Nhiều thủ đoạn tinh vi trong buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm

Chủ Nhật, 06/05/2018, 08:38
Trong thời gian gần đây, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi hơn.

Các đối tượng thường xuyên thay đổi tuyến đường và phương thức che giấu khi vận chuyển để qua mắt các cơ quan chức năng…

Nhiều thủ đoạn phức tạp

Cuối tháng 4 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phối hợp với UBND các quận - huyện và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Theo đó, cán bộ, công chức, người lao động và người dân không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là các loài ĐVHD nguy cấp và các sản phẩm của chúng; không mua, bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm phạm. 

Các cơ quan thực thi pháp luật trực thuộc (Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Biên phòng, Công an) cần tăng cường phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở kinh doanh và xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp… Động thái này của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh được dư luận quan tâm và đồng tình.

Theo một báo cáo mới đây của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về tình trạng buôn bán, vận chuyển ĐVHD nguy cấp, quý hiếm từ Việt Nam sang Trung Quốc, tính từ 1-10-2016 đến 30-9-2017, toàn ngành Hải quan Việt Nam đã phát hiện và bắt giữ 62 vụ, khởi tố 15 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã qua biên giới. 

Còn tính riêng trong năm 2017 toàn ngành đã bắt giữ 42 vụ, trong đó có 4 vụ buôn lậu, vận chuyển ngà voi, 6 vụ sừng tê giác, 10 vụ tê tê sống và vẩy tê tê.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, các lực lượng thực thi pháp luật đã triển khai hơn 30 đợt truy quét tội phạm trong lĩnh vực động vật, thực vật hoang dã; phát hiện và bắt giữ hơn 5,5 tấn ngà voi, khoảng 200 kg sừng tê giác, khoảng 5 tấn vẩy tê tê... 

Tuy nhiên với mức lợi nhuận bất chính cao, nạn buôn bán ĐVHD ngày càng diễn biến phức tạp. Tội phạm về ĐVHD tại Việt Nam được đánh giá là không chỉ tham gia vận chuyển, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn là mắt xích quan trọng trong mạng lưới trung chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép xuyên quốc gia.

Có thể nói, năm 2017, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm tiếp tục có diễn biến phức tạp, trên cả ba tuyến đường biển, đường bộ và đường hàng không.

8 khúc sừng tê giác với tổng trọng lượng gần 4kg, ước tính khoảng gần 8 tỷ đồng.

Trên tuyến đường bộ, ĐVHD từ châu Phi và một số quốc gia khác được vận chuyển qua Lào, Campuchia sau đó vận chuyển vào Việt Nam bằng đường bộ. Từ Việt Nam, ĐVHD được tiếp tục vận chuyển lậu qua các đường mòn, đường tắt sang Trung Quốc.

Vụ việc mới đây nhất là ngày 28-4-2018, Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp cùng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện một vụ vận chuyển ĐVHD trái phép. 

Qua kiểm tra trên xe khách loại 25 chỗ ngồi BKS 93B-000.41 do tài xế Huỳnh Ngô Tự (37 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) điều khiển, chạy trên quốc lộ 13, chở khách trên đường từ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước về TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều cá thể động vật hoang dã được giấu trên xe khách gồm 19 con dúi, 1 con kỳ đà, 1 con rắn hổ đất; 3 con cầy hương, 1 con chồn hương. Bước đầu lái xe khai nhận chở thuê số ĐVHD trên cho một người đàn ông từ huyện Bù Đăng về TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, ngày 7-2, trên quốc lộ 22 (ấp An Bình, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh), Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Trảng Bàng phát hiện và bắt quả tang Nguyễn Văn Thạo (28 tuổi, tạm trú khu phố 1, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, Tây Ninh) đang điều khiển ôtô BKS 51A-086.85 vận chuyển ĐVHD. 

Số lượng tang vật bị phát hiện gồm một cá thể tê tê vàng nặng 5,8kg; 1 cá thể cầy vòi hương, nặng 2,4kg và 1 cá thể cua đinh, nặng 17,8kg. Đây là các loại ĐVHD cấm săn bắt, vận chuyển, buôn bán.

Qua làm việc, Thạo khai nhận thường ngày làm tài xế chở trái cây, trước khi bị phát hiện, Thạo được một người tên Bình (ngụ Tân Biên), thuê chở số hàng trên với tiền công 300 ngàn đồng đến khu vực ngã tư An Sương, TP Hồ Chí Minh sẽ có người đến nhận. Công an huyện Trảng Bàng đã lập biên bản phạm pháp quả tang tạm giữ người, tang vật cùng phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật…

"Top 4" các loại tội phạm xuyên quốc gia lớn nhất

Trên tuyến đường biển, thủ đoạn phổ biến được dùng là lợi dụng các ưu đãi trong chính sách xuất nhập khẩu, hàng hóa, lợi dụng việc chuyển tải tại cảng trung chuyển nước ngoài để tạo mới chứng từ, che giấu cảng xếp hàng gốc. Hàng hóa được chuyển qua nhiều tàu, vận chuyển qua nhiều cảng ở nhiều nước trước khi đến Việt Nam.

Vụ việc điển hình mới nhất là phát hiện, bắt giữ số lượng vảy tê tê lớn nhất từ trước đến nay tại Cảng Sài Gòn Khu vực 1. Cụ thể, ngày 27-4-2018, qua các nguồn tin thu thập được, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 đã chủ động rà soát phát hiện hai container xuất đi từ Cộng hòa Congo có dấu hiệu nghi vấn và tổ chức giám sát, soi chiếu ngay khi cập cảng.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 đã chủ trì phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, Phòng PC46 Công an TP Hồ Chí Minh và Bộ đội Biên phòng tổ chức khám xét thực tế, phát hiện 3,8 tấn vảy tê tê được cất giấu, chèn trong các khúc gỗ hộp. 

Tổng số lô hàng bị thu giữ lên đến 210 bao tải, ước tính hàng chục tỷ đồng. Vảy tê tê nằm trong danh mục hàng hóa cấm buôn bán do tê tê thuộc loại có nguy cơ tuyệt chủng cao. Được biết số lô hàng trên của một công ty đóng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Với hình thức vận chuyển ĐVHD qua đường biển, ngày 20-1, Bộ đội Biên phòng Đất Mũi, Cà Mau đã kiểm tra tàu do Nguyễn Văn Hậu (36 tuổi, trú xã Đất Mũi) chạy ở cửa Kênh Năm - Ô Rô, phát hiện 35 bao nilon chứa 114 con tê tê còn sống, tổng trọng lượng hơn 780kg (mỗi con từ 3 - 10kg) và 15 thùng xốp chứa vẩy tê tê, với trọng lượng hơn 300kg.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 cùng lực lượng chức năng khám xét lô hàng vảy tê tê lớn nhất từ trước đến nay.

Bước đầu đối tượng khai nhận lô hàng trên nhận từ một tàu cá khác trên vùng biển đảo Hòn Khoai, rồi vận chuyển vào đất liền để đưa đi tiêu thụ. Ngày 30-1, Công an huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã ra quyết định khởi tố vụ án…

Trên tuyến hàng không, nhiều vụ việc được phát hiện mà đối tượng có thủ đoạn tinh vi, như vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác. Các đối tượng chủ yếu mua bán ngà voi, sừng tê giác tại châu Phi sau đó chuyển bằng hàng không về Việt Nam qua hai Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, sau đó buôn bán sang nước lân cận. 

Phương thức chủ yếu là đựng trong hành lý không có người nhận, gửi trong hàng hóa qua đường chuyển phát nhanh và đựng trong hành lý xách tay của hành khách xuất nhập khẩu, tên hàng khai báo chung chung.

Vụ việc nổi bật gần đây xảy ra ngày 13-9-2017, lợi dụng việc phân luồng theo "cửa xanh" và "cửa đỏ" ở Sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi đáp chuyến bay từ Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) về Việt Nam, một nam hành khách 22 tuổi quốc tịch Việt Nam quyết định đi qua "cửa xanh" để thoát sự kiểm tra của cơ quan hải quan.

Nhận thấy dấu hiệu khả nghi, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp cùng Đội Kiểm soát hải quan - Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Phòng 3 - Cục Cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra hành lý của hành khách này phát hiện có 77 nanh báo và móng vuốt sư tử châu Phi được cất giấu chung với hành lý…

Theo ông Lê Tuấn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, "cửa xanh" là cửa ra ưu tiên cho những hành khách không có hàng hóa phải khai báo, hoặc cơ quan hải quan không nghi vấn. Trong lúc nhập cảnh, hành khách phải chủ động đi vào "cửa đỏ" nếu mang theo hàng hóa nằm trong danh mục cần khai báo.

 Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, trung bình mỗi năm có hàng nghìn cá thể voi, tê giác, tê tê… bị săn bắt trái phép. Tội phạm về ĐVHD được xếp vào "top 4" các loại tội phạm xuyên quốc gia lớn nhất cùng với tội phạm về ma túy, vũ khí và buôn bán người.

Trong những năm gần đây, số lượng lớn ngà voi, sừng tê giác, cá thể tê tê có nguồn gốc từ châu Phi buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp bị các cơ quan Hải quan trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương bắt giữ với thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp, đã cho thấy khu vực này trở thành thị trường tiêu thụ cũng như trung chuyển ĐVHD nguy cấp trọng điểm của toàn cầu. 

Theo một số liệu của Văn phòng Liên hiệp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) và Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) (2016), lợi nhuận từ buôn bán động vật, thực vật hoang dã trong những năm gần đây (không kể gỗ, thủy sản) đạt từ 7 đến 23 tỷ USD.

Đây là số lợi nhuận quá lớn, có thể nói nó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều loài động vật quý hiếm đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, điển hình như tê giác, voi, tê tê. Việt Nam được đánh giá không chỉ là một quốc gia tiêu thụ ĐVHD số lượng lớn, mà còn là điểm trung chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép xuyên quốc gia.

Nhằm tăng cường hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ ĐVHD, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong cả xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật. 

Với thực trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang ĐVHD dã đang có diễn biến phức tạp thời gian qua, hy vọng đây sẽ là công cụ pháp lý quan trọng góp phần răn đe, trấn áp tội phạm, giải pháp hữu hiệu để góp phần bảo vệ tốt hơn các loài ĐVHD quý hiếm. 

Phú Lữ
.
.
.