Nhiều ngân hàng bị phạt vì vi phạm lệnh cấm

Thứ Năm, 10/08/2017, 11:37
Vì là ngân hàng hàng đầu của Pháp và đứng thứ 4 thế giới, nên việc Ngân hàng BNP Paribas bị Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phạt 246 triệu USD do không giám sát nhân viên giao dịch ngoại hối, để lọt hành vi thao túng giá giao dịch, đang gây sự chú ý của dư luận và giới chuyên môn.


Fed cho rằng, BNP Paribas đã không biết các giao dịch viên thiết lập những phòng trò chuyện điện tử bí mật để liên hệ với các đối thủ cạnh tranh và định giá giao dịch và việc này phải lập tức thay đổi. 

Đây không phải lần đầu Ngân hàng BNP Paribas bị Mỹ phạt, bởi trước đó họ mới phải chi 350 triệu USD để giải quyết vụ kiện liên quan tới các giao dịch tiền tệ bất hợp pháp lừa dối khách hàng. 

Theo cáo buộc của giới chức New York, BNP Paribas đã vi phạm nghiêm trọng trong khoảng thời gian 2007-2011, bao gồm thực hiện các giao dịch giả mạo, thao túng tiền tệ và không giám sát đầy đủ hoạt động kinh doanh ngoại hối, thả lỏng để nhân viên vi phạm, lạm dụng lòng tin của khách hàng để lấy tiền. 

Ngân hàng BNP Paribas.

Giới chức tư pháp Mỹ từng cân nhắc việc sử dụng một phần trong số tiền phạt trị giá 8,8 tỷ USD mà Ngân hàng BNP Paribas phải nộp cho Bộ Tư pháp (sau khi bị buộc tội vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với các nước Iran, Cuba và Sudan) để đền bù cho những người bị tổn hại. 

Bộ trưởng Tư pháp khi đó là ông Eric Holder từng nói: Ngân hàng BNP Paribas đã có những kế hoạch tỉ mỉ nhằm che giấu các giao dịch bị luật lệ cấm đoán và điều này vi phạm nghiêm trọng luật pháp Mỹ.

Hơn 1 tháng trước (29-6), 3 tổ chức phi chính phủ (NGO) thông báo, đã nộp đơn kiện BNP Paribas, với cáo buộc ngân hàng này "đồng lõa" trong thảm họa diệt chủng năm 1994 chống lại người thiểu số Tutsi ở Rwanda. 

Bởi theo họ, BNP Paribas đã cho phép chuyển 1,3 triệu USD cho chế độ Hutu, chỉ 1 tháng sau khi Liên Hợp quốc áp đặt lệnh cấm bán vũ khí cho Rwanda trong năm 1994. Và điều này đồng nghĩa với việc "đồng lõa diệt chủng, phạm các tội ác chiến tranh và chống lại loài người". 

Giám đốc điều hành BNP Jean-Laurent Bonnafe từng lấy làm tiếc về hoạt động sai trái trong quá khứ của họ, nhưng khẳng định việc này không ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài của BNP Paribas. 

Bộ Tài chính Mỹ cũng đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Đan Đông, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vận tải biển thống nhất toàn cầu Đại Liên và 2 công dân Trung Quốc vì đã "tìm cách phá vỡ lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên". 

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin coi đây là một phần trong nỗ lực nhằm gây áp lực tối đa đối với CHDCND Triều Tiên. Ủy ban Tài chính và Thị trường vốn của Latvia vừa quyết định phạt 2 ngân hàng Norvik Banka và Rietumu Banka với lý do "tìm cách phá vỡ lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên". 

Các vi phạm của Ngân hàng Norvik Banka diễn ra trong giai đoạn 2013-2014, còn Ngân hàng Rietumu Banka vi phạm trong thời gian 2009-2015. Vụ việc được phát hiện với sự giúp đỡ của cơ quan chức năng Mỹ và 2 ngân hàng này đã đồng ý nộp phạt lần lượt là 1,3 triệu euro và 1,6 triệu euro.

Theo hãng Bloomberg, Commonwealth Bank of Australia vừa bị Cơ quan chống tội phạm tài chính của chính phủ Australia (Austrac) kiện với cáo buộc vi phạm luật rửa tiền và chống tài trợ khủng bố lên tới 53.700 lần.

Theo đơn kiện hôm 3-8 của Austrac, các máy rút tiền mặt tự động của Ngân hàng Commonwealth (lớn nhất của Australia) đã cho phép các khoản tiền gửi vô danh chảy về tài khoản của những người nhận có thể dùng số tiền này chuyển tới các tài khoản khác hoặc chuyển ra nước ngoài. 

Ngân hàng Commonwealth.

Austrac cáo buộc ngân hàng Commonwealth không giao nộp 53.506 báo cáo sao kê giao dịch tiền mặt, chưa báo cáo những vấn đề đáng ngờ đúng lúc hoặc không báo cáo các giao dịch với tổng số tiền trị giá hàng trăm triệu AUD (tiền Australia). 

Ngân hàng Commonwealth cho biết, đang thảo luận và hợp tác đầy đủ với Austrac để giải quyết vụ kiện kể trên. Nếu các cáo buộc kể trên được chứng thực, ngân hàng Commonwealth sẽ phải nộp một khoản tiền phạt lớn. 

Hơn 3 năm trước (6-6-2014), cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande từng thuyết phục cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama giúp BNP Paribas tránh bị trừng phạt quá nặng, nhưng ông chủ Nhà Trắng đã tuyên bố, không thể làm gì bởi sẽ xâm phạm tính độc lập của ngành Tư pháp, nếu can thiệp. 

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng coi đây là vấn đề của hệ thống tư pháp, bất chấp cảnh báo của cựu Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius - nếu Washington đưa ra mức phạt nặng sẽ hủy hoại các cuộc đàm phán về tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương với Paris. 

Việc này diễn ra khi BNP Paribas phải chấp nhận nộp phạt 8,8 tỷ USD (từ 30-6-2014) và đó là khoản phạt kỷ lục đối với 1 hãng nước ngoài vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. 

Phạm Huy Anh
.
.
.