Nhiều nước trở thành "thiên đường trốn thuế"

Thứ Năm, 21/02/2019, 19:20
Theo thông cáo do Bộ Ngoại giao Panama vừa phát đi, nước này phản đối việc EU đưa bổ sung Panama vào danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ gây nguy cơ cao cho "lục địa già" trong cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Quyết định triệu hồi Đại sứ Panama tại Liên minh châu Âu (EU) Miguel  Verzbolovskis về nước của Chính phủ Panama để tham vấn sau khi nước này bị EU tái đưa trở lại danh sách đen "thiên đường trốn thuế" đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi đây không phải lần đầu tiên Panama bị liệt vào danh sách đen "thiên đường trốn thuế". 

Theo thông cáo do Bộ Ngoại giao Panama vừa phát đi, nước này phản đối việc EU đưa bổ sung Panama vào danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ gây nguy cơ cao cho "lục địa già" trong cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Do đó, Chính phủ Panama sẽ triệu đại diện của mình tại EU về nước và thông báo các bước đi tiếp theo trong 30 ngày tới. 

Vẫn theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Panama, việc triệu hồi Đại sứ Miguel Verzbolovskis để tham vấn còn nhằm mục đích thiết lập kênh liên lạc với Ủy ban châu Âu (EC) và tiếp tục nỗ lực để kênh liên lạc này có thể làm sáng tỏ những mối lo ngại của họ. 

Chính phủ Panama cho rằng, toàn bộ quá trình thiết lập danh sách nói trên là không "rõ ràng" vì nước này chưa bao giờ được tham vấn về vấn đề kể trên và việc đưa Panama vào danh sách đen là không phù hợp với mối quan hệ song phương và thương mại gần gũi giữa quốc gia này với EU. Panama kêu gọi EC xem xét lại biện pháp "không công bằng" kể trên.

Liên minh châu Âu bổ sung 3 cái tên vào danh sách thiên đường thuế.

Cùng thời điểm Panama đưa ra phản ứng của mình, Saudi Arabia cũng lấy làm tiếc về quyết định của EC, khi liệt quốc gia này vào danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ gây ra mối đe dọa cho EU. 

Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan nhấn mạnh, cam kết của nước này trong việc ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố là ưu tiên chiến lược và họ sẽ tiếp tục phát triển cũng như cải thiện khung pháp lý và quy định để đạt được mục tiêu này. 28 quốc gia thành viên EU có từ 1 đến 2 tháng để thông qua danh sách do EC đưa ra. EU có thể bác đề xuất của EC, nếu đa số các nước thành viên phản đối. 

Theo giới truyền thông, EC mới bổ sung 7 quốc gia, trong đó có Panama và Saudi Arabia, vào danh sách đen "thiên đường trốn thuế" do tình trạng kiểm soát lỏng lẻo các hành vi tài trợ khủng bố và rửa tiền. 

Động thái kể trên của EC đã vấp phải chỉ trích từ 1 số quốc gia EU do lo ngại việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ kinh tế của họ với các nước bị liệt vào danh sách đen. 

Bởi ngoài việc gây tổn hại uy tín, các nước bị EC liệt vào danh sách đen sẽ khiến hệ thống ngân hàng của EU sẽ phải tiến hành kiểm tra bổ sung những khoản thanh toán liên quan tới các thực thể từ những chính quyền bị đưa vào "tầm ngắm".

EU bổ sung Saudi Arabia và Panama vào danh sách đen rửa tiền.

Ý tưởng lập một danh sách chung của EU về các "thiên đường trốn thuế" được khởi xướng gần 3 năm trước (tháng 4-2016), sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama", trong đó Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phanh phui hệ thống trốn thuế quy mô thế giới. 

Ngoài ra, EU cũng nhất trí về các biện pháp mới để buộc các kế toán và ngân hàng báo cáo về kế hoạch nhằm giúp các công ty chuyển lợi nhuận sang các nước có mức thuế thấp. Bộ trưởng Tài chính Bulgaria Vladislav Goranov cho biết, EU đã thông qua các quy định mới, theo đó những thông tin về kế hoạch trốn thuế sẽ được chia sẻ giữa 28 nước thành viên. 

Gần 1 năm trước (13-3-2018), các Bộ trưởng Tài chính EU đã đưa Bahamas, Quần đảo Virgin thuộc Mỹ và Liên bang Saint Kitts và Nevis vào danh sách đen. Hơn 1 năm trước (tháng 12-2017), EU đã liệt 17 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách đen, trong khi 45 quốc gia và vùng lãnh thổ bị đưa vào "danh sách xám" sau khi nhận được nhiều thông tin tiết lộ các kế hoạch trốn thuế lớn của nhiều công ty và cá nhân giàu có. 

Trong số các nước bị đưa vào "danh sách xám" dư luận quan tâm tới Thụy Sĩ. Bởi hơn 4 tháng trước (1-10-2018), phiên điều trần tại Nghị viện châu Âu về chủ đề "Thụy Sĩ và thuế" cho thấy, vẫn còn những ngờ vực đáng kể đối với quốc gia Trung Âu trong lĩnh vực này. 

Tới đầu năm 2019 Thụy Sĩ thậm chí có thể bị liệt vào danh sách đen, nếu nước này không cải thiện tình hình. Được biết, Thụy Sĩ sẽ trưng cầu ý dân về cải cách thuế sớm nhất vào ngày 19-5-2019. 

Gần 4 tháng trước (30-10-2018), Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã thông qua điều luật mới về chống rửa tiền và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động khủng bố. Đây được coi là bước đi để đưa luật pháp của UAE đến gần hơn các tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ và ngăn chặn các dòng tiền phi pháp. Bởi theo điều luật mới, UAE sẽ thành lập 1 ủy ban để tìm kiếm và đánh giá các rủi ro, cũng như tính hiệu quả của nỗ lực chống rửa tiền và cung cấp tiền cho khủng bố tại các thể chế tài chính.
Nhiệm Bình
.
.
.