Những điều chưa biết về cảnh binh Pháp

Thứ Tư, 20/07/2016, 14:54
Khác với các quốc gia khác, ở Pháp có hai lực lượng chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự: Cảnh sát quốc gia (chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh tại khu vực đô thị lớn) và Cảnh binh (chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh tại các thành phố nhỏ, khu vực nông thôn và biên giới). Cảnh binh bao quát an ninh tới 95% lãnh thổ và gần 50% dân số.

Với gần 147.000 nhân viên, Cảnh binh Pháp trực thuộc Bộ Quốc phòng, có cơ cấu tổ chức và ngân sách do quốc phòng quản lý. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ quản lý công tác của cảnh binh về phòng chống tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự.

Cảnh binh có 5 nhiệm vụ chính: Giữ gìn trật tự công cộng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, đảm bảo công tác hậu cần - hỗ trợ phòng chống tội phạm, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Cảnh binh bắt giữ đối tượng phạm tội.

Có thể nói đây là lực lượng lưỡng quyền, tức là trong thời bình thì thực hiện nhiệm vụ đầy đủ của cảnh sát  tại khu vực được phân quyền (do Bộ Nội vụ điều hành) nhưng trong những tình huống khẩn cấp đe dọa đến an ninh quốc gia hoặc xảy ra chiến tranh thì họ thực hiện nhiệm vụ của quân nhân (do Bộ Quốc phòng điều hành).

Về nguyên tắc, cảnh sát và cảnh binh Pháp thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi được phân công nhưng đối với các vụ việc xảy ra liên vùng hoặc những vụ trọng án đặc biệt lớn, hai lực lượng luôn có sự phối hợp nhịp nhàng thông qua một đường dây nóng hoạt động theo một quy chế được ký kết cụ thể.

Để tránh sự xung đột "quyền anh, quyền tôi" thì nguyên tắc đặt ra là lực lượng nào phát hiện và xử lý đầu tiên sẽ nắm quyền xử lý đến cuối và được quyền yêu cầu lực lượng kia phối hợp, hỗ trợ nếu cần thiết.

Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, ngày 1-7-2005, cảnh binh Pháp thực hiện tái cơ cấu toàn bộ tổ chức từ trung ương đến địa phương và hiệu quả hóa nguồn nhân lực.

Cảnh binh Pháp phân bổ thành 22 cơ quan cảnh binh vùng tương ứng với 22 vùng hành chính trong khu vực phụ trách với 3.490 đồn cơ sở. Mỗi đồn đều có đơn vị điều tra tội phạm, đơn vị quản lý hành chính, đơn vị trật tự giao thông, đơn vị xử lý án liên quan đến vị thành niên.

Cảnh binh Pháp.

Mỗi cơ quan cảnh binh vùng đều có đơn vị cơ động phản ứng nhanh (quân số khoảng 120 người) gồm những sỹ quan đặc biệt tinh nhuệ để xử lý các tình huống khẩn cấp hoặc tiến hành những chiến dịch đặc biệt và đơn vị huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ. Tại các vùng núi, cảnh binh vùng có đơn vị cảnh binh sơn cước chịu trách nhiệm điều tra, xử lý các vụ việc và cứu hộ, cứu nạn tại vùng núi.

Với những nơi nhiều sông và ven biển, có đơn vị cảnh binh thủy để bảo vệ các căn cứ hải quân, cảng sông, cảng biển, tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự và điều tra các vụ án trên đường thủy.

Cảnh  binh Pháp cũng chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự cho các sân bay nội địa, quốc tế và thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát đường không trên các tuyến bay của các hãng hàng không Pháp cũng như các chuyến bay của các hãng hàng không quốc tế trên lãnh thổ Pháp.

Giống với cảnh sát Pháp, cảnh binh sử dụng súng ngắn cỡ nòng 9mm loại 250,000 SIG SIG Sauer Pro SP 2022s và một số súng bắn tỉa, súng trường, súng máy do Pháp sản xuất.

Về phương tiện, cảnh binh Pháp thường sử dụng xe ôtô hoặc mô tô phân khối lớn để tuần tra với các loại như Peugeot 300, Renault Megane III, Citron Berlingo II, Renault Scénic III, Renault Trafic II và Police Motorcycle Yamaha FJR 1300. Đồng thời, họ sử dụng cano cao tốc để tuần tra tại các khu vực sông nước hoặc trực thăng vũ trang và trực thăng cứu hộ.

Cảnh binh Pháp đặc biệt chú ý công tác tuyển dụng và đào tạo nhân sự với quan niệm con người là yếu tố quyết định mọi thành công. Sau nhiều vòng xét tuyển gắt gao về hồ sơ, kiến thức, sức khỏe, chỉ một phần nhỏ ứng viên được tuyển chọn.

Số tân binh này sẽ được gửi đi đào tạo tại 10 trường huấn luyện cảnh binh khu vực (Melun, Montlucon, Chaumont, Le Mans, Châtellerault, Libourne, Châteaulin, Rochefort, Tulle and Montargis) với nhiều khoa mục thiết yếu sau đó mới được phiên chế về các đơn vị.

Trong suốt quá trình làm việc, các cảnh binh đều phải trải qua các khóa đào tạo, huấn luyện định kỳ để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu và nâng cao trình độ. Trong đó, các sỹ quan nếu muốn được bổ nhiệm cấp chỉ huy phải trải qua quá trình đào tạo tại Học viện Cảnh binh quốc gia đặt tại Rochefort, Charente-Maritime.

Cũng tại Học viện này, các cảnh binh cấp cao từ các đơn vị được đào tạo, huấn luyện theo từng chuyên đề chuyên sâu (ước tính có khoảng 30.000 lượt cảnh binh chỉ huy được đào tạo mỗi năm).

Cảnh binh có lực lượng dự bị lên đến hơn 20.000 người gồm những người tình nguyện, cựu sỹ quan cảnh binh hoặc cựu sỹ quan quân đội Pháp. Cảnh binh dự bị nằm trong danh sách được công nhận quyền thực thi đầy đủ các chức trách như một cảnh binh chính thức trừ các nhiệm vụ liên quan đến điều tra tội phạm và bắt giữ người.

Khi cần thiết, cảnh binh dự bị được huy động nhanh và phiên chế vào các đơn vị phù hợp, gần nhất của cảnh binh địa phương. Với lực lượng đông, khu vực rộng khắp và rất gần dân nên cảnh binh Pháp có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Pháp.

Họ luôn giữ mối quan hệ mật thiết với dân chúng, dựa vào dân để nắm bắt thông tin, thực hiện công tác phòng ngừa xã hội và tranh thủ sự giúp đỡ của người dân trong các công tác của mình. Mỗi cảnh binh Pháp đều phải thực hiện nhiệm vụ bắt buộc là giúp đỡ người dân tối đa đối với các yêu cầu hỗ trợ chính đáng của dân.

Bất kỳ sự thiếu trách nhiệm hoặc thái độ hách dịch, bất hợp tác của cảnh binh với dân đều sẽ bị xử lý nghiêm. Ngược lại, người dân Pháp luôn có cảm tình với cảnh binh và coi cảnh binh như một trong những niềm tự hào, tin tưởng của mình.

Trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và cuộc khủng hoảng người nhập cư vẫn rất nóng bỏng, nước Pháp cũng đã phải chịu những cuộc tấn công đẫm máu của bọn khủng bố như một lời thách thức đối với an ninh nước này.

Trong bối cảnh đó, cùng với các lực lượng hành pháp khác, cảnh binh Pháp phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng rất cao, cùng sự đổi mới, theo kịp tình hình thì mới có thể có những biện pháp mạnh mẽ và hữu hiệu để bảo vệ an ninh đất nước cũng như sự an toàn các lợi ích của công dân Pháp trước mọi mối đe dọa từ bên ngoài cũng như trong nội tại nước Pháp.

Nguyễn Hoàng
.
.
.