Nhà báo đấu tranh chống tham nhũng - "Nghề nguy hiểm" ở Ấn Độ

Thứ Năm, 19/04/2018, 10:38
Tờ DW (Đức) đưa tin, gần đây, ít nhất ba nhà báo nghi đã bị giết hại vì có viết bài về nạn tham nhũng tại bang Bihar và Madhya Pradesh của Ấn Độ. Cái chết của những nhà báo này một lần nữa cho thấy mối nguy hiểm rình rập mà các nhà báo đang phải đối mặt

.

Những cái chết bất thường

Nhà báo Sandeep Sharma chết trong một vụ tai nạn thảm khốc ở quận Bhind, thuộc bang Madhya Pradesh. Cùng ngày, ở quận Bhojpur, bang Bihar, nhà báo Navin Nishchal và đồng nghiệp Vijay Singh cũng chết trong một vụ tai nạn. 

Trước đó, Sharma, 35 tuổi, phóng viên của kênh News World đã nhận những lời đe dọa sau khi công bố phóng sự điều tra về nạn tham nhũng trong lĩnh vực khai thác cát vào tháng 7 năm ngoái. Phóng sự đặt nghi vấn, có "mối liên hệ" đáng ngờ giữa nạn khai thác cát bất hợp pháp với lực lượng cảnh sát chống tham nhũng

Vụ tai nạn đã được camera đường phố ghi lại. Trong đoạn video, chiếc xe tay ga do Sharma điều khiển "biến mất" nhanh chóng dưới bánh chiếc xe tải di chuyển với tốc độ chóng mặt. 

Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ được giao nhiệm vụ điều tra về cái chết của Sharma. Vivek Sharma, bạn của Sharma nói với phóng viên tờ DW. "mafia khai thác cát bất hợp pháp có tiềm lực rất mạnh. Các nhà báo sẽ tiếp tục phải chịu đựng nguy cơ bị tấn công bạo lực từ mafia".

Nhiều người tham gia biểu tình yêu cầu Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ để bảo đảm an toàn cho các nhà báo.

Nishchal và Singh làm việc cho tờ báo Hindi Dainik Bhaskar. Theo AP, cảnh sát đã bắt Mohammad Harsu, một cựu trưởng thôn ở bang Bihar vì tình nghi có liên quan đến vụ tai nạn khiến Nishchal và Singh thiệt mạng.

Đây không phải là những vụ việc nghi vấn nhà báo bị sát hại ở Ấn Độ trong thời gian qua. Vào tháng 9 năm ngoái, nhà báo Gauri Lankesh bị sát hại ở Bangalore gây rúng động dư luận. 

Sự việc đã "châm ngòi" cho cuộc tranh luận về tự do báo chí và tự do ngôn luận ở Ấn Độ. Được biết, nhà báo Gauri Lankesh là người lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ nạn tham nhũng.

Cảnh sát Bangalore cho hay, Gauri Lankesh bị bắn ba viên đạn vào cơ thể khi đang đi bỏ về nhà. Theo tờ Press Trust of India, ba kẻ tấn công đi xe máy đã nhanh chóng bỏ trốn khỏi hiện trường. Một sỹ quan cảnh sát cho biết, chưa thể kết luận ai đã giết hại Gauri Lankesh vì trước đó, anh chưa từng thấy nữ nhà báo đề cập đến bất kỳ mối đe dọa nào.

Không lâu sau thời điểm nhà báo Gauri Lankesh bị sát hại, Sudip Dutta Bhaumik, một phóng viên điều tra của tờ Syandan Patrika, phiên bản tiếng Bengal bị bắn chết ở bang Tripura. Phóng viên truyền hình trẻ tuổi tên là Santanu Bhowmik cũng được cho là đã bị giết chết trong một cuộc tấn công. 

Ngoài các nhà báo, những người dân đấu tranh chống tham nhũng cũng là mục tiêu bị tấn công. Ước tính, hơn 15 người lên tiếng chống tham nhũng đã bị giết hại cùng rất nhiều người bị tấn công trong ba năm qua.

Nhà báo ở khu vực nông thôn có nguy cơ bị tấn công cao hơn

Số lượng các nhà báo Ấn Độ bị tấn công có xu hướng gia tăng, nhất là ở khu vực nông thôn. Điều này đặt ra câu hỏi về việc đảm bảo cơ chế an toàn cho các nhà báo. 

"Các nhà chức trách phải điều tra kỹ lưỡng về cái chết của các nhà báo để xác định liệu có phải bị nhắm mục tiêu vì những báo cáo của họ hay không. Cái chết của những nhà báo là minh chứng về thất bại của chính quyền địa phương trong việc cung cấp an ninh đầy đủ cho các phóng viên bị đe dọa tính mạng", Steven Butler, Điều phối viên Chương trình bảo vệ các nhà báo (CPJ) khu vực châu Á nói.

Hiện trường vụ án mạng khiến nữ nhà báo Gauri Lankesh thiệt mạng hồi tháng 9-2017.

Theo đánh giá của CPJ, Ấn Độ đứng thứ 13 trên thế giới về "chỉ số bất khả kháng toàn cầu" - nơi mà những vụ sát hại những nhà báo ít có khả năng bị trừng phạt. Tổ chức này cho rằng, không có vụ giết hại nhà báo nào ở Ấn Độ được giải quyết trong 10 năm qua.

Điều đáng quan tâm là, nhà báo ở vùng nông thôn có nguy cơ bị tấn công cao hơn. Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê tội phạm quốc gia, kể từ năm 2015, có tới 142 cuộc tấn công chống lại các nhà báo được ghi nhận ở vùng nông thôn Ấn Độ. 

Khoảng 70 nhà báo đã thiệt mạng ở Ấn Độ từ năm 1992 đến năm 2016. Nhiều người trong số họ là những nhà báo độc lập đã bị sát hại ngay gần nhà hoặc tại nơi làm việc.

Rajeev Tyagi, một nhiếp ảnh gia kỳ cựu nói rằng, không ít nhiếp ảnh gia bị tấn công, đập vỡ máy ảnh khi tác nghiệp. Nhiều cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo không được báo cáo. Phóng viên thường bị đe dọa bởi chính các chính trị gia hay cảnh sát địa phương.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.