Nhập nhằng ngoại giao gián điệp

Thứ Sáu, 06/04/2018, 07:54
Tối ngày 26-3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga vì cho rằng Moskva là tác giả vụ đầu độc cựu điệp viên Nga tại Salisbury, Anh. Song song, một loạt nước châu Âu cũng trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga.


Tiếp sau đó, Mỹ cũng đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle, bang Washington.

Trò chơi “mèo vờn chuột”

Cho đến nay, Mỹ và các đồng minh đã tiến hành trục xuất hơn 130 nhà ngoại giao Nga. Đáp lại, Nga cũng tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và nhiều nhà ngoại giao ở các nước khác để trả đũa, trong một chiến dịch đối đầu gián điệp Đông - Tây lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Báo cáo của các quan chức cấp cao Mỹ công bố hôm 26-3 cho biết hơn 100 gián điệp Nga đang hoạt động trên đất Mỹ dưới vỏ bọc nhà ngoại giao. Điều này phơi bày thực tế không được đề cập nhưng rất phổ biến trong hoạt động tình báo thế giới, đó là gửi các “nhân viên tình báo ra nước ngoài dưới vỏ bọc nhà ngoại giao”.

"Tất cả đại sứ quán trên thế giới đều có điệp viên", Giáo sư Anthony Glees, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh và tình báo thuộc Đại học Buckingham (Anh), khẳng định. Tương tự, Đại tá về hưu Christopher Costa, Giám đốc điều hành Bảo tàng Gián điệp Quốc tế ở Washington, nói với AP: “Đại sứ quán và các sứ mệnh ngoại giao có lịch sử hàng trăm năm được sử dụng để theo dõi hoạt động của đối phương”.

Theo ông Glees, chính vì mọi quốc gia đều chơi trò "do thám", các chính phủ tự hiểu ngầm với nhau rằng không ai can thiệp vào những gì diễn ra bên trong đại sứ quán nước ngoài. Luật bất thành văn này được duy trì vì một số lý do. Thứ nhất, theo Giáo sư Costa, khi gián điệp nước ngoài được phát hiện, sẽ hiệu quả hơn để bí mật theo dõi họ hơn là trục xuất. “Trò chơi mèo vờn chuột là cách để hiểu được nhân viên tình báo đó đang liên lạc với ai”, ông Costa nói.

Lãnh sự quán Mỹ tại St.Petersburg bị đóng cửa. (Nguồn: Reuters)

Đây cũng là lý do khiến Washington không đi quá đà trong việc trục xuất các gián điệp Nga được biết đến dưới vỏ bọc ngoại giao, vì Mỹ cũng đang sử dụng chiến thuật tương tự. Thứ hai, khi một quốc gia gửi gián điệp của họ đến đại sứ quán quốc gia đồng minh, họ thường nói với nước chủ nhà họ là ai. Những gián điệp này, trong khi công khai tuyên bố là nhà ngoại giao, sau đó họ làm nhiệm vụ liên lạc với cơ quan tình báo nước chủ nhà, sẽ tạo ra một kênh chia sẻ thông tin tình báo hữu ích.

Giới hạn của “luật bất thành văn”

Nhưng luật bất thành văn đó cũng có giới hạn, sự phớt lờ sẽ chấm dứt nếu có điều gì đó bất hợp pháp xảy ra. "Đó là lý do tại sao vụ hạ độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal phiền phức đến như vậy" - Giáo sư Glees giải thích. Hoặc, như trường hợp của Nga với Mỹ và các nước phương Tây, thường có quan hệ kiểu đối đầu nên chính phủ hai bên không cho nhau biết ai là gián điệp. Điều đó dẫn đến cuộc chiến săn lùng gián điệp của hai bên.

John Schindler, cựu nhân viên phản gián, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), cho biết khi một nhân viên ngoại giao đến làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Washington, hoặc Lãnh sự quán ở Seattle (đã bị Chính phủ Mỹ đóng cửa), FBI và các cơ quan tình báo khác sẽ tìm hiểu kỹ thông tin về họ. 

Một số có thể được xác định nhanh chóng dựa trên nơi họ từng làm việc trước đó và ở những vị trí nào. Thông tin này có thể dễ dàng tìm hiểu thông qua Google, LinkedIn và LexisNexis. 

Một số vị trí tại đại sứ quán thường do các điệp viên đảm nhận như các quan chức an ninh, nhân viên chính trị và các chuyên gia truyền thông, những người thường bí mật tham gia vào việc thu thập thông tin kỹ thuật về những gì họ gọi là tín hiệu tình báo.

“Nếu bạn vẫn chưa thể xác định vai trò thực sự của họ, bạn chờ họ đến đất nước bạn và theo dõi những gì họ làm. Họ có những cuộc gặp bí mật với ai. Họ đang sử dụng kỹ thuật gì để tránh bị giám sát”, Schindler nói.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thường xuyên theo dõi hoạt động và giám sát liên lạc giữa những người bị nghi là điệp viên nước ngoài. Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng lớn của người Nga ở Mỹ cùng sự phổ biến của các phương thức liên lạc mã hóa trên mạng đã gây khó khăn cho hoạt động phản gián của FBI.

Washington cho rằng Moskva có hơn 100 điệp viên dưới vỏ bọc nhà ngoại giao hoạt động ở Mỹ trước vụ trục xuất. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên khẳng định con số thực tế còn cao hơn nhiều, do Mỹ không muốn để lộ số lượng nhân viên tình báo Nga đang bị giám sát. 

“Con số thực tế thường thay đổi, nhưng trung bình là 150 người”, quan chức này tiết lộ. 

“Chúng tôi có hệ thống phản gián rất, rất tốt. Có nhiều người trong FBI chịu trách nhiệm theo dõi điệp viên nước ngoài và họ làm rất tốt công việc của mình”, ông Robert Litt, cựu cố vấn cho Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, tuyên bố.

Không dễ bị nắm thóp

Tuy nhiên, Mỹ cần ít nhất 10 đặc vụ FBI và cảnh sát để theo dõi một điệp viên Nga trong vòng 24 giờ. Họ phải giám sát hàng loạt cửa ra vào và thang máy trong khu vực, liên tục chú ý sự thay đổi về trang phục và phương tiện đi lại, thậm chí là kiểu tóc của mục tiêu.

Đại sứ quán Nga tại Washington.

Khi một quốc gia trục xuất các đại diện ngoại giao của nước khác, họ phải chấp nhận rằng nước có nhà ngoại giao bị trục xuất có thể tiến hành đáp trả. Năm 2016, khi Mỹ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, Moskva đã nhanh chóng đáp trả bằng cách trục xuất 35 nhà ngoại giao Mỹ. 

Một hành động tương tự đã được Moskva thực hiện trong tháng này khi Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, Moskva lập tức “mời” 23 nhà ngoại giao Anh về nước. Điều đó có nghĩa là nếu Mỹ trục xuất nhiều gián điệp Nga thì càng có nhiều gián điệp Mỹ buộc phải rời Nga về nước.

Ngày 31-3, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Nga có thể chỉ định các nhà ngoại giao mới để thay thế những người bị trục xuất vì nghi là gián điệp. 

Nguồn tin trên cho biết, mặc dù Mỹ đã quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao của Nga, nhưng  Mỹ không yêu cầu Nga giảm tổng số nhân viên ngoại giao thực hiện nhiệm vụ song phương. 

Vị quan chức trên khẳng định: “Chính phủ Nga vẫn có thể tiến cử các nhân viên vào các vị trí còn trống để thực hiện nhiệm vụ song phương", và bất cứ một đề nghị tiến cử nào cũng sẽ được Mỹ xem xét kỹ lưỡng.

Trong các vụ trục xuất trước, điệp viên Nga bị yêu cầu rời khỏi Mỹ thường giao nhiệm vụ cho những người ở lại hoặc “kẻ ngoài vòng pháp luật”, thuật ngữ chỉ những gián điệp nằm vùng lâu năm và không để lộ sự liên hệ với Chính phủ Nga. Một chiến thuật khác của Nga là triển khai lượng lớn nhân viên ngoại giao cùng lúc, trong đó chỉ có 1 hoặc 2 sĩ quan tình báo, khiến FBI khó nhận dạng và theo dõi mục tiêu thực sự.

Một quan chức tình báo Mỹ cho rằng sau khi trục xuất hàng loạt nhân viên ngoại giao Nga nghi hoạt động tình báo, Mỹ đang đối diện với nguy cơ không xác định được điệp viên mới mà Nga cử đến là ai.

Hòn Rồng
.
.
.