Những biện pháp phòng chống khủng bố của Indonesia

Thứ Ba, 08/12/2015, 18:00
Ngày càng có nhiều cảnh báo về nguy cơ khủng bố có thể diễn ra tại Indonesia, nên lực lượng cảnh sát và an ninh nước này đã áp dụng nhiều biện pháp để quốc gia vạn đảo không phải hứng chịu những cuộc tấn công như từng xảy ra tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Bali hoặc khách sạn Marriott ở trung tâm thủ đô Jakarta. 

Theo đó, các lực lượng chống khủng bố đã được đặt trong tình trạng báo động cao, nhất là sau khi lực lượng an ninh và cảnh sát phát hiện một số phần tử quá khích từ Trung Đông bất ngờ nhập cảnh vào Indonesia và xuất hiện ở một số khu vực gần thủ đô Jakarta. Có người đã nhận ra chúng tại khu vực Cileduk và Nam Tangerang thuộc tỉnh Banten, trên đảo Java (đô thị lớn thứ ba, chỉ cách thủ đô Jakarta khoảng 25km về phía Tây). Trong khi cảnh sát cho rằng, khoảng 70 người theo IS đã trở về nước, nhưng theo tờ Les Echos thì số người Indonesia gia nhập IS gấp tới 10 lần (700 người).

Lực lượng cảnh sát Indonesia làm nhiệm vụ.

Cảnh sát cùng lực lượng chống khủng bố đề phòng khả năng các phần tử cực đoan có thể đang ngấm ngầm hoạt động và lên kế hoạch xây dựng Nam Tangerang và Cileduk là thành trì mới của chúng. Theo thông báo của Phó Giám đốc Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia, Tổng Thanh tra Arief Dharmawan, hiện có ít nhất 5/34 tỉnh tại quốc gia có số dân Hồi giáo đông nhất thế giới, đã nằm trong tầm ảnh hưởng của IS và IS cũng đã tài trợ tiền và trang bị vũ khí cho nhiều nhóm đối lập tại đây.

Cảnh sát cho biết, nhóm MIT (Mujahidin Indonesia Timur) đã được IS trang bị cả vũ khí chống chiến xa. Do đó, để phòng chống khủng bố, công tác đảm bảo an ninh tại các địa điểm công cộng như trung tâm thương mại, văn hóa, sân vận động… đều được tăng cường. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn mở trường dạy chống khủng bố (tại miền Trung Java), thành lập một cơ quan phòng thủ mạng.

Tổng thống Joko Widodo khẳng định, sẽ kiểm soát nghiêm ngặt hơn hoạt động xuất nhập cảnh; đồng thời kêu gọi các nước hợp tác chặt chẽ hơn trong việc chia sẻ, trao đổi thông tin liên quan đến khủng bố. Ngoài ra, Indonesia cũng mở rộng hợp tác chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan với nhiều quốc gia như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Bỉ, Hy Lạp…

Bộ Giao thông cho biết, đã tăng cường an ninh tại các sân bay sau khi có thông tin nói rằng, một sân bay tại thủ đô Jakarta bị đe dọa trong bối cảnh xảy ra các vụ khủng bố trên thế giới. Theo đó, lực lượng chức năng tăng cường rà soát hành lý và hàng hóa, kiểm tra ngẫu nhiên các xe ôtô ra vào sân bay, đồng thời siết chặt việc soi chiếu các nhân viên làm việc ở sân bay. Ngoài ra, Indonesia cũng tăng cường giám sát số công dân vừa bị trục xuất gần đây sau khi họ tới Thổ Nhĩ Kỳ và tìm cách kết nối với IS ở Iraq và Syria.

Theo cảnh báo của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamed, IS đang tuyển mộ các giảng viên có chuyên môn cao về vũ khí, vật liệu nổ từ Malaysia, Indonesia và đây là mối đe dọa lớn đối với 2 nước, do đó không nên đánh giá thấp nguy cơ này. Bình luận về thông tin trên một bài báo đề cập tới kế hoạch thiết lập tổ chức IS khu vực Đông Nam Á do cựu giảng viên người Malaysia Mahmud Ahmad đứng đầu, Thứ trưởng Nur Jazlan Mohamed coi đây là mối đe dọa không chỉ của 2 nước kể trên, mà cả những nước thành viên Đông Nam Á khác; đồng thời kêu gọi các quốc gia hữu quan gia tăng theo dõi và quản lý mạng internet bởi đây là phương tiện giao tiếp chính để IS truyền chỉ thị ra bên ngoài.

Cảnh sát Indonesia sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Thứ trưởng Nur Jazlan Mohamed còn cho biết, cựu giảng viên Mahmud Ahmad có kế hoạch thành lập một nhóm chiến binh lớn tại khu vực Đông Nam Á và tên này hiện đang lẩn trốn ở miền Nam Philippines, đang lên kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công ở nhiều quốc gia.

Theo hãng Kyodo, ngày 4-12, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, ngày 8-12, Chính phủ nước này sẽ ra mắt "Đơn vị thu thập tin tức tình báo chống khủng bố quốc tế" và đây là một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng chống khủng bố của đất nước mặt trời mọc. "Đơn vị thu thập tin tức tình báo chống khủng bố quốc tế" trực thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản và sự ra đời của đơn vị này sớm hơn so với dự kiến trước đó - sẽ ra mắt trong tháng 4-2016. Và một trong những nguyên nhân chính khiến Tokyo thúc đẩy việc này đến từ vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở thủ đô Paris (Pháp) tối 13-11 vừa qua.
Tuệ Sỹ
.
.
.