Nhiều người mắc bẫy kẻ lừa bán vàng khuyến mãi

Thứ Tư, 19/08/2020, 11:41
Không tìm hiểu kĩ càng, cho rằng fanpage của hiệu vàng có hàng chục hàng nghìn người like là hiệu vàng uy tín, lại ham rẻ, thấy khuyến mãi lớn nên nhiều khách hàng trở thành miếng mồi ngon của kẻ lừa đảo.

Hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, cùng với nhiều ứng dụng hữu ích như chạy quảng cáo, tăng lượt like, tăng lượt theo dõi, nhiều đối tượng lập ra các trang bán vàng ảo với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để lừa đảo khách hàng. 

Không tìm hiểu kĩ càng, cho rằng fanpage của hiệu vàng có hàng chục hàng nghìn người like là hiệu vàng uy tín, lại ham rẻ, thấy khuyến mãi lớn nên nhiều khách hàng trở thành miếng mồi ngon của kẻ lừa đảo.

Muôn kiểu lừa đảo

Mới đây một nhóm 33 đối tượng đã dùng thủ đoạn trên để lừa đảo hơn 18.000 nạn nhân, chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng. Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 4 bị can chủ chốt trong đường dây gồm: Nguyễn Phi Hùng (SN 1997), trú tại xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An; Nguyễn Văn Thành (SN 2002), trú tại xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình; Nguyễn Đăng Thịnh (SN 1998), trú tại phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình và Phạm Văn Hoàng Anh (SN 1996), trú tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. 

Khoảng đầu tháng 2-2020, Nguyễn Phi Hùng tham gia vào đường dây chạy quảng cáo chương trình tặng 1 chỉ vàng tri ân khách hàng và thu phí từ 300.000 đồng - 400.000 đồng/ trường hợp.

Sau khi làm một thời gian, qua tìm hiểu Hùng biết đây là thủ đoạn lừa đảo khách hàng, và biết các đối tượng đã giao dịch thành công thu về khoảng 12 tỷ đồng từ cách làm này.

Nhận thấy thủ đoạn lừa đảo kiểu này dễ đánh vào tâm lý khách hàng, nhanh chóng thu lợi cao nên Hùng cũng học “mót” và lên ý tưởng chạy quảng cáo chương trình tặng vàng, và lấy tên Tập đoàn vàng Bảo Minh do tự Hùng nghĩ ra.

Cuối tháng 5-2020, Hùng lập ra các trang: “Tập đoàn tiệm vàng Bảo Minh”; “Tặng miễn phí nhẫn vàng 9999”; “Vàng Bạc Đá Quý” để giới thiệu chương trình tặng vàng.

Hùng móc nối với Nguyễn Ngọc Quang là người hiểu biết về lập trình mạng chạy các trang quảng cáo rủ cùng làm, Quang rủ thêm Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Đăng Thịnh cùng tham gia.

Cơ quan Công an thu giữ tang vật trong vụ “Tập đoàn tiệm vàng Bảo Minh” lừa bán vàng giả.

Hùng giao cho Quang chạy quảng cáo, tìm địa điểm mở văn phòng, kho hàng, tuyển nhân viên và thỏa thuận chia cho Quang 30% lợi nhuận, sau đó thỏa thuận trả lương cho Quang và Thành 15 triệu đồng/ tháng. Hùng chuyển tiền cho Quang 75 triệu đồng để thuê nhà, mua bàn ghế, máy tính, điện thoại, lắp đặt hệ thống đường truyền mạng internet... còn Thành chịu trách nhiệm quản lý kho hàng.

Sau đó các đối tượng phân công nhiệm vụ Hùng và Quang chạy quảng cáo trên các trang Facebook đã lập, đăng bài quảng cáo và tuyển dụng các nhân viên tư vấn, trong đó chủ yếu là các sinh viên tại một số trường đại học, hiểu biết về công nghệ thông tin, có nhu cầu làm thêm để gọi, nghe điện tư vấn cho khách hàng theo kịch bản đã soạn sẵn “Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập vàng bạc đá quý Bảo Minh, cửa hàng dành tặng 10 nhẫn vàng 24k cho 10 khách hàng may mắn nhất, mỗi nhẫn vàng trọng lượng 2 chỉ, trị giá 9.980.000 đồng”.

Khi khách hàng quan tâm, tìm hiểu thì các tư vấn viên sẽ dụ dỗ nói họ là một trong 10 người may mắn được nhận quà tặng và để được nhận quà tặng thì sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân tương đương 10% giá trị quà tặng. Tuy nhiên Tập đoàn sẽ hỗ trợ một phần thuế, và yêu cầu khách hàng chỉ phải nộp một phần thuế (từ 2% đến 4% giá trị quà tri ân), vào khoảng 300.000 đồng – 400.000 đồng.

Với thủ đoạn “tri ân” khách hàng kiểu này, ước tính mỗi chiếc nhẫn vàng giả trị giá từ 15.000 đến 20.000 đồng, nhưng nhóm đối tượng này đã thu của mỗi người từ 300.000 đến 400.000 đồng, nếu muốn nhận 2 chỉ vàng “tri ân” khách hàng. 

Số nhẫn vàng “tri ân” đều do Hùng đặt mua trên mạng, là hàng mỹ ký, có số lượng lên tới 40.000 chiếc. Phiếu bảo hành, phiếu kiểm định và dấu dập “Tập đoàn tiệm vàng Bảo Minh” cũng do Hùng và Thành tự đặt làm qua mạng Zalo để làm phương tiện lừa đảo khách hàng.

Ngoài vụ lừa đảo này, hiện nay, chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “vàng non”, “vàng non 18K” sẽ có hàng ngàn shop online kinh doanh xuất hiện. Kèm theo đó là những lời mời chào mua nhẫn, dây chuyền, lắc tay… làm từ vàng non nhìn rất bắt mắt.

Nhiều chủ một shop trang sức liên tục livestream (quay clip trực tiếp) giới thiệu các mẫu sản phẩm vàng Tây thấp tuổi 10K, dây chuyền đuôi phụng có giá niêm yết 650.000 đồng/dây. Nhân dịp khai trương thêm chi nhánh mới, chủ cửa hàng này quảng cáo sale mạnh tay nên giảm chỉ còn 199.000 đồng/dây; nếu khách mua hai dây, chỉ phải trả 350.000 đồng.

Cùng với mức giá siêu rẻ, khách hàng còn được tặng kèm một chỉ vàng Tây 10K loại nhẫn tròn trơn có dập khắc ký hiệu 9999. Thậm chí có những bộ sản phẩm được quảng cáo là siêu phẩm gồm 6-7 vòng vàng loại 18K nhưng giá chỉ 450.000-650.000 đồng/bộ. Đáng chú ý, không chỉ bán với giá siêu rẻ, các shop kinh doanh trang sức vàng non trên mạng còn cam kết hàng chất lượng cao, dùng thoải mái không lo bị đen, xỉn, bay màu và dị ứng da như hàng kém chất lượng.

Các đối tượng chủ mưu lập “Tập đoàn tiệm vàng Bảo Minh” để lừa đảo.

Đừng tự biến mình thành nạn nhân chỉ vì tham rẻ

Trước đó, đầu tháng 3-2020, 1 video quay lại cảnh tranh cãi giữa hai vợ chồng và một shipper giao hàng khiến cư dân mạng dậy sóng. Theo đó, hai vợ chồng này đặt mua vàng qua mạng vì thấy rẻ, có giấy cam kết vàng thật nhưng lại thấp hơn giá thị trường. 

Sau khi nhận hàng, cả hai mang ra tiệm bán lại mới phát hiện toàn bộ trang sức mình mua là vàng giả. Sau đó cặp vợ chồng này đặt thêm một đơn hàng nữa. Khi shipper giao đến cổng thì cả hai lập tức… bắt đền shipper và còn gọi Công an đến. 

Mặc dù shipper đã giải thích chỉ giao hàng theo đơn của bưu cục và bưu cục không nhận giao vàng thật bao giờ nhưng đôi vợ chồng vẫn quyết bắt anh này phải chịu trách nhiệm. Sau đó, Công an đã phải ngồi giải thích quy trình nhận hàng của các bưu cục chuyển phát nhanh để “giải vây” cho anh shipper.

Chị Đỗ Hồng Vượng, chủ 1 tiệm vàng thị trấn Đông Anh, Hà Nội cho biết, tiệm vàng chị nhiều lần gặp khách đến bán vàng giả, vàng mỹ kí. Khi được hỏi nguồn gốc sản phẩm thì họ đều nói mua trên mạng và được khuyến mãi giá rẻ. “Không tin tưởng cửa hàng, họ lại mang đi hàng khác. Nhưng chắc chắn không bán được vì là vàng giả. 

Thị trường trang sức có nhiều sản phẩm được làm từ vàng 10K, tuy nhiên mua bán qua online thì không ai có thể đảm bảo đúng tuổi vàng của sản phẩm. Hơn nữa, không có chuyện vàng nữ trang được giảm giá khủng vì giá vàng được tính theo thời điểm khách hàng mua cộng với tiền công. 

Trong đó, chỉ tính riêng tiền công chế tác một sợi dây chuyền, lắc tay kiểu truyền thống đã tốn 100-300.000 đồng/sản phẩm. Do đó, không thể có chuyện một bộ sản phẩm gồm cả bông tai, lắc tay, dây chuyền, nhẫn… được chế tác tinh xảo, kỳ công, gắn đá mà chỉ có vài trăm ngàn đồng”, chị Vượng cho biết.

Cảnh giác với lời mời chào mua bán vàng non trên mạng.

Không chỉ lừa đảo khách hàng bằng chiêu bán vàng non 10k, 18k, nhiều đối tượng còn tinh vi hơn khi dùng thủ đoạn chạy chương trình quảng cáo tri ân khách hàng, khách hàng được giới thiệu sẽ nhận quà là 1 chỉ vàng 24K nếu chuyển khoản trước cho công ty số tiền thuế để nộp lại cho nhà nước hay phí vận chuyển từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng là nhận được hàng. 

Với điều kiện đơn giản như thế, không ít khách hàng đã mắc bẫy “chiêu trò” này và thanh toán phí vận chuyển với mức nêu trên cho dù mức giá vận chuyển thông thường chỉ khoảng từ 15.000-30.000 đồng. Chỉ sau khi kiểm tra, khách hàng đều phát hiện ra các “món quà” chỉ là hàng giả, hàng nhái, hầu như không có giá trị sử dụng.

Theo Thượng uý Trịnh Công Anh, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, hiện nay việc điều tra làm rõ các vụ lừa đảo qua mạng gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Đối với những vụ việc mua bán có sản phẩm thật thì chỉ là giao dịch dân sự, khó xử lý hình sự các đối tượng. 

Vì vậy, người dân cẩn thận với các giao dịch mua bán, vay mượn, chuyển tiền liên quan mối quan hệ, cơ sở kinh doanh chỉ quen biết qua mạng xã hội. Ngay những tài khoản là người thân cũng phải đề phòng. Vì rất có thể những tài khoản này đã bị các đối tượng phạm tội chiếm quyền sử dụng, giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để tránh mắc bẫy các đối tượng lừa đảo, người dân không nên ham rẻ mà mua trang sức cũng như các mặt hàng đắt tiền qua mạng xã hội. Để mua sản phẩm bảo đảm chất lượng, mọi người nên mua tại các cơ sở uy tín, có địa chỉ rõ ràng, kinh doanh lâu năm. Nếu mua qua mạng nên lựa chọn những trang thương mại điện tử uy tín, có chủ sở hữu rõ ràng để có cơ sở giải quyết những vấn đề phát sinh.

Hiền Trâm
.
.
.