Nhiều bác sĩ ở các bệnh viện lớn của Ấn Độ hầu tòa vì tham gia buôn bán thận

Thứ Hai, 22/08/2016, 16:53
Năm bác sĩ, trong đó có chủ tịch hội đồng quản trị một bệnh viện tư nổi tiếng tại Ấn Độ bị bắt hôm 10-8 vì tham gia đường dây buôn thận.

Theo Reuters, những người bị bắt gồm chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc y khoa và ba bác sĩ của bệnh viện nổi tiếng Dr LH Hiranandani ở TP Mumbai. Cảnh sát Mumbai phá vỡ đường dây buôn thận bất hợp pháp này hồi tháng 7; đến nay, các bị cáo chính mới bị bắt và bị tòa tuyên án hôm 10-8.

Trước đó, cảnh sát nhận được tin báo về các vụ ghép thận diễn ra bên ngoài Bệnh viện Hiranandani do chính các bác sĩ tại đây lên lịch. Hôm 14-7, cảnh sát ập vào bệnh viện ngay giữa lúc một ca phẫu thuật ghép thận diễn ra và phát hiện hai người được phẫu thuật không phải vợ chồng như giấy tờ ghi.

Theo trang SBS, kết quả điều tra cho thấy, kẻ đứng sau những phi vụ này là một người tên Bhijendra Bisen. Bisen cùng các con buôn khác chuyên dụ dỗ những người nghèo ở bang Gujarat bán thận với giá khoảng 3.000 USD sau đó bán lại ở chợ đen để thu mức lợi khổng lồ với giá lên tới 37.000 USD.

Bệnh viện nổi tiếng Dr LH Hiranandani.

Trong hầu hết các ca mổ, người hiến và nhận thận không có mối quan hệ nào và toàn bộ thông tin, tên tuổi đều bị khai giả. Người phát ngôn của Bệnh viện Hiranandani cho biết, họ đang tiến hành điều tra nội bộ và chỉ bình luận khi hoàn tất quá trình.

Các bác sĩ đều bị kết án theo Đạo luật về cấy ghép nội tạng người ban hành năm 1994. Ông Ashok Dudhe, Phó giám đốc Sở Cảnh sát Mumbai, cho biết, họ vào cuộc sau khi nhận được kết quả điều tra của chính phủ về vụ việc.

Đến thời điểm hiện tại, có 14 người bị bắt giữ, trong đó có cả một người hiến thận, một người nhận và một số kẻ trung gian trong vụ mua bán. Một số kẻ môi giới từng bán thận của chính họ.

Đây là vụ buôn thận thứ hai bị phanh phui tại một bệnh viện danh tiếng ở Ấn Độ. Hồi tháng 6, cảnh sát cũng phát hiện vụ việc tương tự xảy ra tại Bệnh viện Indraprastha Apollo ở New Delhi.

Ấn Độ quy định chỉ những người trong gia đình được phép hiến thận và việc xin hiến phải do một hội đồng đặc biệt tại mỗi bệnh viện xét duyệt. Hiện tượng vi phạm đạo đức trong cấy ghép nội tạng ngày càng gia tăng do tình trạng khan hiếm cơ quan nội tạng tại Ấn Độ.

Tuy không có con số thống kê chính thức, nhưng các chuyên gia và tổ chức y học Ấn Độ ước tính hàng năm có 150.000 bệnh nhân chờ ghép thận, trong đó chỉ có 3.500 người chính thức được ghép.

Ước tính hiện còn đến 400.000 bệnh nhân chờ đến lượt ghép tim, gan và võng mạc tại Ấn Độ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời gian gần đây, thị trường buôn bán nội tạng bất hợp pháp đã trở nên sôi động đến mức hàng năm có tới 10.000 cơ sở bất hợp pháp hoạt động trên toàn thế giới.

Vì nghèo, nhiều đàn ông Ấn Độ phải bán thận.

Tuy nhiên, số liệu này được cho là vẫn còn thấp hơn thực tế rất nhiều. Riêng tại Ấn Độ, mỗi năm, có khoảng 2.000 người tình nguyện bán thận với mức giá 5.000USD (hơn 100 triệu đồng).

Bất chấp những cơ sở y tế lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh, nhiều người dân nghèo vẫn tìm đến con đường buôn bán nội tạng bất hợp pháp với mong muốn kiếm được chút tiền trang trải cho cuộc sống khó khăn.

Ngoài Ấn Độ, Trung Quốc cũng luôn nóng về vấn đề cấy ghép cũng như buôn bán nội tạng trái phép. Theo các báo cáo, nhiều bệnh viện tại Trung Quốc thường mổ lấy 11.000 bộ phận nội tạng từ các tử tù mỗi năm.

Tuy nhiên, giới chức nước này luôn bác bỏ những cáo buộc đó và cho biết, các bộ phận nội tạng thường được lấy từ những người hiến tặng.

Tuy nhiên, dưới áp lực của dư luận và những cáo buộc của các tổ chức nhân quyền, năm ngoái, chính phủ nước này khẳng định sẽ chấm dứt một cách toàn diện việc sử dụng tử tù như một nguồn cung cấp nội tạng phục vụ cho cấy ghép y học.

Hầu hết các nước đều cấm hoạt động buôn bán nội tạng người, một phần vì muốn đề phòng nguy cơ những người nghèo và bệnh tật bị những kẻ môi giới vô lương tâm kiếm lời từ việc khai thác các bộ phận cơ thể họ.

Trường Minh (Tổng hợp)
.
.
.