Trại tị nạn buôn người ở Thái Lan:

Những điểm dừng chân của cái chết

Thứ Sáu, 15/05/2015, 08:00
Ngày 2/5 vừa qua, các cơ quan chức năng Thái Lan phát hiện 26 xác chết (24 nam giới, 1 phụ nữ và một người không nhận dạng được giới tính) của những người di cư trong một trại tị nạn ở khu vực miền Nam Thái Lan. Sau đó ít ngày, Thái Lan cho biết, mới phát hiện thêm một trại tị nạn khác, có 3 người sống sót. Cuộc chiến chống nạn buôn người ở Thái Lan đang "nóng" hơn bao giờ hết.
Cuộc sống của nô lệ thời hiện đại

Những ngôi mộ tập thể được tìm thấy ở huyện Sadao, tỉnh Songkhla, miền Nam Thái Lan, gần biên giới với Malaysia - một "điểm dừng chân" phổ biến cho kẻ buôn bán người qua Thái Lan vào ngày 2/5/2015. Câu chuyện bắt đầu khi một người đàn ông địa phương tình cờ phát hiện những ngôi mộ trong rừng sâu khi đi hái nấm.

Người đàn ông này lập tức báo với lực lượng chức năng. Một trại tị nạn gần đó đã bị phát hiện. Các quan chức Thái Lan cho hay, những kẻ buôn người đưa dân di cư từ Myanmar và Bangladesh đến trại tị nạn này để chờ tiền chuộc hoặc chờ phương tiện để di chuyển. Khi di chuyển, chúng bỏ lại người bị bệnh tật, ốm yếu và những người này sau đó đã chết.

Theo nhận định của cảnh sát, trại tị nạn trong rừng sâu đã giam giữ khoảng 300 người. "Đa số người chết là dân tị nạn Hồi giáo Rohingya. Họ bị bỏ đói đến chết hoặc chết vì bệnh tật trong khi tìm kiếm cơ hội nhập cư trái phép vào Malaysia", một đoạn trong báo cáo của cảnh sát Thái Lan được tờ Bangkok Post dẫn lời. Tiếp đó, ngày 5/5/2015, cảnh sát Thái Lan cho biết, mới phát hiện thêm một trại tị nạn khác. Cảnh sát phát hiện 3 người sống sót, 2 trong số đó là trẻ em.

Tướng cảnh sát Aek Angsananont nói với phóng viên tờ Bangkok Post rằng, "Songkhla là điểm trung chuyển lý tưởng để những kẻ buôn người đưa người di cư đi bất cứ lúc nào và đây là khó khăn lớn cho quá trình điều tra, bắt giữ đối tượng. Cảnh sát Thái Lan đã huy động 200 binh sĩ, cảnh sát và nhân viên cứu hộ trong chiến dịch. Các nhân viên đã phải mất 50 phút đi qua khu vực rừng núi hiểm trở để đến được trại tị nạn".

Tướng cảnh sát Aek Angsananont cho biết thêm, trại tị nạn có phòng ngủ, căng tin dành riêng cho những kẻ buôn người, còn những người di cư bị nhốt trong những lồng tre. Những người đã trốn khỏi trại buôn bán người đã nói với phóng viên tờ Phuketwan của Thái Lan rằng, cuộc sống trong trại tị nạn là cuộc sống của nô lệ thời hiện đại và những vụ cưỡng hiếp, tra tấn, tử vong diễn ra ở đó rất thường xuyên.

Một người di cư may mắn sống sót trong trại tị nạn.

Mong manh tìm cơ hội sống trên biển

Theo nhận định của Liên hiệp quốc, người Hồi giáo Rohingya là một trong những dân tộc thiểu số bị ngược đãi nhất thế giới. Họ đã phải đối mặt với tình trạng bất ổn ở bang Rakhine của Myanmar kể từ 2012 và buộc phải di cư đến những vùng đất mới. Hàng chục ngàn người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar đã di chuyển bằng đường biển đến miền Nam Thái Lan để tìm cơ hội sống sót.

Gần đây, quy mô của việc buôn bán người đã tăng mạnh khiến việc di chuyển người trở nên khó khăn, chính vì vậy, những băng đảng buôn người buộc phải tổ chức những trại tị nạn tồi tàn trong rừng sâu chờ thời gian thích hợp để di chuyển.

Chris Lewa, người phụ trách Dự án phòng chống nạn buôn người Arakan đã tiếp xúc, phỏng vấn những người sống sót trong đường dây buôn người nói rằng, số dân di cư chết trên biển có thể cao hơn so với số người chết trong trại tị nạn.

 ''Chúng tôi đã phỏng vấn một cậu bé 15 tuổi, người đã lênh đênh 2 tháng trên thuyền ngoài khơi vùng biển Thái Lan - Malaysia. Cậu bé nói rằng, đã tận mắt chứng kiến 34 thi thể bị ném xuống biển. Những trại tị nạn trong rừng rậm hay trên biển là kết quả của sức ép về buôn bán người ở Thái Lan và Malaysia. Chúng tôi tin rằng, vẫn còn rất nhiều kẻ môi giới buôn người ở Thái Lan đang hoạt động. Ít nhất 20 kẻ buôn người đã bị bắt giữ tại Malaysia trong vài tuần qua", bà Lewa nói.

Bà Lewa nói rằng, đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn với những người di cư may mắn sống sót và được biết "hàng chục người đã chết ở trại tị nạn trong rừng rậm miền Nam Thái Lan những năm gần đây. Chúng tôi tin rằng, hơn 800 người vẫn đang bị giam giữ trong các trại tị nạn". Bà Lewa cũng lo ngại rằng, vùng biển quốc tế đang bị những kẻ buôn người sử dụng để giữ người Hồi giáo Rohingya và Bangladesh trên biển trước khi cho họ lên bờ sau khi nhận được tiền chuộc.

Hàng loạt quan chức Thái Lan "dính chàm" 

Thái Lan bị chỉ trích vì khả năng không thể kiểm soát được nạn buôn người. Các quan chức Mỹ cho rằng, Thái Lan đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề nô lệ thời hiện đại. Vào tháng 1/2015, Thái Lan xác nhận, hơn một chục quan chức chính phủ, bao gồm cả cảnh sát cấp cao và một sĩ quan hải quân đã bị truy tố vì tham gia vào đường dây buôn bán người.

Liên quan đến vụ việc gần đây nhất, cảnh sát Thái Lan hôm 4/5 đã bắt giữ ba quan chức địa phương và một công dân Myanmar vì cáo buộc liên quan tới mạng lưới buôn người. Bên cạnh đó, 14 sĩ quan cảnh sát cũng bị điều chuyển khỏi địa phương. Cảnh sát cũng đã bắt giữ 4 người bị tình nghi nằm trong mạng lưới tội phạm buôn người xuyên quốc gia Thái Lan, Myanmar và Malaysia hoạt động 3-4 năm nay. Nhân vật chủ chốt được cho là Soe Naing, còn được gọi với biệt danh là Anwar.

Manh Tường (tổng hợp)
.
.
.