Những cái bóng đằng sau ứng cử viên Tổng thống Mỹ

Thứ Năm, 22/10/2020, 08:00
Vào ngày 5/3 vừa qua đã có một nhà hoạt động vì môi trường cầm biểu ngữ nhảy lên cướp bục diễn thuyết trong khi ông Joe Biden, nguyên Phó tổng thống dưới thời ông Barack Obama và là ứng cử viên cho chức Tổng thống Mỹ đang đăng đàn. Và liền ngay đó giữa nhân vật nhảy lên cướp diễn đàn và vợ ông Joe Biden đã xảy ra xô xát giằng co tay chân trong khi những người vệ sỹ của vị Phó Tổng thống còn chưa kịp có bất cứ phản ứng gì.


Sau đó một vài tuần, thượng nghị sỹ Bernie Sanders có tổ chức một cuộc mít tinh tại thành phố Phoenix, Arizona. Trong khi ông Sanders đang say sưa diễn thuyết, đột nhiên một lá cờ phát-xít bất ngờ xuất hiện tung bay giữa đám đông. Ông Sanders là một người dân chủ xã hội và đã từng nhận được nhiều lời đe doạ từ các đối tượng phát-xít.

Việc tranh cử Tổng thống tại Mỹ đang càng ngày trở nên nguy hiểm bởi những ẩn họa khôn lường rình rập. Trong vòng bốn năm trở lại đây, số lượng các đối tượng khủng bố nội địa tại nước này đã gia tăng, trong khi những quy định kiểm soát súng đạn lại được chính quyền của ông Donald Trump nới lỏng. Mà khoan nói đến những đối tượng cực đoan, ngay cả người dân Mỹ bình thường cũng đang có xu hướng trở nên kích động hơn.

Phản ứng bất cập của nước Mỹ đối với đại dịch COVID-19, cộng với việc thu nhập trung bình sụt giảm quá nhanh đã - đang khiến cho nhiều cử tri có tâm trạng chán ghét với nền chính trị Mỹ. Khả năng xảy ra một vụ tấn công vào các ứng cử viên tổng thống Mỹ hiện đang ở mức đáng báo động. Vậy ai sẽ là người đứng ra bảo vệ các ứng cử viên trong cuộc chạy đua tranh chức Tổng thống Mỹ 2020 diễn ra chỉ trong ít ngày nữa?! Câu trả lời là: Các nhân viên của sở Mật vụ Mỹ!

Vợ ộng Joe Biden (phải) đang cố ngăn cản một người biểu tình nhảy lên bục diễn thuyết trong buổi mít tinh ủng hộ vị nguyên phó Tổng thống.

Sở Mật vụ Mỹ ban đầu được thành lập chỉ nhằm mục đích duy nhất là, chống sản xuất - kinh doanh bạc giả, nhưng sau này họ được giao thêm nhiệm vụ bảo vệ các yếu nhân. Nhiều người đã biết rằng Tổng thống, Phó tổng thống Mỹ cùng gia đình của họ và các vị quan khách nước ngoài là những đối tượng được Sở Mật vụ Mỹ bảo vệ. Thế nhưng, cơ quan này cũng đảm nhận thêm cả việc bảo vệ các ứng cử viên tranh cử Tổng thống nữa.

Về nguyên tắc, người ứng cử viên trước hết phải gửi một lá đơn đến Bộ An ninh nội địa nước Mỹ. Tiếp theo trực tiếp Bộ trưởng sẽ xem xét liệu có điều động nhân viên của Sở Mật vụ làm nhiệm vụ bảo vệ cho ứng cử viên đó hay không. Quốc hội Mỹ còn lập hẳn ra một nhóm gọi là "Hội đồng Tư vấn việc bảo vệ ứng cử viên", mà thành viên chính bao gồm các nghị viên của cả hai đảng để tư vấn cho Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa về vấn đề này. Những điều kiện nào mà một ứng cử viên cần phải có để nhận được sự bảo vệ của Sở Mật vụ Mỹ?!

"Hội đồng Tư vấn việc bảo vệ ứng cử viên" nói chung sẽ xem xét một số yêu cầu sau. Thứ nhất, ứng cử viên tổ chức tranh cử trên toàn quốc. Thứ hai, ứng cử viên đang tìm kiếm sự ủng hộ của một đảng phái chính trị mà trong cuộc bầu cử Tổng thống trước nhận được hơn 10% số phiếu bầu toàn quốc. Trước ngày 1 tháng 4, ứng cử viên phải được hơn 5% số cử tri toàn quốc ủng hộ theo kết quả khảo sát của các cơ quan thông tấn ABC, CBS, NBC, và CNN. Hoặc, trong hai cuộc bầu cử sơ bộ liên tiếp, ứng cử viên phải nhận được hơn 10% từ cử chi hai bang khác nhau.

Những mối nguy hiểm rình rập các yếu nhân có muôn hình vạn trạng, vậy nên Sở Mật vụ Mỹ cũng phải tìm cách để có thể phản ứng lại với bất kỳ trường hợp nào có thể xảy ra. Cơ quan này sở hữu rất nhiều đội phản ứng chuyên môn khác nhau như đội bảo vệ máy bay, đội chống bắn tỉa, đội chống theo dõi, đội xử lý thuốc độc, đội cứu thương.

Và kỳ lạ nhất là Sở Mật vụ Mỹ còn có hẳn một đội quét kim loại - chịu trách nhiệm về những máy dò kim loại đặt trước cơ quan công quyền và các cơ sở khác. Họ có thể nhanh chóng xử lý mọi loại hình tấn công khủng bố, từ thuốc hoá học và vi khuẩn gây bệnh đến thuốc nổ và bom hạt nhân, v. v...

Nhân viên Sở Mật vụ trong một buổi diễn tập bảo vệ yếu nhân.

Một mặt trận mới của Sở Mật vụ Mỹ là mạng Internet. Từ sau một loạt sự cố liên quan đến hòm thư điện tử của bà Hilary Clinton hồi năm 2016 đã khiến cả giới cầm quyền Mỹ bàng hoàng về tầm nguy hiểm của chiến tranh điện tử. Chỉ một vài lời lẽ không mấy hay ho xuất hiện trong một bức thư điện tử cũng có thể phá hỏng chiến dịch tranh cử của một ứng cử viên.

Trong khi Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đang giữ trọng trách chính trong việc bảo vệ các nhân vật chính yếu trong chính trị Mỹ, Sở Nội vụ cũng đang đóng một vai trò quan trọng. Họ giám sát phần nào hoạt động trên Internet của các ứng cử viên và đưa ra lời khuyên để giúp ứng cử viên tự bảo vệ mình. Đây không phải là một công việc dễ dàng, vì hầu hết các ứng cử viên tổng thống đều đã  ở cái tuổi hơn 60 và không có nhiều kinh nghiệm cũng như hình thành được thói quen  bảo vệ bản thân trên mạng Internet.

Những chi tiết nói trên chỉ là một trong số những kịch bản cho buổi diễn tập hằng ngày của nhân viên mật vụ Mỹ. Những khi họ không phải đi hộ tống, các nhân viên Sở Mật vụ dành hầu hết thời gian tập luyện tại thao trường đặt ở Beltsville, bang Maryland chỉ cách đường cao tốc Baltimore-Washington vài ki-lô-mét. Trong khi cuộc bầu cử 2020 của nước Mỹ đang ngày một nóng dần lên, lịch tập luyện của các nhân viên Sở Mật vụ cũng lập tức dày lên theo.

Ông Brian McDonough, Phó cục trưởng Cục Huấn luyện của sở Mật vụ Mỹ, cho biết: "Chúng tôi đã nhận thấy từ năm 2016 là cử tri tham gia mít tinh dễ bị kích động hơn rất nhiều. Số lượng những vụ mà Sở Mật vụ phải hộ tống những người có hành vi quá khích đã tăng mạnh!". Một trong những nội dung huấn luyện được Sở Mật vụ Mỹ chú trọng là kỹ năng giải tán đám đông và cô lập những người đang ở trong trạng thái kích động.

Một khía cạnh khác của việc tập luyện là kỹ năng sơ cấp cứu. Vì áp lực phải đi vận động bầu cử khắp đất nước, cho nên việc ăn uống, ngủ nghỉ thường không không đầy đủ, các ứng cử viên luôn phải đối mặt với nguy cơ ngất xỉu, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, v.v…Đấy là chưa kể những trường hợp dị ứng hay bị đầu độc. Những người ở vị trí tiếp cận gần nhất với ứng cử viên là nhân viên mật vụ vì thế phải được trang bị kỹ năng sơ cấp cứu để có thể phản ứng kịp thời nhất có thể.

Trước khi họ nhận nhiệm vụ bảo vệ bất kỳ ai, các nhân viên mật vụ đều được giao hồ sơ bệnh án của yếu nhân và trong trường hợp cá nhân đó có một bệnh tật đặc biệt, chương trình huấn luyện có thể còn được mở rộng ra việc xử lý căn bệnh đó.

Ông Barack Obama luôn có nhân viên Sở Mật vụ đi theo bảo vệ khi tranh cử Tổng thống.

Các nhân viên mật vụ Mỹ làm nhiệm vụ bảo vệ ứng cử viên tranh cử Tổng thống liên tục phải đối mặt với cơn ác mộng của họ hằng ngày, đó là: Các sự kiện đông người. Vào năm 2016, đã có tới năm cảnh sát tại hai thành phố khác nhau tại Mỹ bị phục kích và giết chết bởi những kẻ quá khích có ý định tấn công ông Donald Trump. Ngoài ra, còn vô số những vụ thảm sát tại chỗ đông người. Khó khăn của các nhân viên mật vụ là làm cách nào vừa bảo vệ được ứng cử viên giữa đám đông, lại vừa không làm cản trở hoạt động kêu gọi cử  tri ủng hộ.

Một trong những điều quan trọng để nhân viên mật vụ làm tốt nhiệm vụ của mình là cùng với ứng cử viên đặt ra những quy tắc bảo đảm an toàn. Lấy ví dụ, nguyên Tổng thống Barack Obama. Ông Obama đã xác định từ lâu rằng mình sẽ ra tranh cử Tổng thống, và hai năm trước khi cuộc bầu cử diễn ra, ông đã gửi yêu cầu bảo vệ đến Bộ An ninh nội địa, sớm hơn hẳn các ứng cử viên khác.

Khoảng thời gian này đã được ông Obama và Sở Mật vụ sử dụng hiệu quả để lập ra các quy tắc vừa bảo vệ được yếu nhân, vừa không làm cản trở việc kêu gọi cử tri của ông Obama. Kết quả thu được là bao giờ cử tri cũng có ấn tượng rằng ông Obama cũng rất thân thiện và dễ gần.

Ngược lại, việc không có những quy tắc bảo đảm an toàn chung có thể gây nguy hiểm đối với mạng sống của ứng cử viên. Năm 1968, Thượng nghị sỹ Robert F. Kennedy, em trai cố Tổng thống John F. Kennedy, ra tranh cử Tổng thống nước Mỹ. Vị Thượng nghị sỹ nói trên dự định phát biểu ăn mừng sau khi chiến thắng bầu cử sơ bộ tại bang California. Trong khi đi từ phòng khách sạn xuống phòng hội nghị, ông Kennedy tiện thể trả lời luôn câu hỏi của giới báo chí.

Sirhan Sirhan, một người ủng hộ Quân Giải phóng Palestine, đã lẻn vào nhóm phóng viên và bắn chết ông Kennedy. Vụ việc này hoàn toàn đã có thể tránh được nếu như ông Kennedy tổ chức trả lời phỏng vấn ở phòng hội nghị thay vì đi giữa đám đông mà không hề có ý thức cảnh giác.

Từ sau cái chết của Thượng nghị sỹ John Kennedy, hầu như tất cả các ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ đều liên lạc với Sở Mật vụ để nhận được sự bảo vệ. Ngoài sự an toàn, một điều mà các nhà quan sát nhận thấy là mỗi khi ứng cử viên có nhân viên mật vụ đi theo, cử tri lại tỏ ra coi trọng khả năng và quyền uy của họ hơn. Với một số ứng cử viên thì đây là một điều rất có ích nhằm tăng uy tín bản thân, nhưng với những người khác thì điều đó lại là rào cản giữa họ và cử tri. Đó là lý do mà cố Thượng nghị sỹ John McCain, Ted Cruz và Rand Paul đều không nhờ đến Sở Mật vụ để bảo vệ bản thân.

Tổng thống Donald Trump hồi đầu năm 2016 cũng không muốn có nhân viên mật vụ bảo vệ, nhưng vì lời khuyên của cố vấn mà sau đó ông ấy mới thay đổi quyết định kể trên. Mới cách đây vài ngày thôi một số nhân viên mật vụ đã tháp tùng ông Donald Trump đi từ Nhà Trắng đến căn cứ quân sự Walter Reed. Họ được cách ly, và những người nhiễm COVID-19 cũng được ưu tiên chữa trị như ông Trump.

Do trường hợp hy hữu này mà mới đây Sở Mật vụ Mỹ đã phải đưa ra một số quy tắc mới về việc phòng, chống lây nhiễm bệnh trong khi bảo vệ ứng cử viên Tổng thống. Tuy vậy, nỗi lo lây nhiễm COVID-19 sẽ còn tăng lên khi hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và Cộng hoà đẩy mạnh hoạt động kêu gọi cử tri.

Thế nhưng, khó khăn lớn nhất mà Sở Mật vụ Mỹ và các nhân viên đang phải đối mặt lại liên quan đến ngân sách. Để bảo vệ một ứng cử  viên Tổng thống trong một ngày, Sở Mật vụ Mỹ sẽ phải chi đến 38.000 USD. Nếu chỉ tính riêng giai đoạn nước rút kéo dài hai tháng thì chi phí cũng đã lên tới trung bình 204 triệu USD. Nhằm cắt giảm chi phí, chính phủ Mỹ đã từ chối tăng lương nhân viên Sở Mật vụ theo lịch trình. Toàn bộ hệ thống nhân viên và lãnh đạo sở đã có phản ứng mạnh đối với quyết định này với những lý do chính đáng: Cuộc sống của các nhân viên mật vụ sẽ bị đảo lộn hoàn toàn khi họ được giao nhiệm vụ bảo vệ ứng cử viên Tổng thống. Họ thường xuyên phải làm việc quá giờ ngoài trời, không được nghỉ ngơi đủ, lúc nào cũng phải chịu áp lực và chưa kể khả năng chịu thương tích trong khi đang thực hiện nhiệm vụ.

Mối hiểm hoạ đánh bom khủng bố luôn thường trực đối với các ứng cử viên tổng thống Mỹ.

Để phản đối việc không tăng lương, Giám đốc Sở Mật vụ Mỹ là ông Randolph Alles đã từ chức vào tháng 5 năm ngoái. Người kế nhiệm ông, James Murray, đang tiếp tục cuộc chiến tăng lương cho nhân viên. Ông Murray còn thề rằng sẽ từ chức nếu yêu cầu của mình không được đáp ứng. Trong khi chỉ còn vài tuần nữa là sẽ đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đây là một khả năng mà không ai muốn nghĩ đến. Hiện vụ việc đã được đưa lên Quốc hội Mỹ để thảo luận, tìm ra hướng giải quyết.

Có nhiều ý kiến cho rằng, các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ quá là phù phiếm và khoe mẽ. Ý kiến này không phải là không có cơ sở, và cũng xuất phát một phần từ tâm lý đám đông của người Mỹ. Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của cuộc bầu cử này, một cuộc chạy đua để tìm ra người lãnh đạo quốc gia lớn mạnh nhất thế giới.

Do vậy chắc chắn không thiếu những cá nhân; tổ chức trong và ngoài nước Mỹ sẽ tìm cách gây ảnh hưởng trực tiếp lên các ứng cử viên tranh cử Tổng thống. Những nhân viên mật vụ Mỹ giống như "tấm khiên" vậy. Nhưng họ không chỉ bảo vệ các ứng cử viên. Họ còn đang bảo vệ cho tự do và nền dân chủ của đất nước. Đây là một công việc thầm lặng và ít vinh quang, nhưng những người thực hiện nhiệm vụ đó thật xứng đáng nhận được sự trân trọng của xã hội.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.
.