Cảnh sát Ai Cập bị "tố" tra tấn, lạm dụng tình dục người bị bắt giữ:

Nhiều phương pháp tra tấn đã được sử dụng

Thứ Ba, 02/08/2016, 13:12
Một báo cáo do Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) mới công bố cho biết,  có bằng chứng cho thấy sự tăng vọt những vụ mất tích, sử dụng bạo lực ngay tại các trụ sở của cơ quan thực thi công vụ ở Ai Cập trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ nước này hoàn toàn phủ nhận  những cáo buộc.

Trong báo cáo, AI nhấn mạnh, kết quả thống kê cho thấy, có sự gia tăng "chưa từng có" số vụ nghi phạm bị cảnh sát, các cơ quan bảo vệ pháp luật Ai Cập bắt giữ mất tích kể từ đầu năm 2015 đến nay.

Theo AI, các cơ quan công quyền Ai Cập gia tăng thực hiện những vụ bắt giữ nhằm ngăn chặn hoạt động của những người bất đồng chính kiến.

"Buộc những người bị bắt giữ "biến mất" đã trở thành một công cụ quan trọng trong chính sách của nhà nước. Bất cứ ai dám nói ra quan điểm trái chiều đều có thể phải trả giá đắt", Philip Luther, Giám đốc AI khu vực Trung Đông và Bắc Phi nói.

Báo cáo cho biết thêm, hàng trăm người Ai Cập, nhiều người trong số đó ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Morsi (Tổng thống bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự tháng 7/2013) đã bị bắt tại nhà riêng, sau đó được chuyển đến các trung tâm giam giữ của nhà nước, có trường hợp đã bị tra tấn.

Cảnh sát Ai Cập đang phải đối mặt với cáo buộc đã sử dụng phương pháp tra tấn với người bị bắt giữ.

"Theo báo cáo của các nạn nhân và nhân chứng, có nhiều phương pháp tra tấn đã được sử dụng, bao gồm sốc điện vào cơ thể và các khu vực nhạy cảm như bộ phận sinh dục, môi và tai; treo người bị bắt trong tình trạng chân và tay bị còng; lạm dụng tình dục, thậm chí cả hiếp dâm; đánh đập và đe dọa", một đoạn trong báo cáo cho hay.

Thông tin từ Hội đồng nhân quyền quốc gia Ai Cập cho biết, có tổng số 266 trường hợp bị các cơ quan công quyền bắt giữ đã mất tích từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2016.

Mohamed Lotfy, Giám đốc một tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền tự do cho người dân Ai Cập nói rằng, các phương tiện truyền thông dường như không có tiếng nói trong việc điều tra, phản ánh các vụ việc.

AI kêu gọi Tổng thống Ai Cập có giải pháp quyết liệt để chấm dứt việc các cơ quan thực thi pháp luật cưỡng chế, tra tấn người dân.

Gia đình nạn nhân buộc phải im lặng

Theo các nhân chứng thì gia đình nạn nhân bị các cơ quan chức năng buộc phải giữ im lặng. Trong một trường hợp, cảnh sát đã nói với người nhà của Mohamed Hamdan rằng, Mohamed Hamdan là phần tử khủng bố đã bị bắn chết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát.

Tuy nhiên, gia đình Mohamed Hamdan nói với phóng viên tờ DW (Đức) rằng, Hamdan đã chết do bị tra tấn và thông tin mà cảnh sát đưa ra chỉ là "sự che đậy sự thật".

"Mohamed Hamdan đã biến mất trong hai tuần trước khi cảnh sát gọi chúng tôi đến để nhận thi thể anh ấy. Khi nhận thi thể Hamdan tại nhà xác, chúng tôi thấy rõ dấu vết của việc tra tấn, bàn chân của anh ấy đã bị biến dạng", Hussein, em trai của Mohamed cho biết.

Hussein nói thêm rằng, các thành viên trong gia đình sẽ không kêu gọi một cuộc điều tra về vụ việc vì để được nhận thi thể Mohamed Hamdan, gia đình phải ký vào bản cam kết không cung cấp thông tin cho truyền thông hoặc yêu cầu điều tra chính thức.

"Một số nhân viên cảnh sát đã đe dọa cha tôi khi biết ông có ý định nói chuyện với báo giới rằng, hãy nghĩ đến những đứa con khác", Hussein nói thêm.

Trước bản báo cáo của AI, Bộ Nội vụ Ai Cập đã lên tiếng phủ nhận tất cả những cáo buộc nhưng thừa nhận đã nhận được đề nghị của hơn 100 gia đình về việc người thân mất tích sau khi bị giam giữ.

Đồng thời, Bộ Nội vụ Ai Cập cũng khẳng định, hoạt động của các cơ quan chức năng luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi đã lên tiếng, yêu cầu tất cả các cơ quan thực thi pháp luật ngăn chặn những vụ mất tích xảy ra, không được tra tấn hoặc sử dụng các hình thức ngược đãi với người bị bắt giữ.

Đồng thời, Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi cũng khẳng định, bất cứ nhân viên nào sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Vào hồi tháng 5/2015, các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin, lực lượng an ninh Ai Cập sử dụng bạo lực tình dục như một công cụ tra tấn đối với những người bị bắt giữ. Theo đó, không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ, trẻ em bị tấn công tình dục để "loại trừ hành động biểu tình nơi công cộng". Nhiều người đã bị cưỡng hiếp, thậm chí là cưỡng hiếp tập thể sau khi bị bắt giữ. Vào thời điểm đó, Bộ Nội vụ Ai Cập không đưa ra bất cứ bình luận gì về những cáo buộc.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.