Những cú lừa vay tiền qua ứng dụng lãi suất 1.600%/năm

Thứ Tư, 06/11/2019, 07:20
Vay tiền dễ dàng, chỉ cần xác minh qua điện thoại, lãi suất ưu đãi, tiết kiệm thời gian… là những lời quảng cáo có cánh của những ứng dụng (App) vay tiền Online.

Nhưng khi sử dụng, người dùng mới ngã ngửa khi phải chịu lãi suất “khủng”, gấp hàng trăm lần so với lãi suất theo quy định pháp luật.

Lãi nhẹ nhàng… 95%/tháng

Chỉ cần gõ trên kho ứng dụng của điện thoại hai chữ “vay tiền”, một loạt ứng dụng sẽ hiện ra với những lời quảng cáo cho vay dễ dàng, lãi suất thấp và chỉ xác minh online. Để dụ dỗ người vay, các ứng dụng này còn đem lãi suất cho vay của ngân hàng và một số cơ sở cho vay tín dụng để so sánh. Theo quảng cáo này, số tiền thực nhận cũng thấp hơn so với khoản vay ban đầu với đủ các lý do được đưa ra.

Lo ngại việc vay nóng tại ngân hàng, cơ sở cho vay tín dụng sẽ gặp phải khó khăn về giấy tờ, hồ sơ nên nhiều người đã lựa chọn các app vay online này để xoay xở trong lúc cần tiền. Khi sử dụng, ứng dụng duyệt vay khá nhanh nhưng số tiền thực sự được nhận và lãi suất đều không như cam kết.

Quảng cáo vay tiền dễ dàng trên App Vaytocdo.

Một nạn nhân của các ứng dụng vay tiền này cho biết, khi đăng kí vay thì được duyệt khá nhanh, nhưng khi tính toán lại lãi suất mà ứng dụng vay tiền công bố, mức lãi suất cao một cách giật mình. 

Theo đó, người này muốn vay số tiền 2 triệu đồng trong 14 ngày, nhưng thực nhận chỉ là 1,4 triệu. Như vậy 600 ngàn tiền lãi đã được trừ trước và khi tính toán, lãi suất lên tới 50%/14 ngày, tương đương 95%/tháng.

Một trường hợp khác, anh Phạm Chương (Hà Nội), khi thấy dụng quảng cáo của ứng dụng vay tiền online trên Facebook, do cần tiền nên anh này đã tải ứng dụng xuống để sử dụng. 

Sau khi cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, anh này được chấp nhận cho vay với số tiền 2,7 triệu, thực nhận là 2,2 triệu. Khi muốn tất toán khoản vay, anh Chương mở ứng dụng và giật mình khi số tiền mình phải trả lên tới 3,26 triệu. Chưa kể nếu khách hàng đóng muộn, ứng dụng cho “nợ” nhưng lãi suất sẽ tăng thêm 100 ngàn/ngày.

Khi liên hệ với nhân viên chăm sóc khách hàng, anh này được biết 500 ngàn tăng thêm đó là tiền bảo hiểm khoản vay mà ứng dụng này tự đóng cho khách. Ngoài ra còn một số trường hợp, khi đến hạn đóng tiền thì không thể vào được ứng dụng hoặc không thể liên hệ để trả được tiền khiến những người này phải chịu khoản phạt vô lý.

Với những khoản lãi suất “khủng” như vậy, nhiều người cho rằng mình bị lừa nên không đồng ý hoàn trả theo yêu cầu của ứng dụng. Sau khi quá hạn vài ngày, nạn nhân sẽ nhận được rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi được cho là của bên ứng dụng cho vay đe dọa, uy hiếp tinh thần để nạn nhân phải trả tiền.

“Họ nhắn tin, gọi điện yêu cầu trả tiền ngay, nếu không sẽ có người đến tận nhà, mời Công an vào cuộc hoặc đưa vụ việc ra tòa án. Nếu người vay vẫn không có ý định trả, những cuộc gọi này tiếp tục đe dọa công khai thông tin cá nhân hoặc bêu xấu trên mạng xã hội, gọi điện đe dọa người thân. Khi nói cần thêm thời gian để thu xếp tiền vì lãi suất cao, tiền phải trả còn cao bất ngờ nên chưa chuẩn bị đủ thì nhân viên không đồng ý”.

Qua tìm hiểu từ những nạn nhân của việc vay tiền online, khi làm thủ tục vay tiền, họ phải cung cấp rất nhiều thông tin cá nhân như ảnh chân dung, chứng minh thư, danh bạ điện thoại, Facebook, số điện thoại của người thân… 

Nhiều người đã bị nhân viên cho vay gọi đến chất vấn, hỏi chuyện một cách bất lịch sự nhưng sau đó còn không được duyệt khoản vay. Những người được vay, chậm trả thì lo sợ bị mất thông tin cá nhân hay bị đăng tải thông tin lên mạng xã hội với những nội dung đe dọa, bêu xấu sai sự thật. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người vay cũng như người thân của họ.

Từ lãi suất, cách làm việc, những ứng dụng vay tiền online được cho là tiện lợi này hoạt động không khác gì những tổ chức tín dụng đen mà cơ quan chức năng đã triệt phá trong thời gian qua. Cái khác đó chính là môi trường hoạt động và cách kiếm tiền tinh vi hơn.

Một App vay tiền online khác với lời quảng cáo vay dễ dàng.

Cho đến 1.600%/năm

Trước những bức xúc của người dân, những người trót bị lừa bởi những lời quảng cáo sai sự thật của các ứng dụng vay tiền online để phải chịu lãi suất cắt cổ, vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM điều tra vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại TP HCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Qua điều tra đã làm rõ các đối tượng đã cho người dân vay với lãi suất lên tới 4,4 %/ngày, tương đương 1.600 %/năm. Tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng Internet và điện thoại di động. Theo nhận định, đây là thủ đoạn hoàn toàn mới, tinh vi, là biến tướng của loại tội phạm cho vay “tín dụng đen”, cần được tập trung ngăn chặn trong thời gian tới.

Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội là để một số đối tượng người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến (thường gọi là app); điển hình như ứng dụng “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online” vừa bị lực lượng Công an triệt phá.

Khi khách có nhu cầu vay tiền thì phải tải một trong ba ứng dụng trên về máy điện thoại di động của mình. Sau đó, người vay phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng; bắt buộc phải chọn mục “Đồng ý” trong hợp đồng cho vay điện tử, trong đó có điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động”.

Nạn nhân bức xúc bình luận trên ứng dụng.

Sau khi người vay hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với người vay để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên app. Nếu người vay thỏa mãn điều kiện vay tiền, người cho vay và người vay không cần gặp mặt mà chỉ cần vài phút đồng hồ, hệ thống tài khoản của công ty cho vay sẽ tự động chuyển tiền vay cho khách hàng bằng số tài khoản ngân hàng đã kê khai trước đó.

Đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Vaytocdo” thì người vay lần đầu chỉ được vay 1.700.000 đồng nhưng thực tế nhận về chỉ là 1.428.000 đồng, còn công ty sẽ thu 272.000 đồng tiền phí dịch vụ. Trong 8 ngày người vay phải trả 2.040.000 đồng (trong đó, 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 tiền lãi 8 ngày). Nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.

Đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online” thì người vay lần đầu được duyệt vay số tiền là 1.500.000 đồng, nhưng thực tế người vay chỉ được nhận 900.000 đồng, còn 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1.500.000 đồng. Nếu người vay tiền trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2% đến 5 %/ngày.

Nếu người vay trả nợ đúng hạn, có uy tín thì lần vay sau, nhân viên công ty sẽ duyệt cho người vay số tiền cao hơn từ cấp độ 1 đến cấp độ 7 (mỗi cấp độ gọi là 1 app), với số tiền tối đa được vay là 2.750.000 đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian, mỗi người có thể vay nhiều app khác nhau cùng lúc, để có thể vay được số tiền mình có nhu cầu vay. Với hình thức cho vay nêu trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4 %/ngày, tương đương 30,8 %/tuần, 132 %/tháng và 1.600 %/năm.

Khi đến gần thời hạn trả nợ, bộ phận thu hồi nợ của công ty cho vay sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả nợ đúng hạn. Nếu đến hạn trả nợ mà người vay chậm trả, thì nhân viên thu hồi nợ sẽ liên tục điện thoại cho người vay để đòi nợ. Nếu sau vài ngày, người vay vẫn không trả được số tiền nợ và không đạt được thỏa thuận trả lãi với bên cho vay, các nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại “khủng bố” cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay.

Cơ quan Công an xác định từ tháng 4-2019 đến khi bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý, đã có khoảng 60.000 giao dịch vay tiền qua 03 ứng dụng nói trên; với tổng số tiền các đối tượng cho vay vào khoảng 100 tỷ đồng. Đây được xác định là hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến,với lãi suất rất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người vay và người cho vay.

Bộ Công an cũng đưa ra cảnh báo đến người dân về thủ đoạn cho vay lãi nặng mới xuất hiện này. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi gặp khó khăn về tài chính, hãy tìm đến các tổ chức tin cậy để được hỗ trợ, cảnh giác cao với vay tiền qua các ứng dụng (app, web) trên mạng Internet.

Đinh Hiền
.
.
.