Những bí ẩn về nữ điệp viên tài hoa Peggy Harmer

Thứ Hai, 22/12/2014, 07:36
Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong thành công của “Chiến dịch Normandy”, song cuộc đời và sự nghiệp của Peggy Harmer, một trong những nữ điệp viên hàng đầu thế giới, vẫn là một bí ẩn trong suốt hơn 50 năm qua. Chỉ đến khi bà qua đời ở tuổi 89, những bí ẩn xoay quanh người nữ điệp viên tài ba này mới dần được hé lộ.

Cuộc phỏng vấn kỳ lạ

Harmer được tuyển chọn cho một nhiệm vụ bí mật nhờ vẻ đẹp và sự thông minh sắc xảo của mình. Bà cũng là một thành viên thuộc đội phản gián đã có những đóng góp quan trọng cho phe Đồng Minh với mật danh “Double Cross”.

Peggy Harmer là một trong những điệp viên trẻ nhất tại Anh khi bà gia nhập Bộ Chiến tranh vào năm 19 tuổi. Ba ngày sau, bà được mời đến làm việc tại đội phản gián “Double Cross”.

Trước đó, Peggy chưa bao giờ nghĩ tới việc trở thành điệp viên. Vào một ngày năm 1941, cô thư kí xinh đẹp và hoạt bát đến London xin việc. Cô được giới thiệu đến đội phản gián của MI5, đơn vị chiến tranh tối mật chịu trách nhiệm ngăn chặn gián điệp của Đức Quốc xã, biến họ thành gián điệp hai mang và sử dụng họ chống lại kẻ thù. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình muốn gia nhập MI5. Tôi chỉ đơn giản nghĩ người ta đang phỏng vấn tôi cho chân thư ký”, Harmer tiết lộ.

Năm 2007, Harmer đã chia sẻ về công việc của mình, bà kể lại cuộc phỏng vấn kì lạ năm 19 tuổi. Khi ấy, Harmer vừa kết thúc khoá học thư ký, một người bạn của gia đình đã hỏi ý kiến mẹ bà rằng liệu Harmer có hứng thú làm việc ở Bộ Chiến tranh không, và rồi họ tự sắp đặt buổi phỏng vấn tại một nhà tù. Harmer hồi tưởng: “Tôi bắt xe buýt số 15 đến nhà tù Wormwood Scrubs. Tôi đi vào và bắt găp những cánh cổng sắt lớn, chúng kêu vang sau lưng tôi. Thật là khó khăn. Sau đó, tôi được đưa đến một buồng giam giống như tôi đang ở Poridge. Thật kỳ quái khi anh ta (người liên lạc của Harmer) liên tục nhắc đến những từ như “Snow”, “Tate”, và “Summer”. Tôi chẳng biết chuyện gì đang diễn ra lúc đó. Tôi đã nghĩ mình đang ở trong một nhà thương điên”. Harmer cuối cùng cũng phát hiện ý nghĩa của “Snow”, “Tate” và “Summer” đó là những bí danh của những điệp viên hai mang mà bà phải làm việc cùng sau này tại một nhà tù ở London.

Double Cross – tượng đài huyền thoại

Hệ thống Double Cross được thành lập bởi MI5 trong suốt Thế chiến II, là một trong những tổ chức gián điệp thành công nhất trong lịch sử. Trở lại năm 1936, một thợ điện người Welsh, Arthur Owens, đã được Sở Mật vụ Anh tuyển dụng với bí danh Snow (đảo chữ “Owens”). Owens đã cung cấp một số tin tức giá trị trước khi bị phát hiện có liên lạc với tổ chức tình báo của Đức – Abwehr. Khi bị phát hiện, Owens đã chấp nhận trở thành một gián điệp hai mang để chống lại quân Đức. “Snows” chỉ là một trong số hàng tá điệp viên được quân đội Đức đưa đến Anh, rồi sau đó trở thành điệp viên hai mang. Từ cuối 1940, tổ chức Abwehr bắt đầu đưa các điệp viên tràn vào nước Anh với rất nhiều thân phận khác nhau, như: dân tị nạn, công nhân, công nhân nông trường và thủy thủ. Một số là những điệp viên chuyên nghiệp, một vài người là tín đồ của Đức Quốc xã, số khác là do bị ép buộc. Và từng người trong số họ lần lượt bị bắt. Đức Quốc xã không bao giờ có thể phát hiện rằng những thông tin mật được mã hóa bởi hệ thống máy Engima đã bị các chuyên gia tại Bletchley Park phá vỡ. Bằng cách theo dõi lưu lượng những truy cập vô tuyến của Abwehr, Sở Mật vụ Anh đã xác định được các điệp viên được quân Đức đưa đến.

Những điệp viên bị bắt giữ được đưa đến một nơi bí mật tại Richmond (trại 020) dưới sự quản lý của Đại tá Colonel Robin Stevens, người đặc biệt đáng sợ với biệt danh “Tin-Eye”. Họ được phép chọn lựa hoặc là chịu xử tử hoặc là hợp tác với quân đội Anh. Hầu hết các điệp viên Đức Quốc xã đều đồng ý hợp tác và sau đó, một tổ chức trực thuộc MI5 được thành lập với mật danh B1A hay Double Cross, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý những điệp viên hai mang này. Thành tựu lớn nhất của Double Cross là việc họ thuyết phục thành công được quân đội Hitle tin rằng cuộc đổ bộ của quân đội Pháp (sau này được gọi là “Cuộc chiến Normandy”) sẽ diễn ra ở Calais chứ không phải ở Normandy.

Đó là thế giới lạ lẫm mà Peggy Harmer bước chân vào trong một sáng mùa xuân 1941. Double Cross được quản lý bởi Colonel Tommy Argyll Robertson, hay còn gọi là “Tar”. Theo trí nhớ của Peggy, đó là một viên sĩ quan trẻ tuổi, hay mặc chiếc quần kẻ sọc đến sở làm và cực kì được các nhân viên ngưỡng mộ. “Tar rất ưa nhìn, là một người làm việc có tổ chức, nhưng theo một phong cách thoải mái”, Peggy chia sẻ. Robertson là một điệp viên thông minh với biệt tài tuyển dụng và đào tạo những lứa điệp viên tài năng. Tổ chức B1A sau đó được chuyển từ Wormwood Scrubs đến 58 St Jamess Street. Trong đó, các điệp viên được ngụy trang dưới thân phận của những luật sư, học giả, những nhà tư bản công nghiệp, chủ rạp xiếc, nghệ sĩ, người kinh doanh nghệ thuật và nhà thơ. Trong khi những sĩ quan nam của MI5 phối hợp những nhiệm vụ khó khăn, những mánh khoé tinh vi, Peggy và những sĩ quan nữ khác phụ trách những công việc buồn tẻ hơn song không kém phần quan trọng như chép chính tả, sao lưu những cuộc phỏng vấn và truyền những thông tin mật giữa những điệp viên và những người đứng đầu. Harmer từng cho biết, “Tôi ghét phải thú nhận điều này, nhưng thực sự cá nhân tôi thấy chiến tranh thật đáng mong đợi. Chiến tranh đem đến một không khí tuyệt vời, một sự gắn bó. Chúng tôi có cùng một kẻ thù chung. Đó chính là điều làm nên sự khác biệt“.

Cuộc chiến Normandy.

Double Cross được coi là biểu tượng của những trí tuệ tuyệt vời. Theo John Masterman, “Nhờ có hệ thống điệp viên hai mang, chúng tôi chủ động điều hành và kiểm soát hệ thống gián điệp của người Đức ngay tại Anh quốc”. Những thông tin vô tuyến bị giải mã tại Bletchley Park đã chứng minh người Đức đã bị qua mặt một cách ngoạn mục như thế nào. Peggy Harmer cũng từng nói về vấn đề này một cách đầy tự hào: “Mỗi ngày ở B1A, chúng tôi đều nhận những bản đánh máy từ Ultra (những thông điệp của quân Đức được giải mã) và từ đó chúng tôi biết rằng liệu họ vẫn còn tin tưởng những điệp viên hai mang của chúng tôi hay không. Điều đó thật tuyệt, phải không?”.

Có đến 480 gián điệp bị bắt giữ tại Anh trong suốt Thế chiến II. Một phần tư trong số đó được sử dụng với vai trò điệp viên hai mang, trong đó có 40 người đã đóng góp những thành tựu nổi bật. Chỉ một số ít từ chối hợp tác là những tín đồ của Đức Quốc xã. Trong đó, trường hợp của Karrl Richter khiến Harmer không thể quên. Bà chia sẻ: “Anh ta bị giết bởi không chịu đồng ý làm việc cho chúng tôi. Chúng tôi không đồng tình với việc giết người. Điều đó thực sự khủng khiếp và tàn nhẫn”.

Mối tình thơ mộng của nữ điệp viên

Đối với cô gái Peggy Harmer, một sinh viên vừa tốt nghiệp từ Home Counties và trường đào tạo thư ký, thật đáng sợ khi chính bản thân mình phải chấp nhận là một phần của thế giới bí ẩn này để chiến đấu một cuộc chiến ngầm mà ngay cả gia đình cô, những người thân thiết nhất của cô đều không hề hay biết. “Chúng tôi không nói về điều đó với bạn bè hay với bất kì ai. Chúng tôi phải giữ bí mật. Nếu tôi ăn trưa cùng bạn trai thì sau khi kết thúc bữa ăn, tôi sẽ ra về theo hướng khác (với trụ sở của MI5) đề phòng tôi bị theo dõi”.

Ở MI5, đôi khi Peggy đảm nhiệm công việc chuyển thư từ và chịu trách nhiệm liên lạc với các điệp viên hai mang. Kể lại một kỉ niệm đáng nhớ trong một lần liên lạc, Peggy phải đưa một số tài liệu cho Tor Glad – bí danh Jeff, “Tôi đã hẹn gặp anh ấy ở ga đường tàu Piccadily. Chúng tôi mang theo những bông cẩm chướng đỏ để nhận ra nhau. Cảm giác lúc ấy như đang dấn thân vào một cuộc phiêu lưu vậy”, Peggy cười lớn, với niềm vui ánh lên từ đôi mắt. Nói cách khác, vai trò của Peggy Harmer ở MI5 được ví như Miss Monneypenny, cô thư ký xinh đẹp trong bộ phim James Bonds – cực kì quan trọng với sự thành công trong chiến dịch phản gián, song lại chỉ được biết đến ở phía sau hậu trường. Chỉ có điều, trong bộ phim, Miss Monneypenny dành cho anh chàng điệp viên một tình yêu không hồi đáp, còn với Peggy, đó là một câu chuyện khác,  bên cạnh việc đảm bảo bí mật tuyệt đối cho MI5, cô cũng có một bí mật không thể để cho MI5 biết.

Chẳng bao lâu sau khi làm việc tại B1A, cô được giao nhiệm vụ làm việc cùng điệp viên Christopher Harmer, một luật sư trẻ tài năng được tuyển bởi Tar Robertson. Cho dù có là một nữ điệp viên tài năng, có là một người phụ nữ với những cống hiến âm thầm đáng ngưỡng mộ, Peggy hơn hết vẫn là một cô gái trẻ. Cô gái bên những bông cảm chướng đỏ, với những rung động đầu tiên nơi bến tàu năm xưa, đến nay vẫn khát khao được yêu thương. Và họ nhanh chóng dành cho nhau những tình cảm đặc biệt: “Chúng tôi cực kì bí mật. Tôi không biết tại sao. Tôi nghĩ chắc là do xấu hổ. Bạn biết đấy, chúng tôi được huấn luyện khắt khe mà. Chúng tôi không muốn mọi người biết chuyện hẹn hò, vì vậy mà chúng tôi giả như không có. Đó thực sự là quãng thời gian không thể quên”. Nhưng rồi một đêm cặp đôi bị phát hiện nhảy cùng nhau tại một câu lạc bộ và cuộc tình của họ nhanh chóng được cả tổ chức biết đến. Năm 1943 họ kết hôn, cùng lúc Peggy phải chuyển sang làm việc tại bộ phận khác bởi quy định hai vợ chồng không thể làm cùng một nơi. Sau chiến tranh, họ chuyển đến Stratfort-upon-Avon sinh sống, kết thúc công việc điệp viên, Christopher trở lại làm luật sư, còn Peggy lui về chăm sóc cho tổ ấm nhỏ của mình.

Năm 1999, Peggy Harmer chịu cơn đột quỵ đầu tiên và trở thành người tàn tật. Bà sống cùng bốn người con: Caroline, Jeremy, Phillip và Sue, cùng bảy đứa cháu trong những năm cuối đời. Cựu điệp viên Harmer qua đời tại nhà riêng ở Banbury, Oxfordshire vào ngày 2/4.

Hà Thủy
.
.
.