Những bí mật mới nhất về chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden

Thứ Hai, 12/12/2011, 13:59

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn các phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta đã tiết lộ rằng: trước khi cuộc tấn công vào sào huyệt của tên trùm khủng bố khét tiếng Osama Bin Laden diễn ra, Mỹ đã không hề thông báo cho phía Pakistan: "Chúng tôi sợ thông tin sẽ được tiết lộ cho tên trùm khủng bố này biết" - ông Leon Panetta nói.

Từ thiếu gia thành chiến binh chống Mỹ

Osama bin Laden sinh năm 1957 tại Ảrập Xêút và là con thứ 17 trong đàn con 52 người của tỷ phú ngành xây dựng Mohamed bin Laden. Cha bin Laden là người phụ trách tới 80% hợp đồng xây dựng đường xá của vương quốc dầu mỏ Ảrập Xêút rộng lớn. Khi ông Mohamed qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng năm 1968, Osama được thừa kế nhiều triệu USD, nhưng ít hơn so với ước tính 250 triệu USD.

Ngay từ khi đang học ngành kỹ sư dân dụng tại Đại học King Abdul Aziz ở Ảrập Xêút, Osama bắt đầu tìm cách liên lạc với giáo viên và sinh viên mang quan điểm Hồi giáo bảo thủ. Sinh viên con tỷ phú này ngày càng gắn chặt với quan điểm Hồi giáo chính thống và chống lại những thứ mà anh ta cho là sự suy đồi của phương Tây. Cuộc can thiệp của Liên Xô vào Afghanistan tháng 12/1979 đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Osama bin Laden. Bỏ lại cuộc sống nhung lụa ở Ảrập Xêút, người này tới Afghanistan và tham gia cuộc nổi dậy của các chiến binh đạo Hồi mujahideen chống lại quân đội Liên Xô, trong suốt hàng chục năm.

Có một chi tiết ít được người Mỹ nhắc tới là theo các chuyên gia tình báo, Cục tình báo trung ương (CIA) đã đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị vũ khí và huấn luyện cho lực lượng mujahideen ở Afghanistan, trong đó có Osama bin Laden, để chống lại quân đội Liên Xô tại đây. Nhưng cuộc chiến Afghanistan kết thúc, quan điểm của Osama thay đổi hoàn toàn khi chuyển sự căm thù Matxcơva đưa quân sang Afghanistan thành căm ghét Washington vì 300.000 lính Mỹ gồm cả nữ giới đồn trú tại Ảrập Xêút. Mỹ hiện diện quân sự tại nơi có những thánh địa linh thiêng nhất của đạo Hồi này để tham gia cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất chống chế độ Saddam Hussein của Iraq năm 1991.

Trùm khủng bố tương lai coi đây là sự báng bổ đối với sự tinh khiết của đạo Hồi và ấp ủ sự báo thù người Mỹ. Cùng với các chiến binh Mujahideen khác, Osama đưa các kỹ năng chiến đấu và lòng tôn sùng đạo Hồi tới nhiều tổ chức chống Mỹ tại khu vực Trung Đông. Người Mỹ nhanh chóng gây sức ép với đồng minh Ảrập Xêút để tước quyền công dân của bin Laden năm 1994, buộc ông ta phải chạy sang Sudan.

Tháng 1/1996, bin Laden trở lại "chiến trường xưa" Afghanistan với sự căm ghét người Mỹ còn tăng hơn nhiều so với trước. Tình trạng hỗn loạn tại đây với sự hoành hành của các nhóm Hồi giáo như Taliban thực sự là "đất dụng võ" của bin Laden, đặc biệt là từ sau khi Taliban chiếm thủ đô Kabul cuối năm 1996. Một yếu tố mang tính quyết định để Osama bin Laden dần trở thành chiến binh Hồi giáo có ảnh hưởng nhất thế giới chính là sự giàu có của gia đình và bản thân. Tài sản của Osama tăng không ngừng nhờ những khoản đầu tư sinh lợi trên khắp thế giới, đủ sức cho ông ta chi tiền và điều hành các liên minh chiến binh xuyên quốc gia, thông qua mạng khủng bố Al-Qaeda.

Tháng 2/1998, Osama thay mặt tổ chức Mặt trận thế giới thánh chiến chống Do thái và quân thập tự chinh, công bố chỉ dụ tôn giáo (fatwa), tuyên bố các hoạt động giết chóc người Mỹ và các đồng minh là một nhiệm vụ của tín đồ đạo Hồi. Đúng 6 tháng sau, hai vụ đánh bom nhằm vào sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania làm 224 người chết và 5.000 người bị thương. Lập tức Osama bin Laden bị coi là nghi phạm chính và thực sự trở thành cái gai cần nhổ bằng được của người Mỹ. Quân đội nước này đã bắn 75 tên lửa hành trình từ biển vào 6 trại huấn luyện của chiến binh Hồi giáo do Bin Laden chỉ huy ở miền đông Afghanistan, nhưng vẫn không thể tiêu diệt được tên này.

Ngoài hai vụ khủng bố đẫm máu ở Kenya và Tanzania, Osama còn dính líu tới vụ đánh bom tại tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) ở New York năm 1993 cùng vụ xe bom ở thủ đô Riyadh và vụ đánh bom xe tải vào các doanh trại ở Ảrập Xêút, làm chết 19 lính Mỹ, năm 1995. BBC dẫn một tuyên bố của bin Laden nhấn mạnh: "Tôi luôn muốn giết người Mỹ vì họ giết chúng tôi". Đỉnh điểm trong các hành động bạo lực của Osama bin Laden nhằm vào người Mỹ là vụ khủng bố 11/9/2001, với hình ảnh hai chiếc máy bay bị không tặc lần lượt lao vào tòa tháp đôi WTC ở New York và khiến chúng sập xuống sau đó. Chiếc máy bay thứ ba đâm vào một phần Lầu Năm Góc ở Washington và chiếc thứ tư lao xuống cánh đồng bang Pennsylvania, khi chưa kịp đến mục tiêu khủng bố.

Tổng cộng có hơn 3.000 người thiệt mạng trong vụ 11/9 và sự kiện đẫm máu này khiến Mỹ quyết định phát động cuộc chiến tranh vào cuối năm 2001, chống chế độ Taliban tại Afghanistan, với cáo buộc chính quyền Hồi giáo hà khắc này dung túng cho mạng khủng bố Al-Qaeda của Osama bin Laden.

Chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố

Cũng trong một bài viết trên tạp chí nổi tiếng Time, ông Leon Panetta đã viết rằng: "Chúng tôi lo lắng rằng nếu thông báo cho phía Pakistan thì sẽ có người gửi thư thông báo đến cho Osama Bin Laden. Vì thế một khi đã quyết định tấn công là phải thực hiện ngay lập tức, không nên tiết lộ thông tin khi mọi việc chưa được giải quyết". Cũng theo ông Leon Panetta, không có nước nào được thông báo từ trước về cuộc đột kích.

Sau khi có thông báo chính thức từ phía Mỹ về việc tiêu diệt được tên trùm khủng bố, Bộ Ngoại giao Pakistan mới xác nhận trùm khủng bố Osama Bin Ladin đã chết trong một cuộc hành quân do lực lượng Mỹ thực hiện hồi sáng sớm ngày 1 tháng 5 (giờ địa phương) tại thành phố nhỏ miền núi không xa thủ đô Islamabad.

Thông cáo được đưa ra ngay sau cuộc họp do Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari triệu tập, và nêu rõ lực lượng vũ trang của Pakistan không tham gia vào cuộc hành quân đưa đến cái chết của Osama Bin Laden. Thông báo này của Bộ Ngoại giao Pakistan còn cho biết thêm là chính Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama đã gọi điện thông báo cho Tổng thống Pakistan Zardari về cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden. Tuy nhiên, cuộc gọi này đến sau khi chiến dịch đã kết thúc.

Phản ứng trước thông tin lực lượng biệt kích Mỹ đã hạ sát thủ lãnh Al-Qaeda trong một tòa nhà cách thủ đô Islamabad 100 km, phần lớn các giới chức ở Pakistan đã đón nhận một cách lặng lẽ đến sững sờ. Sau đó, Bộ Ngoại giao Pakistan công bố một thông cáo ngắn nói rằng một toán quân của Mỹ đã thực hiện một chiến dịch theo đúng chính sách của Washington nhằm tiêu diệt Bin Laden ở bất cứ nơi nào tìm thấy hắn ta.

Trong khi đó, các cơ quan truyền thông Pakistan lại tường thuật rất đầy đủ về vụ hạ sát Bin Laden, phần lớn ghi nhận phản ứng của các chuyên gia và các cựu thành viên trong chính phủ. Về phía một vài tổ chức, đã xuất hiện sự phẫn nộ đối với Mỹ về việc tiến hành một sứ mạng rõ ràng là đơn phương bên trong lãnh thổ Pakistan.

Vì sao Mỹ không thông báo cho Pakistan?

Với nguyên nhân được giải thích bởi người đứng đầu CIA cho thấy, sở dĩ Mỹ không thông báo cho phía Pakistan trước khi vụ tấn công diễn ra là do sợ thông tin sẽ bị rò rỉ.

Trong cuộc chiến chống khủng bố được phía Mỹ phát động sau vụ 11/9, Pakistan luôn được coi là đồng minh thân cận. Vì thế, sau khi vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden thành công, một quan chức Mỹ đã nói rằng: "Vụ tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden có ý nghĩa đánh dấu một bước mới trong mối quan hệ hợp tác chống khủng bố giữa Mỹ và Pakistan". Đã từ lâu, Mỹ cũng như nhiều nước thừa nhận rằng, cuộc chiến chống khủng bố không thể chỉ thực hiện từ Afghanistan mà Pakistan cũng đóng một vai trò quan trọng, bởi khu vực bộ lạc ở vùng biên giới giữa Pakistan và Afghanistan vẫn được coi là một căn cứ của bọn khủng bố.

Tuy nhiên, đôi khi Pakistan vẫn bị chỉ trích là chưa thực sự thiện chí trong cuộc chiến chống khủng bố, thậm chí là chơi trò hai mặt trong cuộc chiến này. Việc lực lượng đặc biệt của Mỹ tiêu diệt Bin Laden ở khu vực cách thủ đô Islamabad vài chục cây số đã dấy lên nghi ngờ về sự tham gia của phía Pakistan vào việc ém thông tin nơi trú ẩn của tên trùm khủng bố Osama Bin Laden. Cựu đại sứ Mỹ tại Pakistan, ông Tariq Fatemi nói rằng, sự kiện thủ lĩnh khủng bố được phát hiện sống ung dung trong thị trấn lớn nằm gần trung tâm của quân đội Pakistan chắc chắn sẽ tạo ra những mối nghi ngờ về việc quân đội nước này có thể biết về tung tích của Bin Laden.

Hiện nay, nhiều người vẫn chỉ trích rằng, Pakistan vẫn đang tiếp tục dung dưỡng các phần tử khủng bố

Hải Hiền (tổng hợp)
.
.
.