Nhà sáng lập Wikileaks bị mưu sát?

Thứ Hai, 05/09/2016, 19:45
Câu hỏi kể trên cho đến nay vẫn chưa có lời giải bởi nhà chức trách Anh tiếp tục giữ quan điểm của mình, bất chấp yêu cầu của Đại sứ quán Ecuador ở London.

Bởi trước đó Đại sứ quán Ecuador ở London có cấp báo với chính quyền London về một vụ đột nhập bất hợp pháp, nhưng phải mất 120 phút sau cảnh sát mới có mặt tại hiện trường, cho dù đồn cảnh sát chỉ cách Đại sứ quán có 2 phút đi xe.

Theo báo cáo với cảnh sát, khoảng 2h47 phút ngày 22-8, có 1 người lạ mặt tìm cách đột nhập bất hợp pháp vào bên trong toà nhà của Đại sứ quán Ecuador ở London. Chính phủ Ecuador đã bày tỏ sự thất vọng đối với cách phản ứng không phù hợp của chính quyền Anh, trong vụ việc họ coi là vô cùng nghiêm trọng.

Bởi kẻ lạ mặt cố tìm cách đột nhập trái phép vào nơi nhà sáng lập WikiLeaks đang cư trú, trong khi một số chính trị gia và nhà báo Mỹ từng kêu gọi giết chết ông Julian Assange không cần xét xử. Vì kẻ đột nhập dễ dàng thoát khỏi cảnh sát và đào tẩu nên dư luận coi đó là một âm mưu để ám sát ông Julian Assange.

“Đại sứ quán đã cung cấp bằng chứng cho cảnh sát Anh để giúp làm rõ sự việc này. Theo Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961, nước chủ nhà có trách nhiệm bảo vệ cơ quan ngoại giao trước mọi sự xâm nhập hoặc gây tổn hại.

Và trong trường hợp này, an ninh của Đại sứ quán Ecuador ở London là trách nhiệm của chính quyền Anh. Chính phủ Ecuador bày tỏ quan ngại về sự phản ứng chậm chạp của chính quyền Anh - cảnh sát đến Đại sứ quán sau khi vụ việc xảy ra đã hơn 2 tiếng đồng hồ.

Chính phủ Ecuador muốn hợp tác với lực lượng an ninh và cảnh sát Anh nhằm ngăn chặn những sự cố trong tương lai và để ký lại cam kết bảo vệ ông Julian Assange”, trích đoạn công văn gửi chính phủ Anh của Bộ Ngoại giao Ecuador.

Hơn 2 tháng trước (20-6), Ngoại trưởng Ecuador Guillaume Long từng tuyên bố, Anh đã từ chối tăng cường quan hệ hợp tác với nước này cho tới khi song phương giải quyết dứt điểm những bất đồng liên quan tới nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange.

Ông Guillaume Long đã bày tỏ sự thất vọng trước thái độ tiêu cực của London, đồng thời khẳng định, Quito không hối tiếc khi quyết định cho phép ông Julian Assange tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London.

Giới chuyên môn đặt nhiều câu hỏi, trong đó nổi bật nhất là chi tiết, cảnh sát London đã và đang huy động một lực lượng đông đảo cùng trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để ngăn cản ông Julian Assange trốn khỏi Đại sứ quán Ecuador, nhưng họ lại “bó tay” trước 1 người lạ mặt tìm cách đột nhập bất hợp pháp vào bên trong toà nhà này.

Cảnh sát Anh canh giữ ông Julian Assange.

Có thời điểm, Sở Cảnh sát London cho nhân viên canh gác 24/24 giờ tại Đại sứ quán Ecuador. Hãng BBC từng đưa tin, chỉ từ tháng 6-2012 đến tháng 10-2014, chi phí giám sát trực tiếp của Sở Cảnh sát London đã là 7,3 triệu bảng Anh.

Giới truyền thông cho biết, vụ đột nhập kể trên diễn ra chưa đầy 1 tháng sau khi ông Julian Assange hứa công bố trên Wikileaks một loạt email mới chứa các thông tin nhạy cảm về Quỹ Clinton.

Wikileaks từng tiết lộ một số tin nhắn của các quan chức hàng đầu trong Đảng Dân chủ Mỹ và hơn 19.000 email nội bộ của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) bị rò rỉ trong một vụ hack hệ thống máy tính.

Ngoài ra, Wikileaks còn tiết lộ đường dẫn liên kết đến một trang web có chứa thông tin cá nhân của công dân Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính tối 15-7, khiến nhiều người vướng vòng lao lý. Hơn 20 ngày trước (11-8), Bộ Ngoại giao Ecuador cho biết, đã cho phép đại diện của chính phủ Thụy Điển tiếp xúc với ông Julian Assange.

Trước đó (25-5), Tòa án Stockholm, Thụy Điển đã từ chối hủy lệnh truy nã đối với nhà sáng lập Wikileaks bởi giới chức nước này muốn thẩm vấn ông Julian Assange vì vẫn tồn tại nguy cơ nhà sáng lập Wikileaks bỏ trốn hoặc lẩn tránh sự trừng phạt bằng nhiều cách khác nhau.

Tính đến nay, nhà sáng lập WikiLeaks đã tị nạn hơn 4 năm (từ tháng 6-2012) trong Đại sứ quán Ecuador ở London, để tránh bị Anh dẫn độ về Thụy Điển xét xử với cáo buộc xâm hại tình dục phụ nữ. Hơn 4 tháng trước (tháng 4-2016), luật sư cho biết ông Julian Assange bị đau vai, và cần được nha sĩ chăm sóc khẩn cấp, vì không nhận được sự hỗ trợ y tế cần thiết.

Nhà sáng lập WikiLeaks cho biết, tình trạng sức khỏe hiện nay chỉ cho phép ông làm việc vừa phải. Tổng thống Nga Putin từng cho rằng, vụ việc liên quan tới nhà sáng lập WikiLeaks có khả năng mang động cơ chính trị, đồng thời cáo buộc London áp dụng "tiêu chuẩn kép" đối với lệnh dẫn độ ông Julian Assange tới Thụy Điển để xét xử.

Trọng Hậu
.
.
.