Nhật Bản: Tỷ lệ tội phạm thấp kỷ lục, biên chế cảnh sát vẫn tăng

Thứ Năm, 18/10/2018, 16:21
Các đường phố lộn xộn của Nhật không phải lúc nào cũng đẹp nhưng rất an toàn. Tỷ lệ tội phạm giảm trong 13 năm liên tiếp.

Tỷ lệ giết người ở đây là 0,3/100.000 người, một trong những mức thấp nhất trên thế giới. Ở Mỹ con số này xấp xỉ 4. Nhật Bản chỉ có một vụ bắn chết người trong cả năm 2015. JPT ngày 12-10 cho hay.

Truy tố những người đi xe đạp vượt đèn đỏ

Thời gian gần đây, những cảnh sát mẫn cán của thành phố Kagoshima, phía Nam Nhật Bản, chăm chú theo dõi một chiếc xe ô tô không khóa cả ngày lẫn đêm. Chiếc xe để ở bên ngoài một siêu thị, và trong xe chứa một thùng bia mạch nha. 

Cuối cùng, khi một người đàn ông trung niên đi ngang qua quyết định lấy thùng bia thì 5 cảnh sát nhanh chóng lao ra, không bỏ lỡ cơ hội bắt một trong những "tội phạm" còn sót lại của thành phố. 

Duy nhất một vụ giết người bằng súng đơn được ghi lại trong cả năm 2015. Ngay cả những tên xã hội đen yakuza (mafia) từng rất mạnh trước đây mạnh giờ cũng suy yếu vì hệ thống luật pháp cứng rắn hơn và chính chúng tuổi đã già yếu. 

Tuy nhiên, thay vì được nghỉ hưu, số cảnh sát ở quốc gia này lại đang tăng lên. Hầu hết các khu phố đều bắt buộc phải có đội tuần tra (tiếng Nhật là omawari-san). Nhật Bản có hơn 259.000 nhân viên mặc đồng phục, nhiều hơn một thập kỷ trước 15.000 người, dù lúc đó tỷ lệ tội phạm cao hơn nhiều.

Tỷ lệ tội phạm ở Nhật Bản thấp hơn so với nhiều nước phát triển.

Tỷ lệ cảnh sát/dân cư rất cao, đặc biệt là ở Tokyo, nơi có lực lượng cảnh sát đô thị lớn nhất thế giới, nhiều hơn New York 25%. Vì thế, cảnh sát ở đây mở hẳn cuộc điều tra đối với những vụ việc mà có lẽ hầu hết các nước khác coi là vặt vãnh, như ăn trộm xe đạp hay có một ít thuốc gây nghiện. 

Một phụ nữ cho biết 5 cảnh sát từng lao vào căn hộ chật hẹp của cô sau khi cô báo một chiếc quần đùi biến mất khỏi dây phơi. Năm ngoái, nguyên một nhóm thám tử từng được chỉ định để bắt giữ một nhóm 22 người trồng cần sa chỉ để tự sử dụng ở những vùng nông thôn vắng vẻ. 

Khi hết việc để làm, cảnh sát đang trở nên sáng tạo hơn khi quyết định những gì nên bị coi là phạm pháp, giáo sư Kanako Takayama của đại học Kyoto nói. 

Trong một trường hợp gần đây, cảnh sát bắt một nhóm người chia tiền thuê một chiếc xe hơi, cho việc này là hành nghề taxi bất hợp pháp, bà cho biết. Thậm chí, một số quận còn bắt đầu truy tố những người đi xe đạp vượt đèn đỏ. 

15 năm trước, cảnh sát ở thành phố Hokkaido còn "móc nối" với yakuza để băng đảng xã hội đen mang lậu súng vào đất nước rồi họ phát hiện cho đạt chỉ tiêu. 

Theo luật sư Yoshihiro Yasuda, tỷ lệ tội phạm ở Nhật thấp không phải do năng lực của cảnh sát mà chủ yếu do người dân sống có kỷ luật.

Cụ ông bị bắt vì ăn trộm một quả nho

Cảnh sát tỉnh Fukuoka, Nhật Bản, bắt một người đàn ông 73 tuổi với tội danh ăn trộm một quả nho ở cửa hàng gần nhà.

Theo Japan Today, sự việc xảy ra vào sáng 7/10 bên ngoài một cửa hàng ở thành phố Fukuoka. Nghi phạm là Nobuyuki Kaneko bị cáo buộc đi ngang qua kệ bán hoa quả, ngắt một quả nho và ăn nó. Tuy nhiên ngay sau đó, ông bị chủ cửa hàng bắt được và bàn giao cho cảnh sát.

Quả nho bị trộm được xác định có giá 55 yen (11.000 đồng), do cả chùm nho có giá 799 yen (165.000 đồng). Mức giá này có thể khá đắt ở một số nơi nhưng không phải là chuyện hiếm thấy tại Nhật Bản. 

Chủ cửa hàng đã bí mật nấp ở gần đó và theo dõi Kaneko vì khoảng nửa năm nay, ông phát hiện nhiều vỏ nho bị vứt trên vỉa hè phía trước nhà. Cảnh sát đang điều tra mối liên quan giữa nghi phạm với số vỏ nho. Nếu bị kết tội, ông Kaneko có thể phải bồi thường thiệt hại lên tới 1.000 yen (200.000 đồng).

Trái nho cụ ông đánh cắp.

Người đàn ông thất nghiệp bác bỏ các cáo buộc, nói rằng lúc đó ông "không ăn trộm". Tuy nhiên, dư luận tỏ ra không cảm thông với ông. "Ông ấy đã phí hoài tương lai tươi sáng chỉ vì một quả nho", một người bình luận. "Có tội thì vẫn là có tội, dù giá trị ăn cắp là bao nhiêu", người khác nêu ý kiến. 

"Ông ấy đã làm hỏng cả chùm nho khi ăn trộm một quả. Hãy xử phạt ông ấy", một người đồng tình. "Vụ việc cứ như trong sách giáo khoa đạo đức", một người khác viết. Việc ông Kaneko bị bắt cũng được đánh giá là xuất phát từ thói quen bóc vỏ nho của người Nhật, do các loại nho được bán ở đây có vỏ dày. 

Trường Vân
.
.
.