Nhức nhối nạn “săn phù thủy” ở Ấn Độ

Thứ Bảy, 10/08/2019, 11:31
Nhiều người nghĩ rằng, nạn “săn phù thủy” không thể xuất hiện trong thời hiện đại, nhưng thực tế ở một số vùng của Ấn Độ, phụ nữ vẫn là “con mồi” của hủ tục này. Một số bang của Ấn Độ đã ban hành luật để ngăn chặn nạn “săn phù thủy” nhưng chưa mang lại hiệu quả tích cực.


Hàng trăm người bị giết vì cáo buộc sử dụng "ma thuật đen"

Gần đây, bốn người trên 60 tuổi, trong đó có hai phụ nữ đã bị một đám đông ở làng Siskari, bang Jharkhand, miền đông Ấn Độ bắt giữ. Các nạn nhân bị những người đàn ông đeo mặt nạ, mang theo gậy lôi ra khỏi nhà và đánh đến chết. Tám trong số những kẻ tấn công đã bị cảnh sát bắt giữ. Kết quả điều tra sơ bộ của cảnh sát tiết lộ rằng, vụ giết người đã được lên kế hoạch từ trước.

Nói chuyện với phóng viên tờ nhật báo tiếng Anh “Pioneer”, một sĩ quan cảnh sát địa phương cho biết, bốn nạn nhân bị tấn công vì nghi ngờ sử dụng "ma thuật đen", dẫn đến cái chết của một người dân trong làng trước đó. 

Theo dữ liệu thống kê của lực lượng cảnh sát được đăng tải trên tờ “Times of India”, 123 người ở Jharkhand đã bị đám đông giết hại trong khoảng thời gian từ tháng 5/2016 đến nay. Những người này chủ yếu là phụ nữ, bị buộc tội hành nghề phù thủy.

Tổng cộng 134 người đã thiệt mạng trên khắp đất nước vì cáo buộc sử dụng "ma thuật đen" vào năm 2016. Trong số đó, Jharkhand đứng đầu danh sách số lượng người bị giết hại với 27 trường hợp. Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, trên thực tế, số vụ tấn công liên quan đến phù thủy có thể cao hơn vì nhiều trường hợp không được báo cáo.

Shashank Shekhar Sinha, một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa truyền thống Ấn Độ nói rằng, cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi cách nhìn của mọi người về phù thủy nhưng vẫn còn sự mê tín tồn tại, nhất là trong những cộng đồng bị thiệt thòi.

“Số vụ săn phù thủy đã tăng lên kể từ những năm 1980. Jharkhand, một cộng đồng bộ lạc bản địa rộng lớn và tài nguyên khoáng sản phong phú đang phải trả giá cho sự phát triển. Nhiều người di cư đến khu vực này để khai thác khoáng sản trong khi đó, cộng đồng các bộ lạc đang mất đất và không được hưởng lợi từ các dự án phát triển. 

Thành viên các bộ lạc không thể tồn tại trong thị trường việc làm. Trong trường hợp này, phù thủy trở thành vật tế thần cho mọi vấn đề của họ. Thêm vào đó, trong một số trường hợp, các cộng đồng đã cố gắng tìm kiếm vật tế thần để “chống đỡ linh hồn ma quỷ” khi thành viên trong gia đình bị bệnh hoặc chết”, chuyên gia Sinha nói.

Tranh chấp đất đai, tài sản cũng là lý do mà người dân sử dụng để tấn công phụ nữ bị cáo buộc là phù thủy trong cộng đồng. Theo báo cáo của FirstPost, một trang web tin tức Ấn Độ, một người đàn ông ở Namkom, Jharkhand đã tung tin đồn một người phụ nữ là phù thủy vì muốn chiếm đoạt tài sản của cô. Các nhà hoạt động nhân quyền cũng nói rằng, phụ nữ bị cáo buộc là "phù thủy" thường là những góa phụ sống một mình và có tài sản.

 “Bạo lực đối với phụ nữ bị cáo buộc phù thủy hầu hết do chính người thân của nạn nhân gây ra”, một nhà hoạt động nhân quyền cho biết. Một người bị cáo buộc là phù thủy thường bị đuổi ra khỏi cộng đồng, có thể bị hãm hiếp, bắt khỏa thân đi lại trong làng, bắt ăn phân người hoặc máu động vật để “thanh lọc” hoặc chịu các loại tra tấn khác.

Nạn “săn phù thủy” vẫn là vấn đề chưa thể giải quyết của Ấn Độ hiện nay.

Phải tiếp cận vấn đề dưới góc độ "đa tầng và tích hợp"

Theo các nhà nghiên cứu, câu chuyện về “phù thủy” và “săn phù thủy” đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử phát triển của loài người. Một đạo luật trừng phạt nạn “săn phù thủy” đã được thông qua vào những năm 1800 nhưng nhiều người ở Ấn Độ đã chống lại điều này vì cho rằng, luật pháp đang ngăn cản họ trừng phạt những người làm sai. Ngày nay, phù thủy tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.

Một số bang của Ấn Độ đã ban hành luật để ngăn chặn tội ác liên quan đến phù thủy và “săn phù thủy”. Ví dụ, Jharkhand có Đạo luật ngăn chặn nạn “săn phù thủy”, bang Chhattisgarh có luật phòng chống tội ác nhằm vào phù thủy. Các bang khác như Maharashtra, Assam và Odisha cũng đã có luật tương tự để giải quyết các trường hợp tấn công phù thủy.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhóm hoạt động nhân quyền đã vận động xây dựng luật pháp trên quy mô toàn quốc để giải quyết vấn đề này. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, luật phòng chống tội ác nhằm vào phù thủy phải bao gồm các hành vi phạm tội như bạo lực tình dục, sỉ nhục công khai…

"Cách tiếp cận hiện tại rất hạn chế. Luật pháp không bao quát toàn bộ các hành vi tội ác liên quan đến nạn “săn phù thủy", chuyên gia Sinha nói. Theo Sinha, phải tiếp cận vấn đề dưới góc độ "đa tầng và tích hợp". Cần nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, xây dựng hệ thống pháp lý đủ mạnh, các nạn nhân phải được tiếp cận với dịch vụ y tế đầy đủ…

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.