xin quy chế tị nạn. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết, hơn 6.000 người di cư đã vượt biển Địa Trung Hải để đến Italia và Hy Lạp chỉ trong 3 ngày (từ 13 đến 15-4).

Theo người phát ngôn IOM Joel Millman, trong số 6.021 người di cư và tị nạn bất chấp mạo hiểm, vượt biển Địa Trung Hải tới châu Âu (khoảng 130 người/xuồng cao su) trong 3 ngày qua có 5.847 người tới Italia và 174 người tới Hy Lạp. Số liệu thống kê của IOM còn cho thấy, có hơn 23.000 người di cư tới Italia và hơn 153.500 người tới Hy Lạp kể từ đầu năm tới nay.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa cho biết, OECD đã chi gấp đôi số tiền dự kiến (khoảng 12 tỷ USD) cho cuộc khủng hoảng người di cư trong năm ngoái. Trong khi đó, Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic yêu cầu EU có chính sách rõ ràng hơn đối với người di cư. Bởi theo bà Kolinda Grabar-Kitarovic, làn sóng người di cư sẽ không lắng xuống nếu EU không đưa ra những thông điệp rõ ràng.

Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov cho rằng, những vụ bạo lực xảy ra trong những ngày qua tại khu vực biên giới giữa nước này với Hy Lạp là do người di cư muốn gây sức ép để mở lại tuyến đường Balkan vốn đã bị đóng cửa từ tháng 2-2016. Trước đó (13-4), cảnh sát Macedonia buộc phải dùng súng và lựu đạn hơi cay để giải tán đám đông người di cư tụ tập tại khu vực biên giới giữa quốc gia này và Hy Lạp. Và việc này diễn ra sau khi khoảng 100 người di cư cố tình phá hàng rào dây thép gai tại biên giới, buộc cảnh sát Macedonia phải dùng đạn hơi cay để giải tán đám đông.

Những người di cư chỉ chịu rời khỏi khu vực khi Hy Lạp huy động 2 đội cảnh sát chống bạo động đến và cắm chốt tại đường biên giới này. Bạo động xảy ra đúng thời điểm Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov cùng Tổng thống Croatia và Tổng thống Slovenia đang thăm trung tâm tiếp nhận người tị nạn Gevgelija, cách đó vài trăm mét.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Konrad Szymanski tuyên bố, nước này không thể tiếp nhận 7.000 người tị nạn mà Vacsava đã đồng ý tiếp nhận, đồng thời cho rằng kế hoạch phân bổ 120.000 người di cư từ EU đã "chết". Trong khi đó, liên minh cầm quyền ở Đức vừa đạt được đồng thuận về một bộ luật nhập cư ở nước này.

Theo đó, các trường hợp người tị nạn từ chối đi làm hoặc không tham gia các khoá học hội nhập có thể bị phạt và không được nhận giấy phép lưu trú vô thời hạn. Và theo con số mới nhất do Bộ Nội vụ Đức vừa đưa ra, 5.835 trường hợp trẻ em và vị thành niên mất tích tại Đức trong năm 2015 và trong số này, có 555 em dưới 14 tuổi.

Trước đó (cuối tháng 1-2016), Europol ước tính có ít nhất 10.000 trẻ tị nạn mất tích khi vào châu Âu. Theo tờ The Independent, việc làm rõ số phận của số trẻ tị nạn mất tích đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách của cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra.

Khắc Tuấn
.
.
.