Nhật Bản:

Ngăn nạn quấy rối nữ sinh nơi công cộng

Thứ Ba, 02/05/2017, 15:20
"Tôi nhớ lại thời nhỏ, không hiểu tại sao người lớn lại phấn khích khi sờ soạng tôi", Tamaka Ogawa nhớ lại. Khi đó, cô bé nghĩ không thể kể với người lớn vì sợ bị chú ý.

Hơn thế nữa, bố mẹ chưa từng trò chuyện với Ogawa về nguy cơ và cách xử lý khi gặp tình huống này. Tamaka Ogawa mới 10 tuổi khi bị quấy rối lần đầu tiên. Cô bé đang ở trên tàu điện ngầm thì bị một kẻ đứng sau kéo quần lót xuống và sờ mó.

Ogawa đẩy gã ra, khi về đến nhà, cô bé liên tục rửa chỗ bị sờ mó. Vài năm sau, vào ngày đầu tiên lên trung học, Ogawa lại bị quấy rối trên đường về nhà.

Yayoi Matsunaga và thông điệp chống quấy rối.

Tình trạng này lặp đi lặp lại suốt thời trung học, Ogawa chỉ bỏ chạy mà không biết phải làm gì. Ogawa nhớ rõ có một hôm, khi ấy cô mới 15 tuổi và đang đi tàu điện tới trường. Một gã bắt đầu sờ mó và thọc tay vào trong quần lót, khiến cô đau.

Tàu dừng lại, Ogawa vội xuống nhưng gã nọ nắm lấy tay ra lệnh "Đi theo tao". Cô bé bỏ chạy. Khi nghĩ lại, Ogawa cho rằng mọi người trên tàu đều nhìn thấy nhưng không ai giúp đỡ.

Cô cảm thấy cực kỳ nhục nhã. "Hình như gã cho rằng tôi rất thích khi gã làm vậy", Ogawa, nay đã 36 tuổi, nhớ lại. "Thời trung học, nữ sinh nào cũng bị quấy rối. Tôi cho là chúng tôi đều bất khả kháng".

Ogawa hiện là nhà văn và đồng sáng lập Press Labo, một công ty sản xuất nội dung số ở Shimokitazawa, Tokyo, thường xuất bản những thông tin về sự bất bình đẳng giới và bạo lực tình dục ở Nhật Bản.

Năm 2015, Ogawa bắt đầu viết về nạn quấy rối tình dục nữ sinh trên phương tiện công cộng đã tồn tại dai dẳng ở Nhật Bản. Nhiều nạn nhân giữ im lặng, không dám trình báo hiện tượng được coi là xảy ra như cơm bữa trong xã hội Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong hai năm qua, điều này đang dần thay đổi, khi ngày càng có nhiều người lên tiếng phản đối. Yayoi Matsunaga là một trong số đó. Một buổi sáng cuối tháng một, người phụ nữ 51 tuổi tới một quán cà phê trong khu phố nhộn nhịp ở quận Shibuya, tay xách một va li huy hiệu, in hình một nữ sinh cúi người nhìn qua hai chân về phía sau, hay một cô gái quay đầu lại lườm cảnh báo kèm dòng chữ "sờ mó là phạm tội" hoặc "chớ làm thế". Mỗi huy hiệu đi kèm một tờ rơi hướng dẫn cách cài huy hiệu lên túi xách và cách phòng tránh xâm hại tình dục.

Bà Matsunaga thành lập Trung tâm Phòng ngừa Quấy rối có trụ sở tại Osaka năm 2015, sau khi con gái thường xuyên bị sàm sỡ trên đường ngồi tàu đi học. Cô bé Takako Tonooka đã tâm sự với mẹ và cả hai mẹ con đã cố nghĩ cách ngăn chặn nạn sàm sỡ. Họ mua thú nhồi bông biết nói "Chớ làm thế", trình báo với cảnh sát và giới chức ngành đường sắt, những người hứa sẽ ra tay nếu cô bé tiếp tục bị quấy rối.

Bà Matsunaga cho biết trên tàu hỏa, họ đã dán áp phích động viên nạn nhân hãy dũng cảm và dám lên tiếng khi bị quấy rối. Tonooka bắt đầu học cách nói "Thôi đi" và "Không được". Cô bé học cách đối mặt với kẻ sàm sỡ, trong khi những người bên cạnh chỉ bàng quan đứng nhìn mà không hề giúp đỡ.

Cuối cùng, cô bé và mẹ đã nghĩ ra cách đeo huy hiệu trên cặp xách đề chữ "Sờ mó là tội ác. Tôi sẽ không bao giờ nhẫn nhục nữa", kèm ảnh cảnh sát bắt tội phạm. Cách này tỏ ra hiệu quả.

Tuy nhiên, bà Matsunaga cho biết, việc đeo huy hiệu khiến con gái bị các bạn nam trêu chọc. Vì thế, bà quyết định cô bé không nên đấu tranh một mình. Bà nghĩ cách lôi kéo sự chú ý của số đông.

"Nữ sinh trung học thích những thứ dễ thương, vì thế huy hiệu phải đẹp, in hình khả ái để thu hút các cô bé", bà nói. Tháng 11-2015, bà phát động chiến dịch kêu gọi, thu hút 334 nhà tài trợ với số tiền 19.000 USD để tổ chức một cuộc thi thiết kế huy hiệu.

Học sinh trung học, sinh viên các trường nghệ thuật, các nhà thiết kế tự do, đã gửi 441 mẫu và bà chọn ra 5 mẫu, in hàng trăm chiếc đem tặng và bán tại các cửa hàng bách hóa gần nhà ga. 

Bà Matsugana muốn những kẻ sàm sỡ từ bỏ ý định trước khi ra tay khi nhìn thấy huy hiệu. Cách làm của bà Matsunaga đã phát huy hiệu quả. Số liệu thu thập từ 70 học sinh ở quận Saitama, phía bắc Tokyo từ tháng 4 đến tháng 12-2016 cho thấy, 61% không bị sàm sỡ nữa kể từ khi đeo huy hiệu...

Nguyễn Lai
.
.
.