Nhiều nước cảnh báo nguy cơ tấn công mạng

Thứ Tư, 06/09/2017, 15:37
Tuyên bố thượng tuần tháng 9 của Chính phủ Na Uy và Đức đang thu hút sự chú ý của dư luận bởi đề cập tới lĩnh vực được cả thế giới quan tâm - tấn công mạng.


Mặc dù không có dấu hiệu cho thấy có bất kỳ thế lực nào tìm cách tác động tới kết quả cuộc bầu cử sắp tới, nhưng Chính phủ Na Uy vẫn quyết định siết chặt an ninh mạng trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 11-9 nhằm ngăn chặn nguy cơ can thiệp từ bên ngoài.

Theo đó, an ninh của các hệ thống công nghệ thông tin được nâng cấp, và ngoài việc hệ thống máy tính sẽ tiến hành kiểm phiếu như bình thường, tất cả các lá phiếu còn phải được đếm bằng tay ít nhất một lần.

Về phần mình, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên tạp chí Spiegel, Giám đốc Cục An ninh công nghệ thông tin Liên bang Đức (BSI), ông Arne Schoenbohm cho biết, bên cạnh việc đánh cắp dữ liệu nhạy cảm của các ứng cử viên và đảng phái tham gia tranh cử lần này, mối đe dọa lớn nhất chính là thủ phạm có thể sẽ tấn công hệ thống công nghệ thông tin được sử dụng trong quá trình diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Đức vào ngày 24-9.

Ông Arne Schoenbohm.

Ông Arne Schoenbohm cảnh báo, bọn tội phạm có thể ngấm ngầm làm suy yếu lòng tin của cử tri bằng cách truyền bá thông tin và tin đồn sai lệch bất thường. Đồng thời đặc biệt quan ngại khả năng có thể dẫn tới những nghi ngờ đối với tính minh bạch và hợp pháp của cuộc bầu cử.

Giám đốc BSI cũng không loại trừ việc các dữ liệu bị tin tặc đánh cắp từ năm 2015 có thể được công bố trước cuộc tổng tuyển cử hoặc các cuộc tấn công mạng mới nhằm vào các cơ sở công cộng từ nay tới khi diễn ra cuộc bầu cử.

Giới chức Đức từng khuyến cáo, nước này đang là mục tiêu lớn của các hoạt động do thám và tấn công mạng từ nước ngoài.

Trước đó, Giám đốc Cơ quan mạng liên bang Jochen Homann đã kiến nghị và chính quyền Đức ra lệnh cấm sử dụng búp bê "My Friend Cayla" (Bạn tôi Cayla) có kết nối với internet vì nó có thể trở thành “thiết bị do thám”. Búp bê tương tác Cayla có thể ghi âm câu hỏi và tin tặc hay gián điệp có thể kiểm soát để bí mật do thám.

Ngân hàng Trung ương Ukraine (NBU) từng cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công mạng nhân dịp Quốc khánh nước này (24-8).

NBU đang xúc tiến thành lập Trung tâm bảo vệ tin học (CSIRT-NBU) nhằm kịp thời phản ứng và trao đổi thông tin trực tuyến giữa các ngân hàng và cơ quan bảo vệ pháp luật. Đồng thời hợp tác với các ngân hàng, CERT-UA và các đơn vị chức năng của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và Cảnh sát Quốc gia để đối phó với nguy cơ bị tấn công mạng.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng cảnh báo về tình trạng cực đoan hóa và tội phạm trong không gian mạng là những mối đe dọa an ninh đang ngày càng gia tăng đối với Liên minh châu Âu (EU).

Ủy viên châu Âu phụ trách về an ninh Julian King từng khuyến báo, EU phải tăng cường khả năng phòng thủ chống lại các cuộc tấn công mạng vốn lợi dụng sự phụ thuộc của thế giới hiện đại vào mạng Internet và các thiết bị di động.

Theo ông Julian King, các vụ tấn công mạng ngày càng có chiến lược hơn vì chúng gây nguy hại tới hạ tầng quan trọng.

Được biết, EU sẽ chi 10,8 triệu euro cho 14 quốc gia thành viên để tăng cường lực lượng ứng phó về mạng. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO phải tăng cường bảo vệ an ninh mạng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định nâng cấp đơn vị Chỉ huy mạng thành Bộ Tư lệnh an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng. Với quyết định này, Bộ Tư lệnh an ninh mạng là một đơn vị độc lập, không liên quan tới Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), động thái nhằm phát triển vũ khí mạng để ngăn ngừa và đối phó với tấn công mạng. Và nhiệm vụ chính của Bộ Tư lệnh an ninh mạng là tập trung vào các chiến dịch chiến tranh mạng nhằm vào IS và nhiều đối thủ khác. 

Kế hoạch trên từng được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter trình lên cựu Tổng thống Barack Obama năm 2016, trong đó cho phép đơn vị Chỉ huy mạng có một trụ sở độc lập và tách khỏi NSA. 

Thị trưởng thành phố New York (Mỹ) Bill de Blasio cũng quyết định thành lập Bộ chỉ huy An ninh mạng New York, với nhiệm vụ điều phối các hoạt động phòng thủ an ninh mạng trên toàn thành phố và đối phó trước các vụ tấn công mạng. 

Theo đó, Bộ chỉ huy An ninh mạng New York có nhiệm vụ đảm bảo các cơ quan trong thành phố đều tuân thủ mọi chính sách và tiêu chuẩn về an toàn thông tin, giảm thiểu tối đa các mối đe dọa tấn công mạng và đánh giá những khoản chi tiêu liên quan đến an ninh mạng. Đồng thời phối hợp với các cơ quan nhà nước và liên bang để giám sát, đối phó với những hành vi khả nghi hay các vụ vi phạm hữu quan. 

Quốc Dũng
.
.
.