Nhật - Ấn bắt tay “gườm” Trung Quốc

Chủ Nhật, 01/10/2017, 10:40
Trung tuần tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến viếng thăm chính thức tới Ấn Ðộ và gặp gỡ người đồng nhiệm Narendra Modi để cùng vạch ra kế hoạch hợp tác sâu rộng, trong bối cảnh cả hai đều cảm thấy bị uy hiếp bởi sự bành trướng của Bắc Kinh cả về kinh tế lẫn chính trị.


Đối trọng “Một vành đai, một con đường”

Ngày 14-9, Thủ tướng Abe và người đồng nhiệm Modi đã cùng tham dự lễ khởi công xây dựng tuyến tàu cao tốc đầu tiên của Ấn Độ tại Ahmedabad. Đây là dự án được xây dựng bằng 81% nguồn vốn vay Nhật Bản với lãi suất 0,1% trong vòng 50 năm. 

Dự án được nhận định là một biểu tượng cho sự đối chọi của liên minh Nhật - Ấn trước dự án "Một vành đai, một con đường" (OBOR) được Trung Quốc triển khai từ năm 2013 nhằm thiết lập con đường tơ lụa mới nối miền Đông Trung Quốc, lục địa Á - Âu và châu Phi qua ngả Pakistan. Cho đến nay, ước tính Bắc Kinh đã đổ tới 900 tỷ USD vào dự án này.

Trước đó, Nhật Bản và Ấn Độ đã công bố việc hợp tác xây dựng dự án Hành lang tăng trưởng Á - Phi (Asia Africa Growth Corridor - AAGC). Dĩ nhiên, cho đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai như dự án OBOR của Trung Quốc. Tuy nhiên, hồi tháng 5 năm nay, 3 trung tâm nghiên cứu của Ấn Độ và Nhật Bản đã công bố bản báo cáo đầu tiên để kêu gọi "thiết lập một hành lang về thể chế và công nghiệp giữa châu Á và châu Phi".

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi

Theo báo cáo, một trong những mục tiêu của dự án AAGC là hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ở các cảng biển để khuyến khích giao thương hàng hải giữa 2 châu lục Á - Phi. Trong thực tế, Trung Quốc đã làm được điều này với dự án OBOR, vậy Nhật - Ấn còn đặt ra mục tiêu này làm gì nếu không để cạnh tranh với Trung Quốc?

Tờ Le Figaro của Pháp dẫn lời một chuyên gia kinh tế châu Á cho biết, hiện nay New Delhi và Tokyo đang tìm cách kết nối các dự án mà hai nước đã triển khai ở châu Phi trong những năm gần đây. Tính đến năm 2016, Ấn Độ đã cho 44 nước châu Phi vay 8 tỷ USD. Tại thượng đỉnh Ấn Độ - châu Phi năm 2015, Ấn Độ đã đề xuất đầu tư thêm 10 tỷ USD vào các dự án ở lục địa đen từ nay tới năm 2020. Còn Tokyo đã hứa sẽ đầu tư 30 tỷ USD để phát triển châu Phi trong giai đoạn 2013-2017.

Thủ tướng Ấn Độ từng tuyên bố Nhật Bản là đối tác "tự nhiên và không thể thiếu" của Ấn Độ. Đối với New Delhi, hợp tác với Tokyo đặc biệt cần thiết, trong bối cảnh Ấn Độ không thể một mình cạnh tranh với chính sách "ngoại giao tờ séc" mà Trung Quốc đang áp dụng, chẳng hạn ngày 25-7 vừa qua, Trung Quốc đã đầu tư 960 triệu euro vào Sri Lanka để mua cảng biển Hambantota.

Do không thể cạnh tranh với kho dự trữ ngoại hối khổng lồ của Bắc Kinh, New Delhi đã mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản để phục hồi kinh tế và tạo thêm việc làm. Chỉ trong vòng 3 năm, đầu tư của Nhật vào Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi, từ 2 tỷ lên 4,7 tỷ USD. Thủ tướng Ấn Độ Modi và đồng nhiệm Nhật Bản Abe cũng đã ký một nghị định thư về phát triển hạ tầng giao thông ở miền Đông Bắc Ấn Độ, nơi có bang Arunachal Pradesh mà Trung Quốc đòi chủ quyền, một vùng đất có diện tích rộng bằng cả nước Áo.

Liên minh quân sự?

Cũng trong ngày cuối cùng của chuyến thăm 2 ngày, Thủ tướng Nhật Bản đã ký kết một bản tuyên bố chung với người đồng nhiệm Ấn Độ nhằm siết chặt hợp tác nhiều mặt, trong đó đặc biệt là thúc đẩy các quan hệ an ninh, quốc phòng.

Theo truyền thông Ấn Độ, vấn đề tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng được đặt lên vị trí số 1 trong bản tuyên bố chung. Lãnh đạo 2 nước chủ trương thúc đẩy nhiều hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, tuần duyên, tác chiến trên biển, bao gồm tàu chống ngầm. Việc chuẩn bị chuyển giao thủy phi cơ tuần tra US-2 của Nhật Bản cho Ấn Độ là một biểu tượng của quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực này. New Delhi và Tokyo cũng dự kiến thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng, dân sự - quân sự.

Truyền thông 2 nước cho biết tuyên bố song phương Ấn - Nhật có mục tiêu chính nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ hòa bình tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các tranh chấp được giải quyết bằng thương lượng, và ASEAN được coi là đối tác hàng đầu.

Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (bao gồm vùng biển nhiệt đới Tây và Trung Thái Bình Dương, vùng biển Bắc Ấn Độ Dương, và các vùng biển khác nối liền hai vùng biển nói trên) trở thành trọng tâm trong hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ trong vài năm trở lại đây. Hợp tác tại khu vực này là trọng tâm trong “Chiến lược Hướng Đông” của New Delhi và “Chiến lược vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do” của Tokyo.

New Delhi đã công bố “Chiến lược Hướng Đông” vào năm 1991, nhưng sáng kiến này không được theo đuổi nghiêm túc. Ấn Độ đã xem chính sách này chỉ đơn giản là mở rộng sang các quốc gia thành viên của ASEAN. Lúc đó, nó không phải là một chiến thuật để chống lại Trung Quốc.

Thế nhưng thời gian qua, Bắc Kinh đã có nhiều hành động khiến cả Tokyo và New Delhi lo lắng. Nhật Bản từng bày tỏ quan ngại những căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông có thể lan sang cả khu vực Ấn Độ Dương, làm đe dọa những tuyến đường hàng hải mậu dịch của Tokyo với những quốc gia ở châu Phi và với các nước Trung Đông, vốn đang cung cấp cho Nhật khoảng 90% nhu cầu dầu thô.

Trong khi đó, New Delhi cũng lo lắng không kém khi Bắc Kinh cho xây dựng đường cao tốc dọc biên giới Himalaya với Ấn Độ, xây cảng biển ở các quốc gia láng giềng.

Chưa kể, cả Nhật Bản và Ấn Độ hiện tại đều đang căng thẳng với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ. Những mâu thuẫn giữa Tokyo và Bắc Kinh xuất phát từ chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tại biển Hoa Đông. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ đều cùng tuyên bố chủ quyền với Arunachal Pradesh và liên tục chạm trán ở khu vực Cao nguyên Doklam.

Thực tế đó đặt ra thách thức an ninh chung đối với cả New Delhi và Tokyo. Điều này khiến chính phủ 2 nước buộc phải nhận ra, họ cần những cái bắt tay thực chất, nồng ấm hơn để cùng đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Những động thái trên của Tokyo và New Delhi đã không nhận được sự chào đón từ Trung Quốc. Bắc Kinh cảnh báo Ấn Độ và Nhật Bản nên tiến tới mối quan hệ đối tác, thay vì một đồng minh để đối phó với quốc gia khác. “Chúng tôi ủng hộ các quốc gia trong khu vực tiến hành đối thoại mà không phải đối đầu, và hướng về mối quan hệ đối tác thay vì đồng minh”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết.

Vĩnh Ðông
.
.
.