Nhiều nước mạnh tay xử lý người tung tin giả

Thứ Bảy, 05/10/2019, 12:12
Ngày 2-10, Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến của Singapore chính thức có hiệu lực. Theo đó, các cá nhân vi phạm có thể chịu mức phạt lên tới 100.000 SGD (hơn 72.000 USD) hoặc ngồi tù tới 10 năm hoặc cả hai. Ngoài Singapore, hiện nhiều quốc gia cũng đang mạnh tay xử lý những người tung tin giả lên mạng.


Theo văn bản luật được Quốc hội Singapore thông qua hồi tháng 5-2019, luật được áp dụng đối với các nền tảng mạng xã hội, các cổng tin tức, các nền tảng như nhóm chat, thảo luận trực tuyến. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng mà luật nhắm tới là các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter vốn bị chỉ trích về vấn nạn tin giả trong nhiều năm gần đây do cơ chế giám sát lỏng lẻo.

Luật mới định nghĩa tin giả đi ngược lại lợi ích cộng đồng là tin gây tổn hại đến an ninh của đất nước hoặc một khu vực của Singapore; gây tổn hại đến sức khỏe, an toàn và sự ổn định cộng đồng, tài chính công của đất nước; gây tổn hại đến mối quan hệ hữu nghị của nước này với các nước khác.

Tin giả cũng bị xem là đi ngược với lợi ích cộng đồng nếu được lan truyền để gây tác động đến kết quả tổng tuyển cử, bầu cử bổ sung, bầu cử tổng thống, trưng cầu dân ý; hoặc gây kích động hận thù giữa các nhóm cộng đồng trong xã hội ở Singapore; hoặc gây suy giảm niềm tin của công chúng vào sự thi hành nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan công quyền.

Theo luật mới, các bộ trưởng Singapore liên quan có quyền xác định thông tin nào trong lĩnh vực mà họ quản lý là sai sự thật trên các mạng xã hội. Hai điều kiện để các cơ quan quản lý Singapore can thiệp, đó là thông tin đăng trên một nền tảng mạng xã hội được xác định là tin giả và tin giả này đi ngược lại lợi ích cộng đồng.

Khi phát hiện tin giả (tuyên bố, bài viết sai sự thật) như vậy trên các mạng xã hội, các nhà quản lý Singapore có quyền yêu cầu người dùng mạng xã hội liên quan đăng "cải chính" bên cạnh tin giả. Nếu không tuân thủ yêu cầu này, họ có thể bị phạt lên đến 20.000 đô la Singapore hoặc tối đa 12 tháng tù hoặc cả hai.

Người lan truyền tin giả với dụng ý xấu, gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích cộng đồng có thể đối mặt với bản án 10 năm tù. Tuy nhiên, các cá nhân vô tình chia sẻ các tin giả trên MXH vì không biết đó là tin giả được miễn trừ trách nhiệm pháp lý.

Các cơ quan quản lý Singapore cũng có quyền yêu cầu các công ty mạng xã hội đăng cải chính bên cạnh tin giả hoặc gỡ bỏ tin trong các trường hợp nghiêm trọng hoặc khẩn cấp. Họ cũng có quyền yêu cầu các công ty mạng xã hội gỡ bỏ các tài khoản giả hay các phần mềm tự động được sử dụng để lan truyền tin giả. Nếu không tuân thủ, các công ty mạng xã hội có thể bị phạt lên đến 1 triệu đô la Singapore.

Luật mới cho phép người dùng mạng xã hội khiếu nại yêu cầu hủy bỏ quyết định của các bộ trưởng Singapore liên quan nếu họ cho rằng tin họ đăng không phải là giả. Trong trường hợp các bộ trưởng liên quan bác bỏ khiếu nại, người dùng mạng xã hội vẫn có thể kiện ra tòa án, cơ quan phân xử cuối cùng để quyết định xem đó có phải là tin giả hay không.

Với các hình phạt nghiêm khắc đặt ra trong đạo luật mới, người dùng mạng xã hội ở Singapore từ nay sẽ phải cẩn thận trước khi viết điều gì chưa rõ ràng hoặc chia sẻ thông tin nào đó. Tất nhiên, với những người đăng tin giả đi ngược lại lợi ích cộng đồng nhưng chưa đến mức nghiêm trọng và không có dụng ý xấu thì họ có thể chỉ bị buộc phải đăng cải chính bên cạnh tin giả của họ.

Song họ không phải là người có quyền quyết định. Nếu các cơ quan quản lý vẫn cho rằng họ đăng tin giả, gây tổn hại lợi ích với dụng ý xấu, họ phải mất thời gian khiếu nại, khiếu kiện và nếu không thành công, họ có thể bị truy tố hình sự. Luật mới sẽ khiến các công ty mạng xã hội sẽ phải tăng cường nhân lực để đăng các cải chính bên cạnh tin giả hoặc gỡ bỏ chúng theo yêu cầu của các cơ quan quản lý.

Ngoài Singapore, hiện nhiều chính phủ trên thế giới đã có những biện pháp quyết liệt để đối phó với tình trạng tin giả, quy định những khoản tiền phạt lên đến hàng chục triệu USD đối với các nền tảng công nghệ khổng lồ như Google hay Facebook nếu không cho phép người dùng khiếu nại về nội dung kích động thù hận và tin giả, hoặc từ chối loại bỏ những nội dung bất hợp pháp.

Ở Philippines, đích thân Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã có những hành động mạnh tay đối với những tờ báo thuộc sở hữu của nước ngoài cũng như các trang mạng xã hội trên Facebook, những tổ chức mà nhà lãnh đạo Philippines cho là chuyên phao và lan truyền tin giả chống lại chính quyền.

Tại Malaysia, Luật Chống tin tức giả ban hành vào năm 2018 đã hình sự hóa tội tung tin giả trên mạng với mức hình phạt lên đến 6 năm tù. Còn ở Đức, các trang mạng xã hội này sẽ có thời hạn 24 giờ để xóa bỏ các nội dung bị cấm, nếu không sẽ bị phạt tới 50 triệu Euro.

 Trung Quốc thì không cho phép bất cứ mạng xã hội nào của nước ngoài được hoạt động, thay vào đó, Bắc Kinh hối thúc các công ty công nghệ của nước này sáng tạo và đưa vào sử dụng các mạng xã hội riêng vừa để kiểm soát an ninh mạng vừa coi đó là biện pháp hạn chế tin giả.

Mạnh tay hơn là nước Nga, chính quyền có thể khóa các trang điện tử không đáp ứng các yêu cầu xóa bỏ những nội dung sai lệch và cá nhân có thể bị phạt hơn 8.000 USD vì phát tán và lan truyền tin giả trực tuyến vi phạm nghiêm trọng tới trật tự công cộng.

Quý Đức
.
.
.