Những chàng cứu hỏa Đức

Thứ Hai, 30/01/2017, 07:15
Cộng hòa liên bang Đức là quốc gia rất phát triển cả về văn hóa, chính trị, kinh tế, quốc phòng. Để phục vụ sự phát triển bền vững của mình, Đức rất chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) Đức (GFD) là một trong những lực lượng cảnh sát PCCC có quy mô và chất lượng tốt nhất trên thế giới.


Lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở Đức được cấu thành bởi ba thành tố: Các đội chữa cháy tình nguyện có tới gần 1,4 triệu người (do các khu dân cư, nhà máy, công sở… tự lập ra và không hưởng lương từ ngân sách nhà nước); cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp (do ngân sách nhà nước trả lương) và các đội chữa cháy bắt buộc phải có theo quy định của pháp luật (tại các sân bay, cảng biển, cơ sở quân sự…).

Luật pháp Đức quy định, tất cả các thành phố có trên 80.000 dân đều phải thành lập Sở cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp và ngân sách thành phố phải chi trả hoạt động.

Với các thành phố quy mô nhỏ hơn thì thành lập các đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Nếu các đơn vị cảnh sát PCCC này không tuyển dụng đủ quân số cần thiết thì thị trưởng thành phố đó sẽ quyết định áp dụng chế độ nghĩa vụ bắt buộc và những người được phục vụ trong cảnh sát PCCC sẽ được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Lính cứu hỏa Đức xông pha trong biển lửa.

Cấp bậc của GFD không giống như với cảnh sát thông thường. Học viên (ít nhất 16 tuổi, một số bang quy định ít nhất 18 tuổi), lính cấp 1 (sau khi trải qua khóa huấn luyện học viên), lính cấp 2 (sau khi hoàn thành khóa huấn luyện nâng cao và đã là lính cấp 1 ít nhất 2 năm), lính cấp 3 (đã hoàn thành 5 năm lính cấp 2), chỉ huy cấp 1 (đã trải qua 10 năm lính cấp 3 và đã được cấp chứng chỉ lãnh đạo cấp 1), chỉ huy cấp 2 (đã trải qua 10 năm lãnh đạo cấp 1 và đã được cấp chứng chỉ lãnh đạo cấp 2), chỉ huy cấp 3 (đã trải qua ít nhất 1 năm lãnh đạo cấp 2 và được cấp chứng chỉ lãnh đạo cấp 3), chỉ huy cao cấp 1 (trải qua hai năm chỉ huy cấp 1 và trải qua khóa huấn luyện lãnh đạo tại Học viện Cảnh sát PCCC), chỉ huy cao cấp 2 (đã trải qua 2 năm chỉ huy cấp cao 1), chỉ huy cấp cao 3 (trải qua ít nhất 5 năm chỉ huy cấp cao 2), Phó Tư lệnh (đã từng là chỉ huy cấp cao 3, trải qua khóa huấn luyện chuyên sâu ở Học viện Cảnh sát PCCC), Tư lệnh (đã từng là Phó Tư lệnh, trải qua khóa huấn luyện chuyên sâu ở Học viện Cảnh sát PCCC). Sỹ quan GFD ở tất cả các cấp bậc hằng năm đều phải tham gia các khóa đào tạo bắt buộc với thời gian dài ngắn khác nhau về các kiến thức cập nhật và rèn luyện thể lực, kỹ năng làm việc tại các cơ sở đào tạo với nhiều bài kiểm tra nghiêm khắc.

Nếu sỹ quan không đạt ở bài thi nào sẽ được có cơ hội thi lại 1 lần, nhưng nếu ở bài thi thứ hai vẫn không đạt thì dứt khóa sỹ quan đó sẽ bị sa thải bất kỳ ở cấp nào. Do vậy, ở mọi sỹ quan GFD đều thấy tính kỷ luật, tinh thần rèn luyện và học hỏi nghiêm túc để đảm bảo mọi yêu cầu công việc.

Không giống như cơ cấu của cảnh sát PCCC Mỹ (có đội xe phun nước và đội xe thang riêng rẽ), đơn vị nhỏ nhất có thể hoạt động độc lập của GFD là Gruppe (tổ). Gruppe thông thường bao gồm 1 xe chỉ huy, 1 xe phun nước, 1 xe tiếp nước và 1 xe thang. Khi có tình huống xảy ra, mỗi tổ có thể độc lập tác chiến hoặc chỉ huy sẽ điều nhiều tổ hoặc chỉ một phần của các tổ phối hợp với nhau (có một số vụ chỉ cần sử dụng 1 xe thang hoặc không cần). Tất cả các sở hay đội cảnh sát PCCC đều có đơn vị hỗ trợ, hậu cần và cứu hộ.

Lính cứu hỏa thường xuyên luyện tập.

GFD được đầu tư thỏa đáng từ Chính phủ. Họ có cả máy bay phản lực và máy bay cứu hỏa chuyên dụng cũng như tàu chữa cháy trên biển, trên sông. Đội xe chữa cháy rất hiện đại với các loại xe chuyên dụng có vòi cao áp điện tử (thường chứa từ 6m³ – 13m³ nước, có thể phun nước cho ống dẫn dài tới 2.000m) của các hãng xe trong nước nổi tiếng Volkswagen, Mercedes-Benz. Cảnh sát PCCC Đức thường sử dụng xe thang loại DLK 23-12 có thể vươn cao 23 mét.

Ngoài nước, xe PCCC còn sử dụng các loại bọt khí chuyên dụng khi cần thiết để dập tắt các đám cháy xăng dầu hoặc hóa chất. Tất cả các xe đều có hệ thống bộ đàm vệ tinh, định vị toàn cầu và hệ thống máy tính kết nối cơ sở dữ liệu và trung tâm chỉ huy.

Mọi lính cứu hỏa khi tham gia chữa cháy được trang bị quần áo, ủng, mũ bảo hộ chống cháy chất lượng cao, mặt nạ phòng độc, bình ô xy, bộ đàm sóng ngắn FM hai chiều và các dụng cụ chữa cháy, cứu nạn khẩn cấp. Hệ thống liên lạc của GFD được kết nối bảo mật với hệ thống liên lạc của cảnh sát và lực lượng cứu hộ vì thế cảnh sát PCCC có thể dễ dàng chuyển kênh để trao đổi thông tin, yêu cầu hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.

Cứu hỏa được xác định là một ngành nghề nguy hiểm, độc hại, do vậy lính cứu hỏa Đức được hưởng chế độ lương và phúc lợi tốt, đủ nuôi sống bản thân và gia đình nhỏ ở mức sống trung bình. Họ được khám sức khỏe hằng năm và chữa bệnh miễn phí, được về hưu sớm hơn so với các ngành nghề khác.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, nếu bị hy sinh thì sỹ quan GFD sẽ được Chính phủ tặng huân chương, bảo trợ con của liệt sỹ đến năm 18 tuổi, ưu tiên việc làm cho vợ/chồng liệt sỹ nếu người này đang thất nghiệp và sự thăm hỏi, quan tâm hằng năm…

Trong xã hội Đức, nghề cứu hỏa là nghề được xã hội coi trọng và tôn vinh vì đây là nghề của những người chấp nhận nguy hiểm để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân. Hằng năm, có rất nhiều thanh niên Đức đăng ký để được phục vụ trong hàng ngũ GFD. Với họ, trở thành sỹ quan GFD là một niềm vinh dự và tự hào lớn lao trong cuộc đời.

Tú Oanh
.
.
.