Những cuộc truy lùng “mò kim đáy bể”

Thứ Tư, 27/09/2017, 20:24
Chuyến truy nã nào cũng vất vả, gian nan, nhưng anh em quen rồi. Chỉ khó nhất, đau đầu nhất là việc xác định thông tin về đối tượng, bởi hầu như đối tượng truy nã nào cũng biết cách xóa bỏ mọi dấu vết về mình, thậm chí thay hình đổi dạng khiến việc truy tìm như “mò kim đáy bể”…


Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Phú Thọ lúc nào cũng vắng vẻ bởi ngoài những cán bộ đi học, hai ba cán bộ tham mưu ở nhà trực phòng thì còn lại các trinh sát đều bám địa bàn hoặc đang trong chuyến công tác dài ngày truy bắt tội phạm. 

Vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày tại miền Nam, lại vừa lo đi học, vừa lo việc ở cơ quan, Trung tá Nguyễn Thế Công, Đội trưởng Đội 3 trông hốc hác sau những ngày không ăn không ngủ theo dấu tội phạm. Anh bảo, chuyến truy nã nào cũng vất vả, gian nan, nhưng anh em quen rồi. Chỉ khó nhất, đau đầu nhất là việc xác định thông tin về đối tượng bởi đối tượng truy nã nào cũng cực kì khôn ngoan khi xóa bỏ mọi dấu vết về mình, thậm chí thay hình đổi dạng khiến việc truy tìm như “mò kim đáy bể”.

Nhớ lại chuyên án truy bắt đối tượng Tạ Tuấn Cường, 29 tuổi (trú tại Lâm Thao, Phú Thọ), Trung tá Nguyễn Thế Công chia sẻ, đây cũng là cuộc đấu trí căng thẳng và cũng là một chiến công xuất sắc của cán bộ chiến sĩ Phòng PC52, bởi sau khi bỏ trốn tại địa phương, đối tượng đã bỏ điện thoại, cắt đứt mọi thông tin, nhưng trong vòng 1 tháng kể từ khi có quyết định truy nã, đối tượng đã phải nhanh chóng quy phục. 

Tạ Tuấn Cường là một cán bộ ngân hàng trên địa bàn Lâm Thao. Lương lậu, công việc ổn định nhưng đối tượng lại không tu trí làm ăn mà thường xuyên bài bạc, tụ tập với các mối quan hệ xã hội phức tạp. Lợi dụng chức vụ, Cường đã vay mượn tiền bạc cũng như rút tiền của khách hàng gửi ngân hàng để đánh bạc. Đến khi không đủ khả năng thanh toán, đối tượng bỏ trốn khỏi địa phương.

Thượng tá Nguyễn Hữu Trạm (giữa) cùng các đồng nghiệp.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ Công an huyện Hạ Hòa, Phòng PC52 đã lập chuyên án để vây bắt. Tuy nhiên, biết chắc mình sẽ bị truy đuổi nên trước khi bỏ trốn, Cường đã đem điện thoại đi cầm đồ được 3triệu đồng để lấy tiền bắt xe vào Nam trốn chạy, cắt đứt mọi liên lạc với người thân, anh em, họ hàng. Vì thế việc xác định tung tích đối tượng là rất khó, nhất là khi đối tượng không sử dụng điện thoại. 

Suốt một tuần liền rà soát thông tin ở Phú Thọ, xuống cả Hà Nội rồi lần tìm các mối quan hệ của đối tượng vẫn không ra, anh em trinh sát đau đầu tưởng như mọi việc đi vào bế tắc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng các trinh sát đã tìm được nơi Cường cắm điện thoại và nhận định, với 3 triệu đồng trong tay chắc chắn chỉ trong vòng 1 tuần tiêu hết, đối tượng sẽ phải liên lạc với bạn bè, anh em để vay tiền.

Và quả thật, 1 tuần sau hắn liên lạc với người anh em thân thiết để nhờ chuyển khoản nhưng oái ăm, đó lại là tài khoản trung gian của người chủ nhà mà Cường thuê trọ, có địa chỉ mở tài khoản ở tận Tây Nguyên. Vậy là anh em trinh sát lại lặn lội vào tận Tây Nguyên để xác minh thông tin. 

Suốt nhiều ngày đi đi về về giữa Phú Thọ, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, cuối cùng các trinh sát cũng xác định chính xác địa chỉ ẩn náu của Cường ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng lần đầu truy bắt, đánh hơi thấy động hắn đã chuyển địa điểm. Lần thứ 2, anh em mới bắt được hắn tại một nhà trọ ở quận 8, dẫn giải về Phú Thọ, kết thúc 1 tháng trời ròng rã truy tìm dấu vết.

Nếu nói về khó khăn của lực lượng Cảnh sát truy nã thì không lời nào có thể kể hết. Các đối tượng truy nã thường rất manh động, tìm mọi cách để xóa bỏ thông tin, dấu vết, thay hình đổi dạng và đặc biệt là trốn chui lủi ở những vùng sâu, vùng xa hẻo lánh để không ai có thể phát hiện được. Nhất là với những vụ án xảy ra cách đây hàng chục năm. 

Nhớ lại vụ án truy tìm đối tượng Hán Văn Nguyên, trú tại Tam Nông, Phú Thọ trốn nã 25 năm, Thượng tá Nguyễn Hữu Trạm, Phó Phòng PC52 cho hay, đây là chuyên án khá hao tâm tổn sức của anh em chiến sĩ, bởi thời gian đối tượng trốn nã khá lâu, mọi thông tin đã thất lạc, những người thụ lý vụ án đều đã nghỉ hưu. Theo hồ sơ, Nguyên bị truy nã vì tội giết người và cướp tài sản. 

Đêm ngày 3-4-1991, Nguyên cùng đồng bọn đi xe máy đến dốc Mịn, thuộc xã Mỹ Thuận, Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú, nay là xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ thì phát hiện xe ô-tô chở hàng đi từ Thanh Sơn lên Sơn La. Nảy sinh lòng tham, cả nhóm đã chặn lại, dùng súng K54 đe dọa lái xe lấy một đồng hồ SK cùng 500.000 đồng. 

Khi phát hiện trên xe còn 1 bao gạo 70kg, Nguyên đe dọa lấy tiếp. Tiếc của, tài xế van xin các đối tượng để lại cho bao gạo nhưng Nguyên đã hung hãn bắn vào cổ khiến nạn nhân bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu. Gây án xong, 3 đối tượng nhanh chóng bỏ trốn khỏi hiện trường.

Đối tượng Hán Văn Nguyên bị bắt sau 25 năm trốn nã.

Thời điểm đó, Công an tỉnh Phú Thọ đã lập chuyên án, tổ chức lực lượng truy tìmnhưng không có kết quả. Để thoát khỏi sự truy nã của Công an, Nguyên đã rất tinh ranh, thủ đoạn khi liên tục di chuyển đến nhiều nơi. Mỗi nơi, hắn cũng chỉ ở một thời gian ngắn rồi lại bỏ đi. Thời gian đầu, Nguyên trốn vào tỉnh Lâm Đồng, ở một nơi hẻo lánh, cách xa khu dân cư, sinh sống chủ yếu bằng nghề cạo mủ cao su. Để tránh mọi sự theo dõi của cơ quan điều tra, Nguyên không giao lưu, tiếp xúc với ai, đặc biệt là người miền Bắc. 

Sau một thời gian làm công nhân ở Lâm Đồng, Nguyên về tỉnh Bình Phước sinh sống. Lợi dụng những sơ hở trong quy trình quản lý hành chính ở cấp cơ sở, Nguyên đã thay đổi tên họ và làm giấy chứng minh nhân dân mới tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Tại đây hắn cặp kè, ăn ở với một giáo viên địa phương và có một cô con gái, nhưng để không lộ thân phận, hắn không đăng kí kết hôn. 

Chính vì thế, dù nắm được thông tin Nguyên đang ở Bình Phước nhưng các trinh sát cũng không thể dò ra được nơi ở của hắn. Thế nhưng, với quyết tâm truy bắt bằng được đối tượng trốn nã lâu năm, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng các trinh sát Phòng PC52 cũng khiến hung thủ phải cúi đầu trước pháp luật. Bản thân đối tượng khi bị bắt cũng hoàn toàn bất ngờ bởi sau 25 năm trốn chạy, thay tên, đổi họ, hình dạng cũng đã thay đổi, hắn vẫn bị bắt một cách dễ dàng.

Thượng tá Nguyễn Hữu Trạm là người trực tiếp tham gia chuyên án truy bắt Hán Văn Nguyên. Xuất thân từ cán bộ trại giam Công an tỉnh, là Phó Giám thị phụ trách mảng trinh sát, truy bắt nên anh đã quá quen với những chuyến xuyên rừng, vào tận những vùng xa xôi hẻo lánh theo dấu tội phạm. Chuyến đi xa nhất là vào tận vùng giáp ranh giữa Lào và Quảng Bình truy bắt đối tượng trốn trại. Khó khăn, vất vả không thể nào kể xiết, ăn bờ, ở bụi, có khi ăn lương khô cả ngày nhưng anh em ai cũng nhiệt huyết, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Dẫn giải đối trượng truy nã về Trại tạm giam.

Trên những cung đường, những cuộc hành trình truy bắt các đối tượng truy nã, các cán bộ, chiến sĩ Phòng PC52 không chỉ phải trau dồi nghiệp vụ, trình độ chuyên môn, mà còn luôn là những người làm tốt công tác vận động thuyết phục với người nhà và bản thân đối tượng để hạn chế tối đa nhất những nguy hiểm, khó khăn. Vừa mềm mỏng khôn khéo, vừa cương quyết trấn áp để người thân hiểu ra những cái đúng cái sai, chủ động tố giác tội phạm hoặc thuyết phục con em ra đầu thú, hưởng sự khoan hồng của pháp luật, đó luôn là điều các anh hướng tới. 

Trung tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Đội 3 Phòng PC52 chia sẻ: “Trên đường dẫn giải đối tượng về quy án, nếu  không làm tốt công tác vận động thuyết phục hay cương quyết trấn áp, thì đối tượng sẽ lợi dụng chốn đông người gây náo loạn tìm cơ hội tẩu thoát. Anh em đi làm nhiệm vụ lại mặc thường phục, nên nhiều khi đối tượng gây rối khiến người nhà, hay người xung quanh còn hiểu nhầm là chúng tôi có hành vi không đúng gây cản trở, tạo cơ hội cho đối tượng trốn thoát”. 

Nhưng có lẽ hài hước nhất là những lần dẫn giải đối tượng, anh em phải phục vụ họ từ a-z, từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhân. “Nhiều khi anh em còn hài hước trêu nhau, phục vụ đối tượng chu đáo còn hơn cả vợ con. Đi công tác quanh năm ngày tháng, có khi còn chả đút được cơm, vệ sinh, thay được bộ quần áo cho con, nhưng với các đối tượng thì đó lại là việc thường tình”, Trung tá Nguyễn Thế Anh kể.

Mặc dù mới thành lập chưa lâu (từ tháng 10-2010), lực lượng còn mỏng, chỉ có 21 cán bộ chiến sĩ nhưng trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Phú Thọ luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Lê Phong – Ngọc Trâm
.
.
.