Nhiều thắc mắc xung quanh vụ bắt cóc con tin tại Mali

Thứ Ba, 24/11/2015, 15:00
Ngày 21-11 (theo giờ địa phương), khi phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita đã nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc phải nâng cao cảnh giác đối với chủ nghĩa khủng bố; đồng thời lên án những kẻ đã tiến hành vụ bắt cóc con tin hôm 20-11 tại khách sạn Radisson Blu, cùng khẳng định nước này sẽ không sụp đổ vì vụ tấn công kể trên, và chủ nghĩa khủng bố sẽ không bao giờ thắng. 

Trước đó (đêm 20-11), ông Ibrahim Boubacar Keita đã công bố tình trạng khẩn cấp kể từ đêm 20-11 và kéo dài 10 ngày, trong đó có 3 ngày quốc tang. Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Salif Traore cho rằng, lực lượng an ninh và cảnh sát đang truy lùng ít nhất 3 kẻ tình nghi có liên quan đến vụ này và cuộc khủng hoảng con tin ở khách sạn Radisson Blue tại thủ đô Bamako tuy đã kết thúc, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể trả lời.

Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita cho biết, trong số 21 người thiệt mạng (gồm 2 tay súng) có ông Geoffrey Dieudonne, thành viên nghị viện ở vùng Wallonia, Bỉ. Giới truyền thông trước đó đưa tin, có ít nhất 27 người chết với 12 thi thể ở tầng hầm và 15 thi thể ở tầng 2.

Lực lượng an ninh bao vây khách sạn, người dân được sơ tán.

Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian thừa nhận nhóm phiến quân al-Murabitoun có liên hệ với Al-Qaeda (nhận trách nhiệm về vụ khủng bố) là nghi can lớn nhất, thậm chí còn cho rằng, tay súng người Algeria Mokhtar Belmokhtar, thủ lĩnh nhóm al-Murabitoun có khả năng đứng sau vụ tấn công ở khách sạn Radisson Blu, và một số nước cũng đang truy lùng tên này, nhưng nhiều nghi vấn xung quanh vụ việc kể trên vẫn được giới chuyên môn đặt ra.

Theo đó, bọn khủng bố có được xe mang biển số ngoại giao bằng cách nào, tại sao số tay súng tham gia không thống nhất. Tư lệnh quân đội Mali Modibo Nama Traore từng nói, có khoảng 10 tay súng đã tiến vào khách sạn Radisson Blu và hô lớn "Allahu Akbar" (Thánh Allah vĩ đại) trước khi xả súng vào các bảo vệ và bắt giữ con tin. Và theo một quan chức an ninh cấp cao Mali cho biết, một số con tin được phóng thích sau khi có thể đọc thuộc kinh Koran. Và liệu vụ khủng bố ở Mali có liên quan tới các vụ tấn công ở Pháp?

Trong khi giới chức Mali nói, có 2 tay súng, nhưng nhiều nhân chứng khẳng định, phải có hơn 10 tên và chúng hô to "Thánh Allah vĩ đại" bằng tiếng Arab. Một nhân chứng còn cho biết, bọn bắt cóc đã trao đổi với nhau bằng tiếng Anh. Và chiến dịch giải cứu con tin đã kết thúc 9 giờ sau khi các lực lượng an ninh, cảnh sát Mali dưới sự hỗ trợ của đặc nhiệm Mỹ và Pháp tấn công vào khách sạn, tiêu diệt 2 tay súng.

Tư lệnh Bộ tư lệnh châu Phi của Mỹ Rodriguez cho rằng, các cuộc tấn công tại Mali có thể liên quan đến Al-Qaeda và hiện chưa có dấu hiệu tham gia của IS trong vụ khủng bố này. Còn Lầu Năm Góc cho biết, lính đặc nhiệm thuộc Bộ Chỉ huy chiến dịch đặc biệt Bắc và Tây Phi đã giúp đưa các con tin đến nơi an toàn trong khi lực lượng Mali tấn công các tay súng khủng bố bên trong khách sạn.

Pháp cũng đã điều 40 cảnh sát đặc nhiệm tới Mali để hỗ trợ nước này giải quyết "sự cố". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, Đại sứ quán Mỹ tại Mali đã dỡ bỏ khuyến cáo công dân nước này không ra ngoài, nhưng vẫn kêu gọi họ hạn chế các hoạt động xung quanh thủ đô Bamako.

Nằm ở Tây Phi và từng là thuộc địa của Pháp trước khi giành độc lập năm 1960, Mali hiện là một quốc gia có tới 90% người Hồi giáo, đang tồn tại nhiều mâu thuẫn sắc tộc và chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa cực đoan muốn áp đặt luật Sharia (của người Hồi giáo) thay thế chính phủ hiện nay. Do đó, các cuộc khủng bố, tấn công tại Mali đã bùng phát mạnh từ tháng 1-2012 đến nay, và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Được biết, al-Murabitoun có trụ sở ở phía bắc Mali, là nhóm đã thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố vào miền Trung và miền Nam trong năm nay, là những kẻ đã thực hiện vụ tấn công vào một khách sạn ở trung tâm thị trấn Sevare, miền trung Mali hồi tháng 8, giết chết 13 người, trong đó có 5 nhân viên Liên hợp quốc. Al-Mourabitoun được lãnh đạo bởi Mokhtar Belmokhtar, trùm khủng bố khét tiếng phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào một nhà máy khí đốt ở Algeria năm 2013, khiến nhiều người chết và bị thương.

Theo giới truyền thông, vụ tấn công và bắt giữ con tin xảy ra vào sáng 20-11, sau khi các tay súng tiến vào khách sạn Radisson Blu bằng chiếc xe mang biển số ngoại giao, bọn chúng đã bắt giữ khoảng 170 người trong khách sạn làm con tin, trong đó có công dân các nước Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Algeria... Và trong số những người thiệt mạng có 6 người Nga, 3 người Trung Quốc, 2 người Bỉ, 1 người Mỹ, 1 người Israel và 1 người Senegal. 
Thiện Lân
.
.
.