Tiếp vụ tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras:

Nhiều người bị bắt và thẩm vấn

Thứ Sáu, 06/05/2016, 15:23
Việc các công tố viên vừa tống đạt cáo buộc tham nhũng đối với chiến lược gia Joao Santana, người từng tham gia 2 chiến dịch tranh cử của Tổng thống Dilma Rousseff hồi năm 2010 và 2014, càng khiến cho vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras và chính trường Brazil thêm phức tạp. Bởi ngoài ông Joao Santana, còn có 16 đối tượng khác cũng bị cáo buộc tương tự. 


Và theo công tố viên Deltan Dallagnil, ông Joao Santana (bị bắt hồi tháng 2, từng là cố vấn cho cựu Tổng thống Lula da Silva) bị cáo buộc nhận hối lộ từ Công ty xây lắp Odebrecht và một số khoản tiền hối lộ khác trong các hợp đồng của nhiều doanh nghiệp lớn như Petrobras, Công ty đóng tàu Sete Brasil và Công ty khai thác dầu mỏ Keppel Fels thuộc Tập đoàn Keppel của Singapore.

Và điều đáng nói là cả Tổng thống Dilma Rouseff và cựu Tổng thống Lula da Silva đều bị cáo buộc có liên quan tới vụ tham nhũng ở Petrobras. Trước đó (25-4), ông Lula da Silva tuyên bố, sẽ đấu tranh chống lại "cuộc đảo chính" của phe đối lập tại Quốc hội nhằm phế truất bà Dilma Rousseff, đồng thời khẳng định Công đảng cầm quyền sẽ không thừa nhận một chính phủ không được bầu hợp pháp. Đây là tuyên bố đầu tiên của ông Lula da Silva, người sáng lập Công đảng, sau khi Hạ viện bỏ phiếu (hôm 17-4) thông qua việc xem xét luận tội Tổng thống Dilma Rousseff.

Ông Joao Santana được xem là một kiến trúc sư trong chiến dịch vận động tranh cử của đương kim tổng thống Brazil.

Theo dự kiến, thượng tuần tháng 5, Thượng viện Brazil sẽ quyết định có tiếp tục xét xử bà Dilma Rousseff hay không. Trước đó, Thượng viện đã bầu một Ủy ban đặc biệt gồm 21 thành viên làm nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ do Hạ viện trình lên, sau đó hội nghị toàn thể của Thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu trong ngày 10-5. Và chỉ cần 41/81 nghị sỹ đồng ý thông qua đề xuất phế truất, nữ Tổng thống sẽ phải rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày sau đó và Phó Tổng thống Michel Temer sẽ thay thế (theo quy định của Hiến pháp) và làm tổng thống tới ngày 31-12-2018.

Theo giới truyền thông, Phó Tổng thống Michel Temer đang tích cực chuẩn bị thành phần nội các lâm thời để tiếp quản chính phủ trong trường hợp bà Dilma Rousseff bị bãi nhiệm. Và ông Michel Temer dự định liên minh với đảng Xã hội Dân chủ Brazil (PSDB) để thành lập tân chính phủ.

Theo giới truyền thông, nhiều cuộc tuần hành quy mô lớn đã diễn ra vào ngày 28-4 tại hàng chục thành phố lớn như Sao Paulo, Rio de Janeiro, thủ đô Brasilia và họ là những người đại diện cho 2 phong trào công nhân tại Brazil là Phong trào Công nhân không Mái nhà (MTST) và Mặt trận Nhân dân không sợ hãi, đã xuống đường để phản đối tiến trình luận tội Tổng thống Dilma Rousseff do phe đối lập khởi động.

Những người biểu tình mang theo khẩu hiệu, biểu ngữ phản đối Phó Tổng thống Michel Temer (người của đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) đã chấm dứt liên minh với nữ Tổng thống từ hôm 29-3) để bảo vệ các quyền xã hội đang bị đe dọa trong trường hợp ông này lên nắm quyền, thay bà Dilma Rousseff. Việc từ chức hôm 27-4 của Bộ trưởng Y tế Marcelo Castro, càng khiến cho nội các của Tổng thống Dilma Rousseff đứng bên bờ vực tan vỡ. Bởi ông Marcelo Castro là người của PMDB.

Giới truyền thông cho rằng, vụ bê bối tham nhũng tại Petrobras cùng những hé lộ về các chính trị gia có liên quan là nguyên nhân trực tiếp khiến người dân phẫn nộ và xuống đường biểu tình trong thời gian qua. Và những động thái kể trên diễn ra sau khi Thẩm phán Tòa án Bầu cử Brazil Thereza de Assis yêu cầu (20-4) thu thập các báo cáo quyết toán trong chiến dịch bầu cử năm 2014 có liên quan tới Tổng thống Dilma Rousseff và Phó Tổng thống Michel Temer.

Trước đó, Tòa án Tối cao Liên bang cũng đã cho phép cảnh sát thu thập thông tin liên quan tới những cáo buộc tham nhũng tại Petrobras và tập đoàn này đã sử dụng tiền tham nhũng để tài trợ cho chiến dịch quảng bá tranh cử của Tổng thống và Phó Tổng thống.

Nguyên thẩm phán Tây Ban Nha Baltasar Garzon, người từng tham gia xét xử nhà độc tài Chile Augusto Pinochet năm 1999 khẳng định, Tổng thống Dilma Rousseff là nạn nhân của một "cuộc đảo chính thể chế" và những người âm mưu thâu tóm quyền lực sẵn sàng lật đổ bà bằng mọi giá.

Tổng thống Dilma Rousseff cũng vừa kiến nghị khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) theo dõi tình hình khủng hoảng chính trị ở nước này. Đồng thời đề nghị MERCOSUR có thể đình chỉ tư cách thành viên của Brazil nếu tiến trình dân chủ ở nước này bị đổ vỡ. Và khẳng định bà là nạn nhân của một vụ xét xử bất hợp pháp và sẽ không từ chức. Theo kết quả điều tra của Viện Ibope công bố mới đây cho thấy, có tới 62% người dân Brazil muốn tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn để khắc phục cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay.

Thiện Lân
.
.
.