Nhiều bê bối của cha con “đại gia điện gió” ở Cà Mau

Thứ Sáu, 03/04/2020, 16:39
Tổng Giám đốc Công ty Công Lý ( đơn vị triển khai dự án nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long giai đoạn 1, Cà Mau) ông Tô Hoài Dân và con trai Tô Công Lý đều bị Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an khởi tố.

Cục Thuế tỉnh Cà Mau vừa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau, tổ chức cuộc họp giữa Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý) với các Sở, ban, ngành liên quan để làm rõ năng lực tài chính của chủ đầu tư, cũng như khả năng triển khai dự án nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long giai đoạn 1 (gọi tắt Nhà máy điện gió Khai Long)…

Hai cha con cùng bị khởi tố về hành vi lừa đảo 

Ngày 18/3/2020, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an khởi tố bị can (cho tại ngoại) đối với ông Tô Hoài Dân (SN 1961, quê Cà Mau), Tổng Giám đốc Công ty Công Lý, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng ngày ký quyết định khởi tố, Cơ quan ANĐT đã thực hiện lệnh khám xét nhà riêng của ông Dân và trụ sở Công ty Công Lý ở phường 8 (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau).

Trước đó, tháng 8/2019, Cơ quan ANĐT Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam con trai ông Dân là Tô Công Lý (SN 1984, Phó Tổng giám đốc Công ty Công Lý), để điều tra hành vi như trên.

Theo điều tra ban đầu, cha con ông Dân bị khởi tố vì có liên quan đến hành vi lừa đảo trong dự án Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau.

Công ty Công Lý thành lập ngày 10/11/2000, trụ sở chính tại đường Nguyễn Tất Thành (phường 8, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau); hoạt động đa lĩnh vực, như: Thi công xây dựng công trình; đầu tư khu du lịch sinh thái; đầu tư kinh doanh điện gió; xử lý, tiêu hủy rác không độc hại và độc hại. Khi mới thành lập, vốn điều lệ ban đầu của công ty là 7 tỉ đồng với hơn 15 cán bộ công nhân viên.

Ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty Công Lý, vừa bị Cơ quan ANĐT Bộ Công an khởi tố (cho tại ngoại).

Sau 13 năm hoạt động, đến năm 2013, Công ty Công Lý đã nâng vốn điều lệ lên 1.450 tỉ đồng. Trong đó, ông Tô Hoài Dân góp hơn 1.000 tỉ; ông Tô Công Lý góp hơn 433 tỉ. 

Năm 2010, Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau có công suất xử lý 200 tấn/ngày đêm, vốn đầu tư 329 tỉ đồng, do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2012. Công ty Công Lý được hưởng ưu đãi đầu tư 50% vốn và hỗ trợ về đất đai, thuế và chi phí xử lý rác khi được giao làm chủ đầu tư dự án này.

Trong hơn 7 năm hoạt động, nhà máy này còn được hỗ trợ chi phí xử lý rác, ứng ngân sách trước, hỗ trợ khó khăn, mượn khoảng 2,5ha đất để trữ rác...  Việc cha con ông Dân bị khởi tố do lợi dụng chính sách hỗ trợ của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, đã lập hồ sơ thanh toán, chiếm đoạt tiền Nhà nước tại một số hạng mục xây dựng không đúng. Được biết, Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau là nhà máy xử lý rác thải duy nhất của tỉnh Cà Mau.

Trước đó, giải trình các vấn đề về Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau mà đại biểu đặt ra tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Cà Mau Khóa IXvào ngày 11/7/2019, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết theo chính sách của Nhà nước là ưu đãi đầu tư, Nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư, trong đó 40% vốn là do ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh hỗ trợ 10%, 50% còn lại là vốn của nhà đầu tư.

Theo ông Hải, nhà máy hoạt động trong một thời gian thì xuống cấp, hư hỏng rất nhanh. Nhà đầu tư đã đề nghị cho dừng hoạt động để duy tu, nâng cấp lần thứ nhất. Lúc đó, theo đề nghị của nhà đầu tư, UBND tỉnh cho ứng từ nguồn tiền hỗ trợ xử lý rác là 20 tỷ đồng. 

Nhà máy tiếp tục hoạt động đến cuối năm 2017 sang năm 2018, nhà đầu tư nâng cấp, sửa chữa lần thứ 2. Nhà đầu tư tiếp tục xin tỉnh cho ứng 25 tỷ (tỉnh đã thu hồi xong) từ nguồn tiền hỗ trợ xử lý rác…

Bị can Tô Công Lý (con trai ông Dân), bị Cơ quan ANĐT Bộ Công an khởi tố, bắt giam vào tháng 8/2019.

Nợ tiền sử dụng khu vực biển

Dự án Nhà máy điện gió Khai Long (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 14/1/2016. Dự án được xây dựng trên diện tích đất liền, mặt biển trên thềm lục địa là 2.165ha, với công suất 100 MW. Tổng vốn đầu tư trước thuế đã thẩm tra là 5.519 tỉ đồng.

Ngày 24/9/2016, Công ty Công Lý tổ chức lễ khởi công dự án và đến cuối năm 2017, Công ty Công Lý và Công ty Super Wind Energy (Thái Lan) ký hợp tác thống nhất thành lập Công ty Cổ phần (CP) Super Wind Energy Công Lý 1 để triển khai, quản lý dự án. Nguồn vốn vay thực hiện dự án (85%) do Ngân hàng Bangkok (Thái Lan) hỗ trợ.

Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn UBND tỉnh Cà Mau biết biết, hiện dự án Nhà máy điện gió Khai Long đang tạm dừng các hạng mục thi công. Công ty Công Lý đang lập thủ tục xin chuyển nhà đầu tư đối với diện tích giao quyền sử dụng khu vực biển trên sang cho Công ty CP Super Wind Energy Công Lý 1, nhưng đến nay hồ sơ chưa xong.

“Ngày 19/3/2018, UBND tỉnh Cà Mau cũng có công văn về việc thay đổi nhà đầu tư như trên gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhưng đến nay chưa có văn bản phản hồi”, ông Thánh nói.

Khu vực xây dựng Nhà máy điện gió Khai Long của Công ty Công Lý hiện đang tạm dừng.

Theo văn bản của Cục Thuế tỉnh Cà Mau, năm 2016 Công ty Công Lý được Bộ TN&MT giao quyền sử dụng diện tích 1.968,8ha khu vực biển với giá thu tiền sử dụng khu vực biển là 3 triệu đồng/1ha/năm. Như vậy, ước tính số tiền sử dụng khu vực biển mà Công ty Công Lý phải nộp từ ngày 14/9/2016 đến ngày 31/12/2020 là 25,5 tỉ đồng.

Tháng 4/2019,Cục Thuế tỉnh đã ra thông báo số tiền mà Công ty Công Lý phải nộp từ ngày 14/9/2016 đến 6/4/2018 là 9,3 tỉ đồng (chưa thông báo số tiền từ 7/4/2018/31/12/2020 là 16,2 tỉ đồng).

Nhiều lần Cục Thuế tỉnh Cà Mau trực tiếp làm việc với Công ty Công Lý nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nộp tiền. Mặc dù 29/6/2017, Công ty Công Lý có tờ trình xin miễn tiền sử dụng khu vực biển đối với diện tích 1.968,8 ha trên. Sau đó,UBND tỉnh Cà Mau có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ TN&MT xin ý kiến miễn tiền sử dụng khu vực biển của Công ty Công Lý.

Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư.

Ngày 1/11/2017,Bộ TN&MT có văn bản thông báo, việc miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển chưa có quy định trong luật và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT nên việc xin miễn tiền sử dụng khu vực biển của Công ty Công Lý không được xem xét. Cục Thuế tỉnh Cà Mau cho rằng, xét về mặt pháp lý thì việc nộp tiền giao quyền sử dụng khu vực biển Công ty Công Lý vẫn phải thực hiện theo quy định đến khi có quyết định thay đổi.

Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh Cà Mau xét thấy khả năng tài chính của Công ty Công Lý hiện gặp khó khăn nên việc thực hiện nộp tiền không khả thi nếu Cục Thuế ban hành thông báo nộp tiền.

Do vậy, Cục Thuế tỉnh Cà Mau đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì phối hợp sở, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT sớm có ý kiến về các nội dung kiến nghị của Công ty Công Lý.

Đồng thời, trong thời gian chờ ý kiến của Bộ TN&MT, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức họp giữa nhà đầu tư với các Sở, ban, ngành liên quan để làm rõ năng lực tài chính, khả năng triển khai dự án trong tương lai; xác định nhu cầu sử dụng diện tích cho thuê khu vực biển và có báo cáo đầy đủ với Bộ TN&MT.

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KH&ĐT tỉnh Cà Mau cấp (đăng ký thay đổi lần thứ 18 ngày 23/09/2013) thì Công ty Công Lý có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, thành lập từ ngày 10/11/2000. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty Công Lý là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.

Cụ thể, Công ty Công Lý chuyên xây dựng dân dụng; xây dựng công trình giao thông, thủy lợi; thi công các công trình nạo vét kênh mương, làm bờ bao phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Công ty Công Lý còn đăng ký thêm các ngành kinh doanh bao gồm đầu tư khu du lịch sinh thái, đầu tư kinh doanh điện gió, các sản phẩm nhựa tái chế, xử lý rác thải, chế biến và kinh doanh phân vi sinh. Công ty Công Lý không chỉ là chủ đầu tư Nhà máy điện gió Bạc Liêu (5.200 tỷ đồng, đã đưa vào hoạt động) mà còn có Điện gió Khai Long (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) với vốn đầu tư 5.519 tỷ đồng và nhiều dự án điện gió khác ở tỉnh Sóc Trăng…

Đức Văn
.
.
.