Những chiêu lách luật của má mì thế giới

Thứ Năm, 07/06/2012, 15:14

Nhiều người thực sự cảm thấy khó chịu sau khi biết tin Anna Gristina, người có biệt danh "tú bà Manhattan" được tại ngoại trong thời gian hầu tòa sau khi nộp 2 triệu USD tiền bảo lãnh. Điều đáng nói là khoản tiền này không phải do "khổ chủ" móc hầu bao, mà đến từ những người hảo tâm.

Theo giới truyền thông, ngay sau khi trang web helpanna.org (giúp Anna) do chồng và 4 người con lập ra đã lập tức quyên đủ số tiền tòa yêu cầu để Anna Gristina được tại ngoại. Thông qua trang web kể trên, chồng và con Anna Gristina đã khéo tố khổ để "tú bà Manhattan" không những có tiền cứu giúp, mà còn nhận được sự cảm thông của cư dân mạng…

Mặc dù chịu sức ép khá lớn từ dư luận nhưng Chánh án Tòa án tối cao Manhattan (New York) Juan Merchan vẫn từ chối hạ mức tiền bảo lãnh tại ngoại (2 triệu USD). Được biết, việc thế chấp căn hộ trị giá 2,5 triệu USD của Anna Gristina do luật sư Peter Gleason đưa ra để được tại ngoại từng bị tòa bác bỏ. Do đó, luật sư Peter Gleason đã bị thay thế bằng luật sư Gary Greenwald.

Giới chuyên môn cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến Anna Gristina được an toàn bởi "tú bà Manhattan" biết giữ mồm giữ miệng cho dù sở hữu nhiều cái tên quan trọng. Được biết, chỉ vài tuần sau khi Anna Gristina bị bắt, ông Eliot Spitzer, nguyên Thống đốc New York bị tố cáo đã báo trước cho "tú bà Manhattan" biết về chiến dịch truy bắt năm 2005. Chính nhờ thông tin của ông Eliot Spitzer nên Anna Gristina không những dừng hoạt động của đường dây gái gọi được biết tới dưới mĩ từ "Tinh hoa" (hoạt động 15 năm trước đó), mà còn đào tẩu để tránh sự điều tra của cơ quan chức năng.

Mãi tới ngày 23/2/2012, Anna Gristina, người gốc Kirkliston, gần Edinburgh, mới bị bắt và đang bị giam ở nhà tù Rikers Island khét tiếng của New York, Mỹ. Ông Eliot Spitzer đã phải từ chức thống đốc vì bị cáo buộc là khách hàng của "tú bà Manhattan". Cựu Thượng nghị sĩ John Edwards cũng bị tố cáo là khách hàng của Anna Gristina.

Trước đó, có một "má mì" danh tiếng không kém Anna Gristina cũng từng khiến dư luận bận tâm bởi những tuyệt chiêu "chẳng giống ai". Đó là Deborah Jeane Palfrey, người từng khiến nhiều quan chức Washington run rẩy cách đây 5 năm sau tuyên bố "Muốn công khai danh sách khách hàng, những quan chức cấp cao Mỹ". Luật sư của bà Deborah Jeane Palfrey coi đây là một việc hợp pháp bởi má mì này là chủ Công ty Pamela Martin & Associates, chuyên cung cấp gái trẻ đẹp cho khách hàng giải trí với giá 300 USD/giờ - không phải là bán dâm bất hợp pháp, mà chỉ là thăng hoa tình dục! Được biết, sau khi bị bắt, thẩm vấn và hầu tòa, Deborah Jeane Palfrey đã trao cho một hãng truyền thông danh sách 15.000 khách hàng và coi đây là "con tin" giúp mình thoát tội.

Deborah Jeane Palfrey là người am hiểu pháp luật bởi có bằng cử nhân tư pháp hình sự nên rất biết cách lách luật. Ngày 30/4/2007, Deborah Jeane Palfrey tuyên bố, sẽ nêu tên khách hàng nếu bị khởi tố vì tội môi giới mại dâm. Bản danh sách kể trên (nặng 6,35 kg) của Deborah Jeane Palfrey khi đó đã khiến Giám đốc cơ quan phát triển quốc tế Mỹ, ông Randall Tobias 65 tuổi phải từ chức.

Được biết, công ty của Deborah Jeane Palfrey sử dụng 132 nhân viên tuổi từ 23 đến 55, chuyên hoạt động ở 2 bang Maryland, Virginia và thủ đô Washington và hầu hết đều có bằng đại học và khách hàng của họ đều thuộc giới thượng lưu. Tuy có rất nhiều chiêu trò, nhưng ngày 1/5/2008, bà Blanche Palfrey, mẹ đẻ Deborah Jeane Palfrey đã tìm thấy thi thể của con gái - treo cổ bằng một sợi dây nilon ở bên ngoài căn nhà di động của mẹ đẻ ở Florida, người có biệt danh "Má mì Washington DC".

Theo tuyên bố của cảnh sát, Deborah Jeane Palfrey đã tự tử vì cùng đường và trong bức thư tuyệt mệnh, "Má mì Washington DC" đã xin lỗi mẹ và em gái bởi "không thể chịu được cảnh ngục tù" và cái chết là lối thoát duy nhất. Lá thư tuyệt mệnh ghi ngày 25/4/2008, gần một tuần trước khi Deborah Jeane Palfrey treo cổ. Trước đó (tháng 1/2008), ông Brandy Britton, giảng viên của Trường Đại học Maryland đồng thời là nhân viên trong đường dây của "Má mì Washington DC" đã tự kết liễu cuộc đời trước khi phải hầu tòa.

Cách đây không lâu (tháng 5/2011), má mì Kristin Davis, 35 tuổi, chủ một đại lý chuyên cung cấp gái đã tiết lộ với tờ The Times rằng, nguyên Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn đã sử dụng dịch vụ của họ vài lần trong năm 2006 với giá 2.400 USD cho 2 giờ đồng hồ. Khi đó, người phục vụ ông Dominique Strauss-Kahn là Irma Nici (hiện sống ở Paris, Pháp), gái mại dâm người Bosnia.

Má mì Kristin Davis tuy cũng có nhiều tuyệt chiêu, nhưng vẫn phải bóc lịch tại nhà tù Rikers vì bị buộc tội hành nghề mại dâm. Khoảng 4 năm trước (tháng 6/2008), hàng trăm má mì bóc lột tình dục trẻ em đã bị bắt tại Mỹ và 21 trẻ vị thành niên được cứu thoát khỏi những đường dây mãi dâm trẻ vị thành niên. Đây là kết quả của "Chiến dịch xuyên quốc gia" do Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành.

Khi đó, Giám đốc FBI Allen Mueller cho biết, mục tiêu cao nhất của họ là bảo vệ các em cũng như gìn giữ sự trong trắng mà lẽ ra các em được hưởng và buôn bán trẻ em phục vụ các nhu cầu tình dục là loại tội phạm bạo lực nhất và không thể tha thứ được tại Mỹ

Nguyễn Thị Lân(tổng hợp)
.
.
.