Nhóm xuất chúng “Bộ não” của Chính phủ Mahathir

Thứ Sáu, 08/06/2018, 17:22
Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã chọn 5 người giàu kinh nghiệm trong kinh doanh hoặc kinh tế để hỗ trợ nội các mới của mình, gọi là Nhóm Xuất chúng.


Ông Mahathir cho biết sẽ tuyển mộ những người quen biết với ông từ lâu trước khi ông chiến thắng cuộc bầu cử ngày 9-5. Hầu hết những người này đã phục vụ trong thời kỳ đầu tiên ông làm thủ tướng.

Việc thành lập Hội đồng cố vấn 5 thành viên, được gọi là Nhóm Xuất chúng, trước khi thành lập một nội các đầy đủ cho thấy sự tin tưởng của ông Mahathir vào nhóm này trong việc giúp thiết lập chính phủ mới đi đúng hướng.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.

Nhóm sẽ dành 100 ngày tiếp theo nghiên cứu một loạt vấn đề bao gồm luật pháp, kinh tế và tài chính của đất nước để đưa ra các cải cách thể chế. Một nhiệm vụ cấp bách hơn liên quan đến việc tìm cách duy trì ngân sách của Malaysia khi liên minh cầm quyền đưa ra lời hứa bầu cử rằng sẽ cắt giảm quyền lực của chính phủ, loại bỏ thuế hàng hóa - dịch vụ và triển khai trợ cấp nhiên liệu.

Hội đồng cố vấn cũng sẽ đề xuất với chính phủ cách giải quyết vụ bê bối tài chính trị giá 4,5 tỷ USD liên quan đến quỹ nhà nước 1Malaysia Development Berhad (1MDB).

Sau đây là những thông tin khái quát về 5 thành viên của Nhóm Xuất chúng:

Daim Zainuddin - Hassan Marican - Robert Kuok - Zeti Aziz - Jomo Kwame Sundaram

Ông Daim Zainuddin

Ông Daim 80 tuổi, cựu Bộ trưởng Tài chính, được biết đến như là một chuyên gia gỡ rối kinh tế, người đã chỉ đạo Malaysia vượt qua 2 cuộc suy thoái từ năm 1980 - 1990. Ông Daim đã từng thực hiện một động thái quyết liệt: cắt giảm lương của thủ tướng để thúc đẩy chi tiêu thận trọng.

Một luật sư được đào tạo và là một doanh nhân được kính nể ngay cả trước khi gia nhập chính trị, ông Daim được Mahathir giao phó để nuôi dưỡng các doanh nhân Malay, người sẽ tiếp tục lãnh đạo một số công ty nhà nước tư nhân, một dấu hiệu của chính sách kinh tế Mahathir trong suốt 22 năm làm thủ tướng đến năm 2003.

Ông Daim và cựu Bộ trưởng Thương mại Rafidah Aziz đã gây ngạc nhiên cho công chúng trong năm nay khi vận động cho ông Mahathir. Cả hai người này đều được nhiều người Malaysia kính trọng

Bà Zeti Aziz

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia nắm giữ một vị thế danh tiếng trên thị trường tài chính. Bà Zeti đã tạo lập được uy tín khi giúp ổn định ngành ngân hàng và chính sách tiền tệ của quốc gia, đưa Malaysia trở thành một trong những thị trường tài chính Hồi giáo mạnh mẽ.

Bà Zeti năm nay 70 tuổi, bắt đầu làm Thống đốc từ năm 2000 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính châu Á, và bà chủ trì một cuộc cải cách ngân hàng quy mô lớn. Hơn 20 ngân hàng thương mại của Malaysia đã được yêu cầu sáp nhập và tái cấp vốn, làm giảm số lượng xuống còn 8 ngân hàng. 

Tuy nhiên, một số thực thể như Malayan Banking, CIMB Group Holdings và Public Bank - đã tăng trưởng lớn hơn nhiều, cho phép họ sớm chuyển sang các nước láng giềng và thu hút các ngân hàng địa phương ở những thị trường kém trưởng thành vào thời điểm đó.

Về vấn đề chính sách tiền tệ, Malaysia có uy tín về tầm nhìn xa trong việc quản lý lãi suất chính sách qua đêm để phù hợp với tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Nước này cũng mở rộng ngành tài chính Hồi giáo, giới thiệu các sản phẩm tài chính sáng tạo và trái phiếu Hồi giáo, hoặc sukuk, trên toàn cầu.

Bà Zeti nghỉ hưu năm 2016 giữa các cuộc điều tra trong nước vào 1MDB. Dưới sự chỉ đạo của bà, Ngân hàng Negara Malaysia trở thành cơ quan duy nhất đã phạt 1MDB và Tập đoàn AmBank với số tiền phạt kỷ lục cho các khoản lỗ trong quản lý an toàn. Bà Zeti hiện đứng đầu Trường Kinh doanh Châu Á, một tổ chức sau đại học.

Ông Hassan Marican

Hassan 65 tuổi, là Chủ tịch của Petroliam Nasional, hoặc Petronas, trong 15 năm đến năm 2010 trước khi được thay thế bởi cựu Thủ tướng Najib Razak. Dưới sự lãnh đạo của Hassan, Petronas mở rộng ra ngoài lãnh thổ Malaysia. Petronas là công ty duy nhất của Malaysia có mặt trong danh sách Fortune 500.

Ông từng nắm giữ một số vị trí cấp cao tại Singapore như Chủ tịch của Singapore Power và Sembcorp Marine.

Ông Robert Kuok

Người sáng lập 94 tuổi của Shangri-la Hotels và Kerry Properties là người lớn tuổi nhất trong số các cố vấn. Ông Robert Kuok, người có cơ sở tại Hồng Kông, đã tham dự cuộc họp đầu tiên của mình với các thành viên khác của Nhóm Xuất chúng vào ngày 22-5  vừa qua tại Kuala Lumpur.

"Tất cả chúng ta đều mong muốn đất nước tốt hơn", ông Kuok nói với các phóng viên khi được hỏi ý kiến của mình về chính phủ mới. Trong cuốn tự truyện của mình "Robert Kuok: Một hồi ức" xuất bản vào năm ngoái, ông coi những người gốc Hoa như ông là "những con kiến kinh tế đáng kinh ngạc nhất trên trái đất". Ông viết: "Họ làm việc chăm chỉ hơn bất cứ ai khác và sẵn sàng "ăn cay đắng", như người Trung Quốc nói".

Sau Thế chiến II, Kuok là một thương nhân tham gia vào thị trường thực phẩm thiết yếu bao gồm gạo, đường và bột mì. Sau đó chuyển sang vận chuyển, hậu cần, bất động sản và khách sạn; và mở rộng kinh doanh sang Hồng Kông từ những năm 70. Tên tuổi của Robert Kuok được giới doanh nhân trong và ngoài nước biết đến. Ngoài ra, ông còn có mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc. Với tài sản 15,4 tỷ đô la, Robert Kuok được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu nhất Malaysia.

Ông Jomo Kwame Sundaram

Vốn là nhà kinh tế học chuyên nghiệp, ông Jomo Kwame Sundaram 65 tuổi, đã có 7 năm làm trợ lý Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về phát triển kinh tế. Jomo được công nhận vì những nghiên cứu về nền kinh tế chính trị của Malaysia cũng như quan điểm của ông về việc tư nhân hóa của Mahathir trong thời gian đầu làm thủ tướng.

Ông Jomo từng lên án vụ bê bối tại 1MDB, và đặt nghi vấn về nỗ lực của Chính phủ Najib nhằm bán tài sản để bảo lãnh quỹ. Ông cũng bày tỏ lo ngại về một liên kết đường sắt đang được xây dựng bởi các nhà thầu Trung Quốc, đặt dấu hỏi về sự cần thiết của tuyến đường sắt dài 688km nối thủ đô Malaysia với một thị trấn nông thôn ở biên giới với Thái Lan.

Như Sơn
.
.
.