Những cuộc "trao đổi" tù nhân giữa Mỹ và Iran

Thứ Tư, 27/01/2016, 13:00
Ngày 18-1, khi phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, không có mối liên hệ trực tiếp giữa việc Tehran trả tự do cho những người Mỹ bị giam giữ ở Iran với việc Washington dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào nước này. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ từng khẳng định, Washington sẽ không gắn vấn đề đàm phán hạt nhân Iran với việc đổi lấy tự do cho các công dân Mỹ đang bị Tehran giam giữ.


Từ cuộc trao đổi 5 lấy 7

Tối 17-1, một chiếc máy bay Dassault Falcon của không quân Thụy Sĩ chở 3 tù nhân người Mỹ được Iran phóng thích đã hạ cánh xuống sân bay Geneva và những người này được đưa tới một căn cứ quân sự của Mỹ tại Đức. Ngày 18-1, phóng viên Jason Rezaian (người Mỹ gốc Iran, sinh ra ở bang California) đã gặp những biên tập viên cao cấp của tờ Washington Post tại bệnh viện ở Đức, nơi anh đang hồi phục sau thời gian sống trong tù ở Iran trước khi trở về Mỹ.

Jason Rezaian bị bắt năm 2014 với cáo buộc làm gián điệp và bị giam giữ ở nhà tù của Vệ binh Cách mạng Iran. Anh bị nhốt trong một buồng giam nhỏ không có đệm, và phải nhập viện 3 lần vì nhiễm trùng mắt và bẹn mạn tính. Phóng viên của tờ Washington Post Jason Rezaian cho biết, sự tương tác của anh với con người cực kỳ hạn chế trong 49 ngày bị biệt giam khi phải ngồi tù khoảng 18 tháng ở Iran.

Hãng tin Fars của Iran từng dẫn lời người phát ngôn cơ quan tư pháp nước này Gholamhossein Mohseni Ejei cho biết, một số người Mỹ giấu tên đã liên lạc với Tehran để thiết lập kênh trao đổi các tù nhân chưa rõ danh tính lấy phóng viên Jason Rezaian. Nhưng ông Gholamhossein Mohseni Ejei không nêu rõ tù nhân nào đang được xem xét để đổi lấy phóng viên Jason Rezaian.

Điều đáng nói là sau tuyên bố của người phát ngôn cơ quan tư pháp, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cho biết, cuộc trao đổi có thể sẽ diễn ra ở Mỹ, nhưng nhiều quan chức Iran lại bác bỏ khả năng đạt được thỏa thuận với Mỹ về vấn đề này.

Một trong số 52 con tin Mỹ bị trói và bịt mắt được đưa ra gặp gỡ báo chí 4 ngày sau khi bị bắt giữ.

Cũng gặp gia đình lần đầu tiên hôm 18-1 sau khi được trả tự do là cựu Trung sĩ Thủy quân lục chiến Amir Hekmati (bị tòa án Iran kết án tử hình vì bị cáo buộc hoạt động gián điệp cho CIA, sau được giảm án xuống còn 10 năm tù). Amir Hekmati cũng là người Mỹ gốc Iran, bị bắt năm 2011 khi đang đi thăm bà của mình. Ngoài 2 người kể trên còn có mục sư người Mỹ Saeed Abedini (ngồi tù từ tháng 7-2012 vì truyền bá Thiên chúa giáo), Nosratollah Khosravi-Roodsari và Matthew Trevithick. Theo giới truyền thông, trong ngày Tehran phóng thích 5 người Mỹ, Washington cũng ân xá cho 7 công dân Iran.

Hãng CNN cho biết, cuộc trao đổi tù nhân kể trên diễn ra sau 14 tháng thương đàm bí mật và ông Brett McGurk là đặc phái viên do đích thân Tổng thống Barack Obama chọn (và đã được cất nhắc làm điều phối viên với các nước trong cuộc chiến chống IS). Hơn 7 tháng trước đó (15-6-2015), Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết hối thúc Tehran trả tự do cho 3 công dân nước này đang bị giam giữ tại Iran.

Sau đó (21-7-2015), Tổng thống Barack Obama đã nêu tên những công dân Mỹ bị bắt tại Iran và khẳng định, Washington sẽ nỗ lực cho đến khi họ được trở về quê hương. Và mặc dù hoan nghênh vụ phóng thích mấy công dân Mỹ hôm 16-1 vừa qua, nhưng Tổng thống Barack Obama vẫn tuyên bố, không quên cựu nhân viên FBI Robert (Bob) Levinson.

Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục đàm phán để Tehran thả ông Levinson, người đã mất tích từ hôm 9-3-2007, khi tới thăm đảo Kish ở Iran. Tại thời điểm đó, ông Levinson được cho là đang điều tra về một vụ buôn thuốc lá trong khu vực và cho tới nay cựu nhân viên FBI này là con tin bị giam giữ lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, Washington bác bỏ thông tin nói rằng, ông Levinson làm việc cho chính phủ Mỹ khi bị mất tích, nhưng nhiều lần yêu cầu Iran cung cấp thông tin về nhân vật này. Giới chức Iran cũng nhiều lần tuyên bố, không biết gì về việc ông Levinson mất tích.

Về phần mình, FBI vẫn tiếp tục điều tra và treo thưởng trị giá 5 triệu USD cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào cung cấp thông tin giúp đưa ông Levinson về nước. Trước đó (tháng 3-2012), Giám đốc FBI Robert Mueller từng treo thưởng 1 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp ông Robert Levinson trở về Mỹ an toàn.

Và trong một tuyên bố sau đó, Phó Giám đốc FBI Sean Joyce cho biết, đó là phần thưởng vẫn chưa có người nhận và khuyến khích bất cứ ai có thông tin về sự mất tích của ông Robert Levinson hãy liên hệ với FBI. Được biết, ông Robert Levinson bị bệnh tiểu đường và huyết áp cao, nên gia đình cựu nhân viên FBI lo ngại về việc người thân không được điều trị y tế thích hợp.

Ông Ayatollah Khomeini – Người lập nên Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Năm 2011, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ có thông tin cho thấy ông Robert Levinson có thể đang bị giữ ở Tây Nam Á - có thể ở khu vực biên giới giữa Afghanistan, Iran và Pakistan. Ngày 28-8-2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã hối thúc Iran cung cấp thông tin về số phận của công dân Levinson.

"Ngày mai (29-8-2012, theo giờ Mỹ) đánh dấu 2.000 ngày công dân Levinson mất tích ở Iran hôm 9-3-2007", bà Victoria Nuland nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định, sự an toàn của ông Robert Levinson "tiếp tục là ưu tiên của chính quyền Mỹ". Năm 2013, giới truyền thông Mỹ tiết lộ, ông Levinson được CIA trả tiền để thu thập thông tin nhân các chuyến tới Iran.

Tới vụ giải cứu 6 con tin 35 năm trước

35 năm trước (20-1-1981), 52 người Mỹ được phóng thích, kết thúc vụ bắt cóc hơn 60 con tin diễn ra hôm 4-11-1979 do Tổ chức "Phong trào giải phóng Islam" tiến hành. Khi đó các tín đồ của Giáo chủ Ayatollah Khomeini đã xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Iran, bắt giữ hơn 60 người Mỹ làm con tin. Và trong lúc hỗn loạn, 6 nhân viên ngoại giao Mỹ làm việc tại bộ phận lãnh sự đã thoát khỏi cuộc vây ráp, tới trốn tại Đại sứ quán Canada ở Iran.

Ban đầu mọi người nghĩ ông Ken Taylor, Đại sứ Canada tại Iran khi đó là người có công lớn trong vụ giải thoát 6 nhân viên ngoại giao Mỹ. Nhưng sau này người ta mới biết, nhân viên CIA Antonio Mendez mới là người hùng trong cuộc giải thoát 6 người kể trên khỏi Iran. Việc giải cứu 6 nhân viên ngoại giao Mỹ ra khỏi Iran an toàn tuyệt đối khiến Tổng thống Jimmy Carter khi đó vô cùng mãn nguyện và ông đã chỉ thị cho CIA tặng thưởng huân chương Intelligence Star cho Antonio Mendez. Sau đó, Antonio Mendez còn được tặng thưởng Huân chương danh dự CIA Trailblazer Award.

Tên gọi đầy đủ của nhân viên CIA Antonio Mendez là Antonio Joseph "Tony" Mendez (sinh ngày 15-11-1940, tại thành phố Eureka, bang Nevada, Mỹ). Vì từng là nhà thiết kế có tên tuổi, nên sau khi được CIA tuyển dụng, Antonio Mendez đã làm phong phú thêm nghề hoá trang của cơ quan tình báo này khi làm cho người được hoá trang cũng khó phân biệt sau khi nhìn lại mình trong gương.

Sau khi nhận được tin cấp báo của Norb Garrett, trưởng trung tâm của CIA tại Iran, Antonio Mendez đã bay gấp tới Canada để thương nghị với các đồng nghiệp. Nhiều phương án được đưa ra, nhưng Antonio Mendez chỉ đồng ý với kế hoạch dùng hộ chiếu Canada giả cho 6 người này bởi khi đó Thủ tướng Canada Joe Clark đã đồng ý cấp hộ chiếu Canada cho họ. Tuy nhiên, kế hoạch của Antonio Mendez khó thành công nếu không có sự trợ giúp của John Chambers, một đạo diễn có tên tuổi tại Hollywood, và là thầy dạy những kỹ xảo nghề cho nhân viên CIA này.

Phóng viên Jason Rezaian.

Và 3 ngày trước khi diễn ra chiến dịch giải cứu con tin, Antonio Mendez đã tới Iran để thống nhất kế hoạch với Đại sứ Ken Taylor và 6 nhân viên ngoại giao Mỹ một lần cuối. Theo đó, 6 nhân viên ngoại giao Mỹ sẽ trốn khỏi Iran ngày 20-1-1980. Nhưng mãi tới ngày 23-1-1980, Antonio Mendez mới nhận được sự chấp thuận của Tổng thống Jimmy Carter.

Giới chuyên môn cho biết, Antonio Mendez đã sử dụng khả năng cải trang thiên phú của mình để thay đổi nhân dạng cho hàng trăm điệp viên mật, giúp họ bí mật thoát khỏi những tình huống khó khăn. Có tin nói rằng, Antonio Mendez từng được Nhà Trắng yêu cầu cải trang cho Hamilton, cố vấn của Tổng thống Jordan khi người này cần sang châu Âu mà không muốn bị ai phát hiện.

Chiến dịch giải cứu ngoạn mục kể trên đã được đạo diễn Ben Affleck thể hiện trong bộ phim Argo (Chiến dịch sinh tử) từng đoạt giải Oscar năm 2013. Trong phim Argo, sau khi Đại sứ quán Mỹ bị chiếm, 6 nhà ngoại giao Mỹ đã đến nhà Đại sứ Canada trốn trong 3 tháng. Sự thật là 5 nhà ngoại giao ẩn náu ở nhiều nơi khác nhau, còn người thứ 6 ngủ dưới đất trong Đại sứ quán Thụy Điển, sau đó 6 người này mới tập trung ở nhà Đại sứ Canada.

CIA cho biết, đã chọn chuyến bay lúc gần sáng nhằm tranh thủ lúc nhân viên hàng không và nhân viên an ninh Iran mệt mỏi để dễ bề trốn thoát. Sau khi về hưu hồi tháng 11-1990, Antonio Mendez vẫn được mời tham gia các khóa huấn luyện của CIA và DIA (Tình báo Quốc phòng Mỹ), bắt đầu tiết lộ những thủ thuật nghề nghiệp của mình qua 2 cuốn hồi ký và 22 bộ phim tài liệu trên các kênh truyền hình như Travel Channel, Discovery, Canadian History Channel, AMC và PBS. Antonio Mendez hiện sống với gia đình và làm việc tại studio & gallery trong nông trại ở Maryland, Washington. Tuy chỉ là nhân viên, không giữ cương vị lãnh đạo ở CIA, nhưng Antonio Mendez vẫn nằm trong danh sách 50 nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Cuốn hồi ký đầu tiên của Antonio Mendez có tên gọi "The Master of Disguise: My Secret Life in the CIA" (Bậc thầy cải trang: Cuộc đời bí mật của tôi trong CIA), do William Morrow xuất bản tháng 11-1999. Cuốn thứ hai có tên gọi "Spy Dust", kể về những chiến tích điệp báo của vợ chồng Antonio Mendez ở Moskva trong những năm cuối cùng của Chiến tranh lạnh, cũng như chuyện tình lãng mạn của họ. Và cả 2 cuốn sách này đều được phổ cập tới tân binh của cộng đồng tình báo Mỹ, được lưu hành trong một số trường đại học ở nước này.

Mạnh Phong - Nhiệm Bình
.
.
.