Nhà sáng lập WikiLeaks sẽ định cư tại Ecuador

Thứ Tư, 27/01/2016, 08:34
Sau khi Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino chỉ trích Chính quyền Stockholm thiếu tôn trọng Chính quyền Quito khi gửi công hàm xin thẩm vấn nhà sáng lập WikiLeaks nhưng không ghi ngày tháng và tẩy xóa, ngày 21-1, cơ quan chức năng Ecuador đã bác bỏ đề nghị thẩm vấn ông Julian Assange. 


Bởi trước đó cơ quan tư pháp của Thụy Điển đã xin phép được thẩm vấn nhà sáng lập WikiLeaks tại Đại sứ quán Ecuador ở thủ đô London, Anh. Và Chính quyền Quito đã chấp thuận khi diễn ra theo luật pháp của Ecuador, theo đó các công tố viên của nước này sẽ tiến hành thẩm vấn, còn các công tố viên Thụy Điển tham dự. Động thái này diễn ra sau khi Ecuador và Thụy Điển ký thỏa thuận hỗ trợ pháp lý hồi tháng 12-2015, tạo điều kiện để cơ quan tư pháp Thụy Điển thẩm vấn ông Julian Assange.

Trước đó (15-1), tại cuộc phỏng vấn ở thủ đô Quito, Ngoại trưởng Ricardo Patino cũng khẳng định, nếu giới chức Thụy Điển không đưa ra cáo buộc chống lại ông Julian Assange, thì nhà sáng lập WikiLeaks có thể tới sống ở Ecuador. Bởi trước đó ông Julian Assange đã xin quy chế tị nạn tại Ecuador. "Nếu các công tố viên Thụy Điển không truy tố ông Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks có thể rời Đại sứ quán Ecuador ở thủ đô London. Và chúng tôi kỳ vọng không gặp bất kỳ vấn đề gì với chính quyền Anh khi để ông Julian Assange đến Ecuador, bởi nhà sáng lập WikiLeaks được phép tị nạn tại đất nước chúng tôi", Ngoại trưởng Ricardo Patino tuyên bố.

Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange.

Trong khi đó, ngày 20-1, Tổng thống Ecuador Rafael Correa cho biết, ông Julian Assange sẽ đối mặt với một cuộc thẩm vấn ngay trong Đại sứ quán Ecuador ở thủ đô London, Anh, theo đề nghị của giới chức Thụy Điển. Ông Rafael Correa cũng cho biết, giới chức Ecuador sẽ trực tiếp thẩm vấn ông Julian Assange dựa trên những câu hỏi và các yêu cầu được các công tố viên Thụy Điển đưa ra. Nhưng ông Rafael Correa lại không xác nhận thời gian cụ thể sẽ diễn ra cuộc thẩm vấn kể trên.

Trước đó, hãng EFE cho biết, Thẩm phán Ingrid Isgren và một điều tra viên của Thụy Điển sẽ tới London để tham gia tiến trình này. Ngày 13-1, cơ quan tư pháp Thụy Điển cho biết, họ đã được phép thẩm vấn ông Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London. Và trước đó, các công tố viên Thụy Điển đã hủy cuộc điều tra đối với ông Julian Assange hồi trung tuần tháng 8-2015, vì quá thời gian khởi kiện theo luật định 5 năm.

Nhưng cáo buộc hiếp dâm có thời hiệu khởi kiện 10 năm, nên cơ quan tư pháp Thụy Điển vẫn muốn thẩm vấn ông Julian Assange, bất chấp việc nhà sáng lập WikiLeaks nhiều lần khẳng định, những lần quan hệ tình dục đều có sự đồng thuận của hai bên.

Giới truyền thông cho biết, ngày 12-12-2015, đại diện Bộ Ngoại giao Ecuador và đại diện Bộ Ngoại giao Thụy Điển đã ký thỏa thuận hỗ trợ pháp lý tạo điều kiện để các nhà chức trách Thụy Điển thẩm vấn ông Julian Assange, đang tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador tại London, Anh.

Theo giới truyền thông, Chính quyền Quito đã cho phép ông Julian Assange tị nạn từ năm 2012, sau khi nhà sáng lập WikiLeaks xin phép được tị nạn tại Ecuador. Nhưng việc này không thể tiến hành khi Chính phủ Anh tuyên bố, sẽ bắt ông Jukian Assange nếu nhà sáng lập WikiLeaks bước ra khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London. Cảnh sát Anh từng lên kế hoạch bắt ông Julian Assange, nhưng bị giới truyền thông tiết lộ nên việc này buộc phải gác lại.

Còn Tổng thống Nga Putin từng cho rằng, vụ việc liên quan tới nhà sáng lập WikiLeaks có khả năng mang động cơ chính trị, đồng thời cáo buộc London áp dụng "tiêu chuẩn kép" đối với lệnh dẫn độ ông Julian Assange tới Thụy Điển để xét xử.

Theo giới truyền thông, từ năm 2010, ông Julian Assange đã bị cơ quan tư pháp Thụy Điển điều tra với 4 tội danh liên quan tới tấn công tình dục đối với 2 phụ nữ Thụy Điển. Và từ tháng 12-2010, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã coi ông Julian Assange là "khủng bố công nghệ cao" và nhiều quan chức hàng đầu của Washington từng công khai kêu gọi nhà chức trách săn lùng nhà sáng lập WikiLeaks.

Theo giới truyền thông, Ecuador từng đề nghị chuyển ông Julian Assange tới Thụy Điển dưới sự bảo hộ ngoại giao của quốc gia Nam Mỹ này, nhưng bất thành. Ngoại trưởng Ricardo Patino từng tuyên bố, Đại sứ quán Ecuador ở London tiếp tục cho nhà sáng lập WikiLeaks tị nạn sau khi cuộc đàm phán giữa ông với Ngoại trưởng Anh William Hague không đạt kết quả.

Và Ngoại trưởng Ricardo Patino cũng từng cáo buộc Chính phủ Anh vi phạm nhân quyền khi từ chối cho ông Julian Assange sang Ecuador tị nạn. Tổng thống Ecuador Rafael Correa cũng đã khiến London nổi giận khi cho phép ông Julian Assange tị nạn bất chấp những cảnh báo. Bởi theo ông Rafael Correa, việc trục xuất ông Julian Assange sang Thụy Điển là một phần kế hoạch của Washington để dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks sang Mỹ xét xử… Chính vì những nguyên nhân kể trên nên chưa biết khi nào ông Julian Assange mới có thể tới Ecuador sống như mong muốn.

Thiện Lân
.
.
.