Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Thành Khắc Kiệt Quan tham lĩnh án tử hình

Thứ Hai, 04/04/2016, 11:45
Mặc dù đã có nhiều quan tham bị bắt, bị xét xử, đặc biệt là trong chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi, bắt cáo" đang được tiến hành sâu rộng trên khắp đất nước Trung Quốc, nhưng cho tới nay chưa có quan chức cấp cao nào bị tuyên án tử hình và phải chấp hành bản án như nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Thành Khắc Kiệt.

Ngoài ra, thời gian lập chuyên án, điều tra, xét xử và thi hành án tử hình đối với Thành Khắc Kiệt nhanh chưa từng có kể từ năm 1949 đến nay. 3 cựu Ủy viên Bộ Chính trị là nguyên Bí thư Bắc Kinh Trần Hy Đồng, nguyên Bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ và nguyên Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai chỉ bị tuyên 16 năm tù, và chung thân.

Sự nghiêm minh của pháp luật

Bản án tử hình được thi hành vào hồi 9 giờ 47 phút ngày 14-9-2000 tại nhà tù Tần Thành, và việc này diễn ra sau khi Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bác đơn xin giảm án của Thành Khắc Kiệt. Sau khi được dẫn vào phòng thi hành án tại nhà tù Tần Thành lúc 9 giờ 47 phút, đại diện Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, cùng nhiều quan chức lãnh đạo ở trung ương đã kiểm tra lần cuối thân phận của Thành Khắc Kiệt.

Tới 9 giờ 53 phút, Thành Khắc Kiệt bị tiêm thuốc độc và 10 giờ 10 phút việc thi hành án hoàn tất. Thi thể của Thành Khắc Kiệt được hỏa táng ngay sau đó. Khi đó, Tân Hoa xã chỉ đưa tin ngắn về việc này, không đề cập tới địa điểm cũng như hình thức tử hình đối với Thành Khắc Kiệt. Mãi sau này chi tiết kể trên mới được tiết lộ trên tạp chí Pháp luật và cuộc sống.

Thành Khắc Kiệt tại tòa.

Theo giới truyền thông, ngay sau khi bị tuyên án tử hình (ngày 31-7-2000) vì tội nhận hối lộ (hơn 41 triệu NDT), Thành Khắc Kiệt đã làm đơn kháng án. Theo luật sư của Thành Khắc Kiệt, mặc dù làm đơn kháng án, nhưng nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội biết rằng, đơn này sẽ bị bác và bản án tử hình sẽ được thi hành trong tháng 9-2000, trước khi khai mạc Hội nghị TW 5 khoá 15 (cuối tháng 9-2000) và thực tế đúng như vậy. 

Ngày 22-8-2000, Toà án nhân dân tối cao đã bác đơn kháng án của Thành Khắc Kiệt, giữ nguyên án tử hình mà toà sơ thẩm và trung thẩm đã tuyên trước đó. Sau khi bị tuyên án tử hình, Thành Khắc Kiệt bị giám sát 24/24 giờ bởi ông ta đã nhiều lần tự sát bất thành. 

Vụ án tham nhũng, nhận hối lộ lớn nhất tỉnh Quảng Tây, do Thành Khắc Kiệt, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cầm đầu được xét xử công khai cuối tháng 6-2000 tại thủ đô Bắc Kinh. Và sau khi vụ án Thành Khắc Kiệt xét xử xong, một toà án khác được mở để xét xử Lý Bình, người tình của Thành Khắc Kiệt. 

Trước khi bị bắt (tháng 8-1999), Lý Bình đã kịp chuyển số tiền trị giá 1.000.000 UAD (tiền Australia) cho con gái mới 16 tuổi đang học tập, sinh sống ở Australia. Tại tòa, Lý Bình cũng thừa nhận tội lỗi của mình - chính tôi là người đã hại Thành Khắc Kiệt bởi nếu không có tôi, anh ấy sẽ chẳng biết tới những việc làm mờ ám kia - tất cả những người muốn mua quan bán tước, muốn nhận thầu công trình hay điều chuyển công tác đều tìm đến tôi, đưa tiền cho tôi, còn tôi đã giấu anh ấy, lừa dối anh ấy!

Nhiều người từng nghĩ, vì trong quá trình điều tra, thẩm vấn, thái độ khai báo của Thành Khắc Kiệt khá tốt, hơn nữa ông ta chủ động giao nộp phần lớn số tiền nhận hối lộ nên sẽ được tòa xem xét giảm án. 

Nhưng theo toà, số tiền Thành Khắc Kiệt tình nguyện nộp lại cho dù có đủ cũng không thể bù đắp những tổn thất mà ông ta đã gây cho nền kinh tế nói chung, và tác động xấu tới xã hội nói riêng - thông dâm với gái có chồng (Lý Bình); lạm dụng chức quyền để mua quan bán chức... Chính vì vậy ngày 7-9-2000, toà đã quyết định thi hành bản án tử hình đối với Thành Khắc Kiệt vào ngày 14-9-2000.

Chết vì gái và tham lam

Trong hồ sơ vụ án người ta nhắc nhiều tới Châu Ninh Bang, thư ký của Thành Khắc Kiệt. Bởi từ cuối năm 1993, quan hệ giữa Thành Khắc Kiệt với người tình Lý Bình đã bị nhiều người biết tới, nên họ định kết hôn sau khi Phó Chủ tịch Quốc hội ly dị vợ, nhưng thư ký Châu Ninh Bang đã khuyên chưa nên kết hôn vì không có cơ sở kinh tế. Theo đó, người tình cần tranh thủ lúc Thành Khắc Kiệt đương chức, cố gắng kiếm "chút kinh tế" để cuộc sống sau này sung túc, nên Lý Bình đã tìm mọi cách và bỏ túi hơn 41 triệu NDT.

Lý Bình khi chưa bị bắt.

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Nam Ninh, có nhan sắc và thông minh nên Lý Bình nhanh chóng trở thành con dâu của cựu Chủ tịch khu tự trị Quảng Tây. Nhờ vào vị thế của bố chồng và thói lẳng lơ nên Lý Bình "chiêu mộ" được khá nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền tỉnh Quảng Tây, trong số đó có Thành Khắc Kiệt. 

Và sau khi Thành Khắc Kiệt làm Chủ tịch khu tự trị Quảng Tây (đầu năm 1990), Lý Bình liền bám riết và mối quan hệ đặc biệt của họ chính thức công khai từ năm 1992. Nhờ đó Lý Bình được định cư ở Hongkong, và chuyên trách bao tiêu sản phẩm xuất khẩu của tỉnh Quảng Tây dưới cái ô che chở đầy quyền uy của Thành Khắc Kiệt. 

Nói về cuộc sống già nhân ngãi, non vợ chồng giữa Thành Khắc Kiệt với Lý Bình có khá nhiều giai thoại, nhưng có một điều do chính nguyên Phó Chủ tịch quốc hội khai nhận - năm 1995, khi công tác từ Mỹ về nước có ghé qua Hongkong và ông đã tới biệt thự của Lý Bình, người phụ nữ được mệnh danh là "Giang Thanh tỉnh Quảng Tây". 

Tại thời điểm đó Lý Bình đang sống với một người đàn ông khác, nhưng Thành Khắc Kiệt không hay biết. Ngay sau khi biết về mối quan hệ giữa chồng với Lý Bình, vợ Thành Khắc Kiệt đã nhiều lần báo cáo với những người có trách nhiệm của tỉnh Quảng Tây, thậm chí làm ầm ỹ tại cơ quan tỉnh, nhưng mọi việc vẫn không thay đổi.

Người ta đã làm rõ một số vụ làm ăn của Thành Khắc Kiệt qua những công trình quốc gia như tuyến đường sắt Nam Côn, đường cao tốc Quế Hải, khi ông còn làm Phó bí thư Quảng Tây. Khi khám nhà Thành Khắc Kiệt, nhân viên điều tra đã thu giữ được nhiều tài liệu, chứng cứ về tội tham nhũng, nhận hối lộ của ông. 

Được biết, những công trình cấp quốc gia, cấp tỉnh đều được Thành Khắc Kiệt ưu tiên giao cho người tình, thân tín hay những người biết "chi đẹp". Không những "chấm mút" trong việc ban phát các công trình lớn, Thành Khắc Kiệt còn "bán chức" cho một số người - đa số đều từ cấp cục, cấp sở trở lên. 

Điển hình nhất trong việc này là vụ cất nhắc "người anh em" Chu Khôn, Giám đốc điều hành Tập đoàn Ngân Hưng của Quảng Tây - đã bỏ ra hàng triệu NDT để mua "tước vị" mà bình thường chẳng bao giờ có được. Nhưng ngày 27-1-2000, Chu Khôn, một trong những thân tín nhất của Thành Khắc Kiệt đã tự sát tại nhà tù Nam Ninh.

Những lời cảnh tỉnh

Sau khi thông báo quyết định khai trừ đảng của Uỷ ban Kiểm tra và Kỷ luật TW đối với nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội hôm 20-4-2000, cơ quan chức năng đã bắt 4 quan chức cấp cao của tỉnh Quảng Tây, thân tín của Thành Khắc Kiệt. Đó là Cam Duy Nhân, nguyên Phó bí thư tỉnh Quảng Tây; Dư Quốc Tín, nguyên Cục trưởng Cục tài chính tỉnh Quảng Tây; Chử Chi Điền, nguyên Phó cục trưởng giao thông tỉnh Quảng Tây; Đỗ Bảo Thành, nguyên Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn cổ phần Tư Trang, Quảng Tây. 

Người được coi có công lớn nhất trong việc phá vụ án rắc rối này là bà Lưu Lệ Anh, người từng đưa cựu Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư thành uỷ Bắc Kinh Trần Hy Đồng ra trước vành móng ngựa, và nhận bản án 16 năm tù. Có người đã nói vui rằng, bà Lưu Lệ Anh là một trong số ít người được lãnh đạo cấp cao của 3 cơ quan tư pháp, hành pháp và lập pháp tin tưởng tuyệt đối.

Theo giới truyền thông, sở dĩ vụ án được điều tra, làm rõ là do có sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân - yêu cầu ban chuyên án phải gấp rút làm rõ, để có kết luận sớm đối với vụ án kinh tế lớn nhất tỉnh Quảng Tây do Thành Khắc Kiệt, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch khu tự trị Quảng Tây cầm đầu. 

Ông Giang Trạch Dân yêu cầu phải có kết luận chậm nhất vào cuối tháng 2-2000 đối với vụ án của Thành Khắc Kiệt. Vụ này được đích thân Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hàn Trữ Tân đảm trách. 

Điều đáng nói là ông Hàn Trữ Tân nguyên là đồng sự với Thành Khắc Kiệt - từng làm việc cùng nhau tại Cục đường sắt Liễu Châu, Quảng Tây. Đến năm 1983, ông Hàn Trữ Tân được bổ nhiệm làm Cục trưởng, còn Thành Khắc Kiệt là Cục phó. Tới năm 1998, Thành Khắc Kiệt được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Quốc hội, còn ông Hàn Trữ Tân được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Thành Khắc Kiệt là người Thượng Lâm, tỉnh Quảng Tây, sau khi tốt nghiệp đại học năm 1957, ông là cán bộ kỹ thuật tại Cục đường sắt Liễu Châu. Sau đó Thành Khắc Kiệt làm Phó cục trưởng Cục đường sắt Liễu Châu, rồi Phó bí thư tỉnh Quảng Tây. Đến năm 1990, Thành Khắc Kiệt trở thành Chủ tịch khu tự trị Quảng Tây khi mới 54 tuổi. Tới tháng 3-1998, là Phó Chủ tịch Quốc hội, nhưng đến đầu năm 1999, "chuyên án Thành Khắc Kiệt" đã được lập sau khi Uỷ ban Kiểm tra và Kỷ luật TW nhận được nhiều đơn thư tố cáo của quần chúng, đảng viên, cũng như cán bộ trong và ngoài tỉnh Quảng Tây xung quanh những việc làm sai trái của ông quan này.
Anh Phương
.
.
.