Những bí ẩn trong cái chết của một sinh viên người Italia

Thứ Hai, 06/02/2017, 14:23
Việc Ai Cập cho phép Italia kiểm tra camera an ninh vụ sinh viên người Italia Giulio Regeni sau gần 1 năm anh này bị sát hại cho thấy sự "xuống thang" của Cairo trước yêu cầu của Rome.


Trong thông báo hôm 22-1, cơ quan công tố Ai Cập cho biết, đã cho phép chuyên gia Italia kiểm tra dữ liệu camera của ga tàu điện ngầm Dokki để phục vụ công tác điều tra về cái chết của Giulio Regeni tại Thủ đô Cairo hơn 1 năm trước.

Theo ủy viên công tố Ai Cập Nabil Sadeq, cơ quan công tố Italia sẽ cử chuyên gia phục hồi dữ liệu bị mất từ camera của ga điện ngầm Dokki, trước khi Giulio Regeni mất tích hôm 25-1-2016 và thi thể được tìm thấy ngày 3-2-2016. Và một công ty của Đức sẽ hỗ trợ chuyên gia Italia phân tích thông tin để truy tìm thủ phạm đứng sau cái chết của Giulio Regeni.

Bất nhất trong báo cáo của Ai Cập

Gần 10 tháng trước (tháng 4-2016), ủy viên công tố cấp cao của Ai Cập Mustafa Suleiman khẳng định, các nhà điều tra nước này không thể đáp ứng yêu cầu về thông tin trong các camera an ninh tại ga tàu điện ngầm Dokki, địa điểm gần căn hộ của Giulio Regeni nhất.
Nghiên cứu sinh xấu số Giulio Regeni.

Bởi các camera này được cài đặt tự động xóa bỏ toàn bộ dữ liệu cũ. Các nhà sản xuất camera của Mỹ cũng thông báo với các điều tra viên Ai Cập rằng, không thể lấy lại những dữ liệu đã bị xóa.

Nhưng sau đó một công ty của Đức tuyên bố, vẫn có thể phục hồi dữ liệu với tỷ lệ thành công 50%, song quá trình này khá tốn kém và mất thời gian. Tuyên bố của công ty Đức đã khiến cơ quan công tố Italia gây sức ép với cơ quan công tố Ai Cập trong việc kiểm tra camera an ninh vụ sát hại Giulio Regeni.

Theo giới truyền thông, thời điểm Giulio Regeni đến ga tàu điện ngầm Dokki, an ninh tại thủ đô và các thành phố lớn của Ai Cập được tăng cường trước thềm đánh dấu sự kiện lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak.

Sau một thời gian điều tra, cảnh sát Ai Cập thông báo, đã tiêu diệt một băng nhóm chuyên bắt cóc tại Cairo, và tìm thấy túi xách cùng hộ chiếu và thẻ sinh viên của Giulio Regeni tại hiện trường.

Điều đáng nói là ban đầu, giới chức Ai Cập tuyên bố, băng nhóm kể trên là thủ phạm vụ bắt cóc, sát hại Giulio Regeni, nhưng sau đó lại xác nhận, chúng không liên quan tới cái chết của sinh viên người Italia. Ngày 24-3-2016, Bộ Nội vụ Ai Cập thông báo, đã thu được hộ chiếu và một vài giấy tờ cá nhân của Giulio Regeni sau khi tiêu diệt 5 tên thuộc băng cướp ở Cairo.

Đồng thời cho rằng, Giulio Regeni đã bị băng cướp giả danh cảnh sát bắt cóc, tra tấn đến chết. Bộ Nội vụ Ai Cập cũng từng cáo buộc hãng Reuters đưa thông tin sai sự thật từ các nguồn vô danh liên quan đến cái chết của Giulio Regeni. Bởi hãng Reuters trích nguồn tin từ lực lượng an ninh địa phương cho biết, Giulio Regeni đã bị cảnh sát Ai Cập bắt và đưa đến trụ sở cơ quan an ninh nội địa, sau đó biến mất.

Trước đó (10-2-2016), Đại sứ Ai Cập tại Italia Amr Helmy khẳng định, cảnh sát Ai Cập không bắt giữ Giulio Regeni và những cáo buộc về sự dính líu của lực lượng an ninh nước này trong cái chết của sinh viên người Italia là vô căn cứ. Và không loại trừ khả năng những kẻ giết người là phần tử Hồi giáo cực đoan.

Một số nhân chứng cho biết, Giulio Regeni đang theo học tại trường Đại học Cambridge và là cộng tác viên của một số tờ báo Italia về các vấn đề liên quan tới tình hình dân chủ, nhân quyền và các phong trào nghiệp đoàn, đã bị cảnh sát bắt đi mà không có một lời giải thích nào.

Một số tờ báo Italia cho rằng, Giulio Regeni chết dưới tay cảnh sát, do hoạt động của anh trong thời gian tham gia các phong trào công đoàn và nhân quyền ở Ai Cập, cũng như những bài viết về tình hình dân chủ tại nước này. Tờ Al Masry Al Youm từng tiết lộ, Giulio Regeni đã bị giết trong một căn hộ ở Cairo trước khi xác anh bị vứt ra một con đường vắng ở ngoại ô thủ đô.

Theo tờ La Repubblica, Giulio Regeni đã bị cảnh sát theo dõi trong một thời gian dài, sau đó bị bắt theo lệnh của Tướng Khaled Shalabi, người đứng đầu lực lượng cảnh sát hình sự và điều tra của quận Giza, Ai Cập. Vụ bắt giữ liên quan tới những nghiên cứu khảo sát về hoạt động công đoàn của Ai Cập mà Giulio Regeni đang tiến hành.

Ngày 5-4-2016, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố, vụ sát hại Giulio Regeni sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Đồng thời cam kết hợp tác đầy đủ và minh bạch với Italia để tìm ra sự thật và đưa các thủ phạm ra trước công lý.
Biểu tình tại Rome yêu cầu điều tra về cái chết của Giulio Regeni.

Và ông đã hứa với Thủ tướng Italia khi đó là ông Matteo Renzi về việc sẽ điều tra đến cùng vụ án này. Ngày 30-6-2016, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã bày tỏ sự không hài lòng trước việc Thượng viện Italia quyết định ngừng cung cấp linh kiện máy bay chiến đấu cho Cairo vì nguyên nhân cái chết của Giulio Regeni chưa được làm rõ.

Trước đó (29-6-2016), Thương viện Italia đã bỏ phiếu thông qua quyết định ngừng cung cấp linh kiện máy bay chiến đấu F-16 cho Ai Cập để phản đối các kết luận điều tra của Cairo về nguyên nhân cái chết của Giulio Regeni.

Quyết tâm của Italia

Cơ quan chức năng Italia đã chỉ ra sự phi lý trong những chi tiết liên quan đến việc Giulio Regeni bị bắt cóc, sát hại và không đồng ý với các lập luận này. Giới chức ngoại giao Italia coi cái chết của Giulio Regeni có nhiều điểm đáng ngờ và "thiếu sự giải thích rõ ràng" từ giới chức địa phương.

Gần 1 năm trước (8-2-2016), Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni yêu cầu Cairo phải đưa ra ánh sáng những kẻ liên quan đến cái chết của Giulio Regeni, sinh viên đang làm nghiên cứu tiến sỹ ở Ai Cập.

Tờ Corriere della Sera từng dẫn lời ông Paolo Gentiloni - Italia đang "xem xét các biện pháp cần thiết" để đáp trả sự thiếu hợp tác và không rõ ràng của Ai Cập trong việc phối hợp điều tra, làm rõ cái chết của Giulio Regeni. Đồng thời tuyên bố, Ai Cập có thể sẽ phải chịu hậu quả nếu sự việc không được giải quyết hợp lý.

Ông Paolo Gentiloni cũng bác bỏ tất cả những giải thích trước đó của Ai Cập về cái chết của Giulio Regeni. "Những giả thiết không thực tế do Ai Cập đưa ra chỉ nhân lên nỗi đau của gia đình nạn nhân và khiến Italia căm phẫn", ông Paolo Gentiloni nhấn mạnh.

Trong bản tin điện tử của Chính phủ hôm 26-3-2016, Thủ tướng Matteo Renzi khẳng định, Italia không bao giờ chấp nhận hình thức sự thật mang tính xoa dịu.

Nhà chức trách Ai Cập đã đồng ý hợp tác với Italia để điều tra về cái chết này là một điều tích cực, nhưng chúng tôi chỉ chấp nhận ngừng lại các đòi hỏi một khi biết rõ sự thật. Theo các điều tra viên Italia, việc bọn cướp giữ hộ chiếu của nạn nhân ở nhà chúng hơn 1 tháng sau khi Giulio Regeni chết là thiếu logic.

Đồng thời cho rằng, giả thiết cho rằng Giulio Regeni bị bắt và đòi tiền chuộc là không hợp lý, vì không có băng cướp nào đòi tiền chuộc lại tra tấn người bị chúng bắt cóc hơn 1 tuần. Ngày 8-4-2016, Chính phủ Rome đã triệu hồi Đại sứ Italia ở Ai Cập về nước để phản đối Cairo về những điểm không rõ ràng trong điều tra xung quanh cái chết của Giulio Regeni.

Việc này diễn ra sau khi giới chức Italia bất bình trước sự "không hoàn chỉnh, sơ sài và thiếu logic" trong thông báo do cơ quan chức năng Ai Cập cung cấp tại cuộc họp ở Rome hôm 8-4-2016. Bởi Ai Cập không cung cấp các chi tiết về cuộc gọi và nội dung nhắn tin lưu trong điện thoại di động của Giulio Regeni, chỉ chuyển cho Italia một tập tài liệu mỏng, thay vì 2.000 trang như đã hứa ban đầu.

Đặc biệt là phần nói về nguyên nhân cái chết của Giulio Regeni - bị thay đổi liên tục, ban đầu nói tai nạn giao thông, sau là do bị cướp tấn công. Italia từng yêu cầu Ai Cập cung cấp lời khai của 200 nhân chứng và những người liên quan, báo cáo y tế, các đoạn video ghi âm cuộc gọi và phối hợp để điều tra vụ án này.

Giới truyền thông đưa tin, sau khi xác của Giulio Regeni được đưa về Rome, cơ quan chức năng Italia đã tiến hành khám nghiệm tử thi. Và kết quả cho thấy, Giulio Regeni chết vì bị đánh nhiều lần vào đầu, cổ và có dấu hiệu bị tra tấn trong nhiều giờ đồng hồ.

Thông tin này lập tức gây phẫn nộ trong dư luận và chính giới Italia. Và một nhóm gồm 7 điều tra viên Italia đã được cử tới Cairo để làm rõ nguyên nhân cái chết của Giulio Regeni.

Báo chí Italia cho rằng, Giulio Regeni đã biết quá nhiều sau những điều tra về hoạt động công đoàn ở Ai Cập, nên đã bị cảnh sát nước này thủ tiêu vì nghi rằng anh làm việc cho cơ quan tình báo Italia. Thứ trưởng Ngoại giao Italia Benedetto della Vedova đã phủ nhận thông tin cho rằng, Giulio Regeni là "cộng tác viên" của cơ quan tình báo Italia tại Bắc Phi.

Thái độ cứng rắn của Italia được báo chí nhiều nước phương Tây, trong đó có Anh và Mỹ ủng hộ. Ngày 10-3-2016, với 588 phiếu thuận, 59 phiếu trắng và 10 phiếu chống, các thành viên Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết kêu gọi giới chức Ai Cập hợp tác điều tra vụ Giulio Regeni bị tra tấn và sát hại.

Nghị quyết của EP còn yêu cầu giới chức Ai Cập cung cấp thông tin minh bạch và tài liệu cần thiết để phục vụ công tác điều tra liên quan tới cái chết của Giulio Regeni, đồng thời kêu gọi Cairo phải đưa những kẻ giết người ra xét xử. Hiệp hội Du lịch có trách nhiệm Italia (AITR) đã quyết định tạm dừng các hoạt động lữ hành của AITR tới Ai Cập, cho tới khi vụ sát hại Giulio Regeni được làm sáng tỏ.
Những vật dụng được cảnh sát Ai Cập cho là của Giulio Regeni.

Theo đó, các công ty du lịch thành viên của AITR quyết định ngừng các chuyến bay và hủy tất cả hợp đồng đưa khách tới Ai Cập được ký trong tháng 4-2016.

Trước đó (29-3), cha mẹ Giulio Regeni đã yêu cầu Ai Cập phải hợp tác điều tra với các công tố viên Italia, nếu không họ sẽ công bố trước dư luận ảnh thi thể của con trai. "Những gì xảy ra với con trai tôi không khác gì thời phátxít, khi họ tra tấn Giulio Regeni nhiều ngày cho đến khi con trai tôi chết. Tôi chỉ có thể nhận ra con trai qua mũi của tử thi", bà Paola Regeni, mẹ đẻ Giulio Regeni nói.

Trịnh Huyền My
.
.
.