Nhận diện ''mẹ mìn''

Thứ Hai, 11/04/2016, 21:00
Có tới trên 4.000 công dân Việt Nam đã trở thành "hàng sống" của các đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người. Đó là thống kê của Cục Cảnh sát Hình sự (C45) Bộ Công an về số nạn nhân trong gần 2.200 vụ án đã khám phá trong 5 năm (từ 2011 đến 2015).


Tuy nhiên trên thực tế còn "tồn" khá nhiều vụ mất tích chưa rõ nguyên nhân, và chỉ có thể được làm rõ khi nạn nhân trở về tố cáo "mẹ mìn". Khoa học hình sự gọi đây là tính chất "ẩn" của tội phạm. Cũng vì điều này mà mặc dù là một vấn nạn đang "tăng trưởng" nguy hiểm trong xã hội ta, nhưng đến nay chưa thể có một con số thống kê chính xác và đầy đủ về nó.

Hiểm họa rình rập

Mãi tới lần trao đổi gần đây với các trinh sát Cục C45 - Bộ Công an, tôi mới hiểu cặn kẽ nội hàm của khái niệm mua bán người. Đó là hành vi tuyển dụng, vận chuyển, cung cấp, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận người, bằng thủ đoạn sử dụng bạo lực, uy hiếp khống chế, bắt cóc, lừa dối, dẫn dắt vào sai lầm, lợi dụng hay khai thác sự nhầm lẫn, lợi dụng sự phụ thuộc, lợi dụng tình huống xấu, trạng thái bất lực… của nạn nhân.

Mục đích của tội phạm là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, hôn nhân ép buộc, khai thác các bộ phận cơ thể hoặc sử dụng nạn nhân vào các mục đích vô nhân đạo khác... Động cơ vụ lợi (kiếm tiền) luôn là yếu tố "bên trong",  thúc đẩy bọn buôn người lao vào những cuộc săn lùng "con mồi".

Nạn nhân bị bán sang Trung Quốc được giải cứu trở về nước.

Đây không phải là "câu chuyện riêng" của Việt Nam, mà đã và đang là vấn nạn có quy mô toàn cầu. Đến mức ngày 30-7 hằng năm đã được Liên hợp quốc chọn là "Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người", bắt đầu từ năm 2013. 

Thiếu tá Lê Văn Cường cho biết: "Ở nước ta, so với 5 năm trước (từ năm 2006 - 2010) thì giai đoạn 2011-2015 đã tăng 23% về số vụ án mua bán người và tăng 14,5% về nạn nhân. Trong đó, có 15% số nạn nhân bị mua bán trong nội địa và 85% bị ra nước ngoài. "Nóng" nhất là tại các tuyến biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Nếu ở các tỉnh phía Nam, nạn nhân bị bán sang Campuchia (hoặc trung chuyển tới các nước khác), thì ở miền Bắc chủ yếu bị bán sang Trung Quốc (chiếm tới 70%). Đa số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em, nhưng cũng đã xuất hiện những nạn nhân là nam thanh niên dưới 25 tuổi. Họ chủ yếu bị lừa gạt trong quá trình di dịch cư tự do để tìm kiếm công ăn việc làm. Đây là một hiện tượng ngày càng phổ biến ở Việt Nam.

Qua các vụ án đã phát hiện, thấy "chiêu thức" của bọn buôn người ngày càng tinh vi và thường xuyên thay đổi. Bên cạnh những "bài" mang tính "truyền thống", như dụ dỗ, hứa hẹn giúp tìm công việc vừa nhàn hạ thu nhập lại cao, hay rủ đi chơi ở vùng giáp biên hoặc ra nước ngoài du lịch… để đưa nạn nhân rời khỏi quê hương, rồi bán lại cho các ổ nhóm buôn người, các động mại dâm, bệnh viện thu mua nội tạng người… như một thứ hàng hóa, thì hiện nay thủ đoạn của cánh "mẹ mìn" đã có bước phát triển theo hướng xảo quyệt hơn.

Công an tỉnh Lào Cai và Bộ đội Biên phòng bắt giữ đối tượng mua bán người.

Chúng có thể núp dưới nhiều vỏ bọc, danh nghĩa hợp pháp, hay lợi dụng chính sách pháp luật để gây án, chẳng hạn như núp bóng xúc tiến trao đổi văn hóa, du lịch để môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động… để đưa người ra khỏi Việt Nam.

Trong đó, thủ đoạn mời đi du lịch, tham quan nước ngoài khá nguy hiểm lại dễ thực hiện. Khi nạn nhân đã đặt chân đến nước sở tại, bọn "mẹ mìn" sẽ "giở mặt" thu giữ hết giấy tờ tùy thân, ép họ phải hoạt động mại dâm. Ở các địa bàn giáp biên dân cư thưa thớt, bọn tội phạm còn manh động đột nhập vào nhà dân, bắt cóc trẻ em, phụ nữ để bán ra nước ngoài.

Vẫn theo Thiếu tá Cường, hoạt động mua bán người hiện nay đã có sự cấu kết trong - ngoài, nghĩa là có sự móc nối giữa các đối tượng trong nước với bọn tội phạm bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, hình thành các đường dây xuyên quốc gia. Ngoài ra, đã xảy ra nhiều vụ thủ phạm lại chính là nạn nhân trong các vụ án trước đây. Sau khi bị bán ra nước ngoài, họ quay về quê nhà, mang theo tiền và vẽ ra những viễn cảnh về một cuộc sống phồn vinh ở xứ người, để lừa chính người thân, bạn bè của mình, thậm chí với cả chị em ruột thịt. 

Thoát hiểm nhờ… cảnh giác

Mạn đàm về các kỹ năng phát hiện sớm nguy cơ trở thành hàng hóa trong tay bọn buôn người, Đại úy Nguyễn Tuấn Anh (Phòng PC45 - Công an TP Hà Nội) tư vấn: "Nếu thường xuyên đề cao cảnh giác và chú ý quan sát đối tượng tiếp xúc của mình, có thể phát hiện ra những dấu hiệu "lâm sàng" của bọn buôn người.

Chẳng hạn như cử chỉ thái độ bất thường khi tiếp xúc, tính vô lý trong câu chuyện mà chúng đưa ra, hay sự không rõ ràng về lý lịch, hoạt động hiện hành. Có câu: "Miếng pho mát miễn phí chỉ có trên bẫy chuột'', nên phải cảnh giác trước những kẻ tuy là mới quen trên mạng xã hội, mới xuất hiện ở địa phương, hay mới biết nhau thông qua sự giới thiệu của bạn bè… nhưng đã tỏ ra vồ vập, săn đón, hào phóng, tốt bụng…

Khi chưa thể biết rõ địa chỉ, quan hệ, công việc hiện tại của họ, tuyệt đối không được làm theo những gợi ý, đề nghị của kẻ đó. Đặc biệt, với những lời rủ rê đi làm ăn xa, công việc thì nhàn hạ nhưng thu nhập lại cao, thì hãy tin rằng đó chính là một cái bẫy đang chờ mình sa chân. Người tốt thực sự thường ít khi nói quá hoặc cố gắng thuyết phục người khác nhận sự giúp đỡ của mình. Còn bọn tội phạm thì làm ngược lại, vì chúng muốn nạn nhân "cắn câu".

Mít tinh tuyên truyền phòng, chống nạn mua bán người.

Mặt khác, kẻ buôn người cũng rất khó bịa ra được cơ quan, tổ chức hay cá nhân sử dụng lao động, cũng như về hồ sơ thủ tục hợp đồng lao động. Chỉ cần gặng hỏi những thông tin về nơi đến, chúng sẽ lúng túng nói dối quanh rồi bộc lộ sơ hở, thiếu logic hay tự mâu thuẫn trong lời nói, việc làm.

Trường hợp đối tượng nói ra địa chỉ nơi sẽ tiếp nhận mình vào làm việc, thì cần thiết phải tiến hành xác minh độc lập bằng cách gọi điện thoại đến địa chỉ đó, hoặc nhờ người quen tại chỗ tìm hiểu hộ. Nên nhớ chỉ quyết định khi đã có đủ thông tin và có căn cứ để yên tâm.

Còn khi không thể xác minh, hay thấy vẫn còn những điểm mơ hồ, chưa chắc chắn, thì hãy biết nói không với những viễn cảnh được vẽ ra trước mắt. Cũng nên đề cao cảnh giác trước những lời mời gọi, rủ rê đi chơi, tham quan tại các địa bàn giáp biên của những người lạ, kể cả là người trong họ hàng, nhưng đã rời xa quê hương nhiều năm và hiện không thể biết họ đang làm công việc gì. Nếu thấy không yên tâm thì nên từ chối ngay.

Còn nếu muốn đi, hãy tìm hiểu thật kỹ về người bạn của mình, tìm hiểu về nơi sẽ đến, kích hoạt các mối quan hệ tại đó nếu có, để có sự đón tiếp và phòng tránh rủi ro. Quan trọng nhất là phải nói rõ dự định của mình cho nhiều người thân trong gia đình biết, và nên rủ những người mà mình tin tưởng cùng đi.

Với những lời mời ra nước ngoài du lịch, thì càng phải thận trọng hơn nữa. Hãy hình dung nếu tình huống xấu nhất xảy ra, như bị khống chế, thu giấy tờ tùy thân, tiền bạc hay hộ chiếu, thì có cách gì để thoát hiểm. Nếu không tìm được giải pháp nào thì đừng có nhẹ dạ cả tin". 

Để phòng tránh rủi ro khi đi làm ăn xa, ông Vũ Xuân Phong (Bộ LĐ-TB&XH) khuyến cáo: "Trước khi quyết định rời xa quê hương để đi tìm việc làm, bạn nên tìm hiểu những thông tin liên quan và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bởi vì điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Đầu tiên, thử nghĩ xem mình có thể tìm được việc làm ngay trên quê hương mình không.

Tiếp theo, bạn phải xin ý kiến, lời khuyên của gia đình và những người có kinh nghiệm. Đồng thời, tìm hiểu kỹ về người môi giới, về doanh nghiệp đang tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu thêm thông tin về lối sống, sinh hoạt và văn hóa ở nơi bạn đến, để lường trước các khó khăn, chủ động vượt qua.

Nên giữ các số điện thoại của gia đình, bạn bè hoặc của các cơ quan như Công an, UBND phường, xã nơi sẽ đến làm ăn, để được giúp đỡ khi cần. Phải tập thói quen thường xuyên giữ liên hệ với gia đình. Khi đã quyết định đi xa, nhất thiết phải mang theo giấy tờ tùy thân và nên có người nhà đưa đi".

Làm gì trong cạm bẫy?

Võ sư Trịnh Hồng Minh là chuyên gia về xử lý tình huống cho rằng, khi chẳng may sa vào hang ổ của bọn buôn người, nhưng chưa bị đưa ra nước ngoài, thì điều đầu tiên cần làm là phải cố gắng trấn tĩnh lại, rồi tùy tình hình mà lựa chọn cách ứng xử khôn ngoan nhất. Có thể giả vờ không biết gì về âm mưu, kế hoạch của chúng, để bọn tội phạm chủ quan, sơ hở.

Trong hành trình di chuyển, có thể lấy lý do hợp lý như đi vệ sinh, đau bụng, kêu đói... để ghé vào các địa điểm dọc đường. Nhân cơ hội đó cần nhanh chóng bỏ trốn, thuê xe ôm chở đến trụ sở các cơ quan Công an địa phương hay UBND phường, xã gần nhất. Nếu bị bọn tội phạm canh chừng, thì nhân cơ hội tiếp xúc được với người thứ 3, cần nhanh chóng thông báo tình hình của mình cho họ biết và nhờ gọi Công an, 113 để can thiệp.

Đừng la hét, chống cự khi đã bị giam cầm, cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Nên tranh thủ mọi sơ hở của chúng để liên lạc về gia đình, hoặc bạn bè. Trên đường đi mà gặp lực lượng Công an, Quân đội… có thể hô hoán, la hét ầm lên để gây sự chú ý. Nếu đã bị đưa ra nước ngoài, bị đẩy vào các nhà chứa, nơi thu mua nội tạng… thì cần tranh thủ mọi cơ hội tiếp xúc với người khác để báo tin ra bên ngoài, nhờ họ báo Công an. Nếu có cơ hội bỏ trốn thì cần nhanh chóng tìm đến cơ quan Công an để trình báo.

Đào Trung Hiếu
.
.
.