Những chuyện thú vị về Cảnh sát quốc gia Pháp

Thứ Sáu, 29/01/2016, 09:00
Cảnh sát quốc gia Pháp (DGPN) là sự sáp nhập của hai cơ quan trước kia là cơ quan cảnh sát quốc gia và cơ quan hành pháp quốc gia Pháp, có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự tại các thành phố và thị trấn lớn. Còn nhiệm vụ này tại các thị trấn nhỏ, khu vực nông thôn và vùng biên giới lại thuộc về lực lượng cảnh binh quốc gia. Cảnh sát quốc gia với quân số khoảng 150.000 người thuộc sự quản lý của Bộ Nội vụ Pháp.


Về cơ cấu, DGPN do Giám đốc Cảnh sát quốc gia điều hành với các Phó Giám đốc giúp việc với các Cục nghiệp vụ bao gồm: Cục nhân lực, Ban thanh tra, Cục phòng chống khủng bố, Cục điều tra tội phạm, Cục phòng chống tội phạm tin học và an ninh mạng, Cục An ninh công cộng (thực hiện công tác tuần tra, thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp phạm tội nhẹ, trợ giúp các trường hợp khẩn cấp, chiếm gần 80% lực lượng), Cục hợp tác quốc tế, Cục kỹ thuật hình sự, Cục hỗ trợ tìm kiếm và can thiệp, Cục cảnh sát bảo vệ (bảo vệ yếu nhân, các nhà ngoại giao, bảo vệ Tổng thống), Cục giám sát lãnh thổ và 9 đội cảnh sát đặc nhiệm (SWAT). Tại các địa phương là các sở cảnh sát trực thuộc Cảnh sát quốc gia, chịu nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trong phạm vi mình phụ trách. Dưới sở là các đồn cảnh sát với quân số khoảng 40 – 50 người, giữ gìn an ninh cho 1 hoặc 2 quận.

Hiện nay, vũ khí tiêu chuẩn của Cảnh sát quốc gia Pháp là súng ngắn SIG sauer Pro SP 2022s và theo kế hoạch sẽ được sử dụng cho đến năm 2022. Ngoài ra, đối với các đơn vị  đặc biệt có thể được trang bị súng trường, súng tiểu liên hoặc súng bắn tỉa. Trong khi phần lớn phương tiện vận chuyển sử dụng phục vụ công việc đều có thương hiệu của Pháp, chủ yếu là xe ôtô do các hãng Renault, Citroen và Peugout sản xuất cùng trực thăng vũ trang, xe máy phân khối lớn và xuồng cao tốc hoặc tàu tuần tra trên sông.

   Cảnh sát Pháp luôn thân thiện, giúp đỡ người dân.

Cảnh sát quốc gia Pháp được đánh giá là một trong những lực lượng cảnh sát có chất lượng và hình ảnh đẹp nhất trong công chúng. Tất cả các sỹ quan được tuyển chọn vào lực lượng đều phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu về ngoại hình, sức khỏe, trình độ, lý lịch..., sau đó sẽ phải trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu và chỉ những người vượt qua được các bài thi mới được bố trí về các đơn vị nghiệp vụ. 

Trong quá trình công tác, họ đều phải định kỳ trải qua các khóa huấn luyện, đào tạo và sàng lọc, yêu cầu mỗi sỹ quan phải luôn có ý thức rèn luyện, phấn đấu để đáp ứng yêu cầu công việc chứ không có chuyện “sống lâu là lên lão làng”. Đối với mỗi bậc thăng tiến hoặc chức vụ, ngoài tiêu chuẩn cứng về thâm niên công tác thì các ứng viên đều phải trải qua kỳ sát hạch với sự chấm điểm công tâm của ban giám khảo là những lãnh đạo, chuyên gia giàu kinh nghiệm để đảm bảo người được bổ nhiệm vào vị trí ấy là phù hợp, có đủ năng lực và phẩm chất để đảm trách.

Nhiều người lo ngại về việc phân vùng liền kề tại khu vực đô thị và nông thôn giữa cảnh sát và cảnh binh Pháp nhưng cảnh sát Pháp luôn xử lý tốt tại các khu vực giao thoa thông qua cõ chế phối hợp, trao ðổi thông tin rất linh hoạt và rõ ràng. 

Khi cần có sự phối hợp để xử lý nhiệm vụ, như việc tội phạm bỏ trốn từ khu vực đô thị do cảnh sát quản lý tới khu vực nông thôn, biên giới do cảnh binh quản lý, thông tin sẽ được trao đổi đầy đủ kèm theo yêu cầu phối hợp nhanh thông qua bộ đàm hoặc văn bản và khi cần, cảnh sát có thể cử cán bộ sang khu vực khác để phối hợp với cảnh binh để điều tra, bắt giữ. 

Mọi khúc mắc khi xử lý chung một vấn đề đều được cảnh sát và cảnh binh báo cáo nhanh lên cấp trên để hai bên tìm ra giải pháp phù hợp nhất thông qua đường dây nóng mà không được để phát sinh xung đột hoặc tư tưởng “quyền anh, quyền tôi”.

  Sự phối hợp tốt giữa cảnh sát và cảnh binh.

Khi thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát Pháp luôn thể hiện sự quyết liệt, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm nhưng cũng rất nhân văn, lịch thiệp đầy chất “Pháp” khi tiếp xúc với nhân dân, du khách. Du khách tới Paris hay bất cứ đô thị nào của Pháp đều có thể không cần e ngại tới đề nghị cảnh sát giúp đỡ khi gặp khó khăn. Họ sẵn sàng chỉ đường nhiệt tình cho du khách với nụ cười nở trên môi hoặc thậm chí sử dụng luôn xe công vụ đưa du khách tới tận khách sạn nếu du khách đang có việc gấp hoặc đã quá mệt mỏi. Các thủ tục hành chính luôn được cảnh sát nghiên cứu, rà soát để đảm bảo sự cải tiến tốt nhất nhằm giảm phiền hà, tiết kiệm nhất thời gian, công sức cho nhân dân.

Ngoài việc là một thành viên của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol, Pháp còn có một điều vô cùng thuận lợi đó là Tổng hành dinh của Interpol đặt ngay trên đất Pháp (tại thành phố Lyon). Do vậy, cảnh sát Pháp có mối quan hệ rất chặt chẽ đối với tổ chức này. 

Vừa được hưởng những sự hỗ trợ từ các hệ thống dữ liệu, tiện ích do Interpol cung cấp như cảnh sát các nước khác, cảnh sát Pháp vừa chủ động, có những đóng góp tích cực cho tất cả các hoạt động Interpol, bảo vệ và phối hợp với Interpol tổ chức thành công các hội nghị cảnh sát lớn tổ chức tại Tổng hành dinh, sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo, kết nối cơ sở dữ liệu của mình với cơ sở dữ liệu của Interpol để làm phong phú dữ liệu, cử cán bộ của mình chia sẻ với cảnh sát các nước khác về các bài học kinh nghiệm trong kỹ thuật hình sự, đào tạo nhân lực, điều tra hình sự...

Trong thời gian qua, thông qua khuôn khổ hợp tác Interpol và các hiệp định song phương, đa phương, lực lượng Cảnh sát Việt Nam và Cảnh sát quốc gia Pháp đã thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp. Hai bên đã tiếp nhận và xử lý hàng trăm thông tin tội phạm xuyên quốc gia, trao đổi thông tin tội phạm và phối hợp điều tra, phát hiện hàng chục đối tượng tội phạm xuyên quốc gia liên quan tới các hoạt động buôn bán ma tuý, buôn người, lừa đảo kinh tế, tài chính và các tội phạm khác. Cảnh sát Pháp đã tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cảnh sát Việt Nam trong chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, công tác kỹ thuật hình sự, hậu cần, đào tạo cán bộ, đào tạo tiếng Pháp… 

Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Pháp, từ năm 2013 đến nay, Học viện Cảnh sát nhân dân đã liên tục tiếp nhận các giảng viên tiếng Pháp đến từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam giảng dạy tiếng Pháp cho sinh viên, cán bộ của lực lượng Cảnh sát Việt Nam đang theo học các chương trình tại Học viện. 

Việc hợp tác này được triển khai hiệu quả, đã góp phần hỗ trợ nâng cao trình độ ngoại ngữ nói chung và trình độ tiếng Pháp nói riêng cho học viên của Học viện nói riêng và cán bộ, chiến sỹ của Cảnh sát Việt Nam nói chung, góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp và mối quan hệ giữa lực lượng cảnh sát hai nước. 

Cùng với xu hướng phát triển ngày càng tốt đẹp trong quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, dự báo trong thời gian tới, mối quan hệ giữa lực lượng cảnh sát hai nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, nâng tầm cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở mỗi nước và đóng góp cho nỗ lực quốc tế vì một thế giới an ninh hơn.

Nguyễn Văn Inh
.
.
.