Nhà tù "ba không" ở Brazil

Thứ Năm, 12/04/2018, 08:40
Mô hình nhà tù mới ở Brazil đề cao ý thức tự giác của tù nhân được đánh giá là mang lại kết quả rất tốt đẹp. Nhiều người gọi đó là nhà tù kiểu mới với tiêu chí "ba không" - không lính canh gác, không vũ khí, không bạo lực.


Ở Brazil, nhà tù được xem như những "quả bom hẹn giờ" vì tình trạng bạo loạn thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, mô hình nhà tù đề cao ý thức tự giác của tù nhân được đánh giá là mang lại kết quả rất tốt đẹp. Nhiều người gọi đó là nhà tù kiểu mới với tiêu chí "ba không" - không lính canh gác, không vũ khí, không bạo lực.

"Tôi không có ý nghĩ bỏ trốn"

Renato Da Silva Junior, 28 tuổi, mong muốn trở thành một luật sư nhưng giấc mơ đó tạm gác lại khi phải thụ án 12 năm tù vì tội giết người. "Ước mơ của tôi lớn hơn những sai lầm. Tôi đang cố gắng để có thể được ra tù sớm nhất", Da Silva nói. Da Silva hiện đang thụ án tại nhà tù Itaúna ở Minas Gerais - phía đông nam Brazil.

Nhà tù Itaúna do Hiệp hội bảo vệ và hỗ trợ tù nhân (APAC) quản lý. Tại đây, các tù nhân được mặc quần áo dân sự, tự nấu ăn, thậm chí còn đảm nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho khu giam giữ. Ở Itaúna cũng không có lính canh gác hoặc vũ khí. 

Không ai bị nhốt trong các phòng giam trừ khi bị bệnh hoặc bị trừng phạt. Nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định, tù nhân có thể bị đưa trở lại hệ thống nhà tù chính thống.

Những người bị giam giữ ở Itaúna được gọi với cái tên "người phục hồi" thay vì tù nhân. Thuật ngữ này được hiển thị bên cạnh tên của từng người chứ không dùng số thứ tự như các nhà tù khác. 

"Tôi không có ý nghĩ bỏ trốn. Tôi sắp hoàn thành thời gian thụ án. Mọi người tin tưởng tôi và trách nhiệm của tôi là bảo vệ an ninh cho khu vực này. Tôi được ra ngoài mỗi tuần một lần. Tôi luôn suy nghĩ về gia đình, người thân của mình và cố gắng để trở thành người có ích cho xã hội", Da Oliveira, 32 tuổi nói.

Renata Da Silva Junior bị kết án 20 năm tù vì tội giết người, hiện đang thụ án tại nhà tù nhân đạo Itaúna.

"Chúng tôi được sử dụng dao, dĩa kim loại khi ăn. Đó là điều hết sức tuyệt vời. Chúng tôi không có cảm giác ở tù mà gần gũi như đang sống cùng với gia đình mình", tù nhân Recuperando Luiz Fernando Estevez Da Silva nói. 

Rodrigo de Oliveiro Pinto, 35 tuổi cho biết, anh yêu thích công việc yên tĩnh mà mình đang làm - trông nom kho hàng trong nhà tù. Anh muốn làm việc trong một nhà tù của APAC sau khi được trả tự do. "Tôi muốn giúp đỡ những người từng lầm lỡ khác", Rodrigo de Oliveiro Pinto nói.

Trong khu vườn phía sau tòa nhà, Renato Diego Da Souza, 31 tuổi, đang dán nhãn vào chai xà phòng để bán ra bên ngoài. Một số tù nhân làm bánh mì cho các trường học địa phương hoặc tham gia các công việc lao động sản xuất khác.

Rào cản từ vấn đề tài chính và nạn tham nhũng

Bạo lực nhà tù là một trong những vấn đề khiến các quan chức Brazil đau đầu tìm giải pháp. Brazil là quốc gia có số lượng tù nhân đông thứ tư trên thế giới. 

Nhiều báo cáo nhân quyền cho rằng, tù nhân ở Brazil luôn phải sống trong tình trạng quá tải với không ít mối nguy hiểm rình rập. Hơn hai mươi tù nhân bị nhồi nhét trong những căn phòng chật hẹp, đệm bẩn, thực phẩm không ăn được… là những vấn đề xảy ra thường xuyên trong các nhà tù chính thống.

Tuy nhiên, với hệ thống nhà tù do APAC quản lý, mọi thứ hoàn toàn khác biệt. Hệ thống nhà tù của APAC được thành lập vào năm 1972 và đến nay, ở Brazil có 49 nhà tù theo mô hình này. 

Các nhà tù nhân đạo của APAC cũng đã xuất hiện ở Costa Rica, Chile và Ecuador. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là mô hình nhà tù mới, tập trung vào việc cải tạo tù nhân thay vì giam giữ. 

Chi phí điều hành các nhà tù nhân đạo rẻ hơn, tỷ lệ tái phạm thấp hơn và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng hơn.

Rodrigo de Oliveiro Pinto nói rằng, anh yêu thích công việc yên tĩnh mà mình đang làm - trông nom kho hàng trong nhà tù Itaúna.

Ana Paula Pellegrino, thuộc Viện nghiên cứu Igarape ở Rio de Janeiro nói rằng, với hành vi phạm tội, tù nhân đã phá vỡ quy tắc xã hội. Nhà tù của APAC giúp tù nhân phục hồi nhân phẩm bằng cách cho họ làm những công việc tốt. Một số tù nhân có thể đi ra ngoài để quét đường phố hoặc những công việc có ích cho xã hội.

Thẩm phán Paulo Antônio de Carvalho nói rằng, mô hình nhà tù của APAC là một cách làm hiệu quả giúp đỡ người phạm tội. Khi được hỏi rằng, tại sao không có nhiều nhà tù APAC hơn ở Brazil, ông Paulo Antônio de Carvalho nói rằng, rất nhiều khó khăn đang đặt ra, trong đó có rào cản từ vấn đề tài chính và nạn tham nhũng. 

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.