Nhiều phụ nữ Venezuela trốn ra nước ngoài bị sập bẫy mafia

Thứ Năm, 02/05/2019, 11:51
Rất nhiều người trong số họ từng là giáo sư, tiến sĩ, giáo viên, bác sĩ và có cả kỹ sư dầu khí. Họ tới Colombia với tấm bằng trên tay, hy vọng ở bên kia biên giới họ sẽ kiếm được một công việc khá hơn đủ để nuôi sống gia đình, vậy mà công việc duy nhất là bị ép bán dâm.


Không có lựa chọn khác tốt hơn

Tình trạng nhập cư bất hợp pháp tại Colombia khiến những phụ nữ này khó tìm được một công việc an toàn. Vì thế, họ bị đẩy vào ngành thương mại tình dục nguy hiểm và bất ổn. 

Điều tra cho thấy một số người cũng buôn lậu hàng cấm sang Colombia, nơi chúng sẽ được bán với giá cao hơn, do đồng tiền Venezuela tụt dốc. Dù hỏi 2 hay 10 người phụ nữ ở đây thì họ đều có chung một câu trả lời duy nhất rằng họ không có lựa chọn nào khác tốt hơn và chính cuộc khủng hoảng trầm trọng tại Venezuela đã đẩy họ đến bước đường này. 

Những người phụ nữ chia sẻ về cảm giác bất lực, đau đớn khi bị lừa phải dấn thân vào con đường thương mại tình dục. Đồng thời, họ cũng thừa nhận lựa chọn của họ rất hạn chế khi họ không có giấy phép thông hành hợp pháp để rời Venezuela trong thời gian dài. 

Một cuộc điều tra của Sky News về ngành thương mại tình dục ở thị trấn Cúcuta, Colombia, cho thấy một lượng lớn phụ nữ Venezuela đang làm việc trong các câu lạc bộ và trên các đường phố tại đây. Trong một nhà thổ có 60 phụ nữ thì 58 người đến từ Venezuela và chỉ hai người là từ Colombia.

Những người phụ nữ nói rằng họ không có lựa chọn khác tốt hơn.

"Tôi sẽ từ bỏ việc này nếu có lựa chọn khác. Đây là một công việc đáng xấu hổ nhưng tôi còn lựa chọn nào đâu?", một phụ nữ đã có hai con, từng là diễn viên múa ballet và kinh doanh ở quê nhà, nói. "Tôi phải kiếm tiền chăm con và cho chúng ăn. Ở Venezuela chẳng có gì. Cách duy nhất để có thức ăn trên bàn cho bọn trẻ là đến Colombia và bán thân". 

Một phụ nữ khác có con 1 tuổi cho hay cô từng là thợ làm tóc trước khi chạy trốn qua biên giới để tìm cơ hội mới. "Nếu mọi thứ ở Venezuela tốt hơn, tôi muốn mở cửa hàng riêng. Nhưng chẳng có gì tốt hơn cả. Tôi làm điều này vì tôi phải làm. Tôi không dùng ma túy, không bia rượu. Tôi chỉ làm việc này. Nếu tôi có thể làm gì tốt hơn thì tôi sẽ làm và dừng ngay việc này lại", cô nói.

Trên các con phố ở thị trấn Cucuta, đâu đâu cũng thấy người dân Venezuela cố gắng làm việc để hi vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tại đây, họ không có nhà ở cũng chẳng có tiền để đi thuê trọ nên chỉ đành nằm ngủ trên các vỉa hè. 

Gabriel Sanchez, chủ một nhà thổ ở Arauca, một thị trấn biên giới của Colombia và Venezuela chia sẻ về công việc của anh hiện tại như sau: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, trong một môi trường mà từ bé, tôi chỉ thấy súng, ma tuý, gái điếm… Dù có lúc tôi muốn giã từ tất cả để sống một cách yên ấm với gia đình nhưng dường như đó là số phận của tôi…”. 

Gabriel Sanchez là chủ một nhà thổ với hơn 20 nhân viên làm việc cho anh, và anh khẳng định rằng cả 20 người này đều đến từ Venezuela.

Một phụ nữ Venezuela ngồi ngoài văn phòng nhập cư Ecuador ở biên giới với Colombia.

Nỗi lo cơm áo

Chị Dayana, 30 tuổi và đã có 3 đứa con ở Venezuela; tình hình ngày càng khó khăn buộc chị phải sang Colombia để kiếm việc làm nhưng do không xin được giấy phép lao động nên chị phải hành nghề mại dâm ở thị trấn Arauca.

Khi còn ở Venezuela, Dayana từng là quản lý của một nhà máy xử lý thực phẩm bên ngoài thủ đô Caracas, nhưng kinh tế ngày càng khó khăn và Chính phủ Venezuela đã quyết định đóng cửa nhà máy. Cách đây 7 tháng, chị còn làm ở thủ đô Bogota nhưng để dễ dàng gửi thức ăn và tiền cho gia đình, chị đã chuyển tới thị trấn hiện tại, chỉ cách biên giới nửa tiếng đi ôtô. 

Chị chia sẻ: “Tuần trước, em gái tôi từ Venezuela sang đây để lấy đồ ăn và tiền về, nó phải đi mất 18 tiếng xe bus mới tới nơi và phải quay về ngay, nếu không sẽ không kịp có đồ ăn cho bọn trẻ đi học…”. Tại Bogota, cảnh sát mới đây đã khui ra một đường dây ép trẻ em làm nô lệ tình dục, có 30 bé đến từ Venezuela.

Ít nhất 2,5 triệu người đã chạy trốn khỏi Venezuela, tức 5.000 người vượt biên mỗi ngày. Hầu hết họ tìm đường sang Colombia hoặc Brazil, trong khi những người khác đến các nơi xa hơn như Ecuador, Peru và Mỹ. Dòng người tị nạn gây ra căng thẳng giữa các nước láng giềng. 

Tại Brazil, binh sĩ đã được triển khai để bảo vệ các trại tị nạn sau khi một khu trại bị người dân địa phương phóng hỏa mới đây. Colombia cũng tăng cường an ninh ở biên giới để đối phó với dòng người nhập cư mới. 

Lai Nguyễn
.
.
.